Thứ Năm, 19/12/2024
Tăng cường các giải pháp giảm nghèo tại huyện Gò Công Đông

Qua thực hiện công tác giảm nghèo, huyện Gò Công Đông đã dần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư trên địa bàn; đồng thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các dự án, chính sách giảm nghèo đã góp phần cải thiện đời sống của người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội ngày càng tốt hơn.


Hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn để sản xuất, chăn nuôi

Năm 2019, số hộ nghèo toàn huyện Gò Công Đông là 1.061 hộ, chiếm tỷ lệ 2,77%, so với năm 2017 giảm 1.096 hộ. Thu nhập bình quân đầu người là 55,07 triệu đồng/người/năm, so với năm 2017 tăng hơn 10 triệu đồng/người/năm. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã triển khai thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng, đáp ứng nhu cầu về vốn vay cho hộ nghèo, cận nghèo góp phần đáng kể vào việc thực hiện chương trình giảm nghèo, thoát nghèo hằng năm của huyện.

Theo đó, huyện có 6.457 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ vay vốn, với tổng số tiền 122,569 tỷ đồng, trong đó có 223 hộ nghèo vay xây dựng nhà ở, số tiền 2,125 tỷ đồng; 364 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn thực hiện các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, số tiền 3,237 tỷ đồng; 5.870 hộ nghèo, cận nghèo vay sản xuất chăn nuôi, kinh doanh, với tổng số tiền 117,207 tỷ đồng.

Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ chính sách về y tế như hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo, trong đó 100/100 hộ dân thuộc 3 xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển của huyện gồm Gia Thuận, Kiểng Phước và Phước Trung đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, huyện tổ chức thực hiện tốt chính sách miễn giảm học phí, trợ cấp học phí cho học sinh; đồng thời, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo từ ngân sách nhà nước với mức hỗ trợ 54.000 đồng/hộ/tháng.

Nhờ chính sách ưu đãi tín dụng, huyện đã có nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Đơn cử như anh Võ Văn Phát (ấp Bà Lãnh, xã Tân Đông) được hỗ trợ xây dựng nhà “Đại đoàn kết”. Sau khi ổn định nhà ở, anh Phát được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn 20 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay, anh đã đầu tư chăn nuôi bò, dê. Đến nay, anh đã phát triển đàn bò được 6 con và đàn dê 10 con, kinh tế ổn định, cuộc sống gia đình khấm khá.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững nên tỷ lệ hộ nghèo của huyện Gò Công Đông hằng năm đều giảm. Cụ thể, các năm 2016, 2017, 2018, 2019 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm lần lượt 1,12%, 1,43%, 1,45% và 1,56%. Dự kiến, năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 0,91%.

Để thực hiện công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, huyện đã đề ra một số giải pháp: Tập trung nguồn lực và chỉ đạo triển khai các chính sách giảm nghèo; thông qua Nghị quyết của Đảng, kế hoạch hoạt động của chính quyền, của từng đoàn thể đối với chương trình giảm nghèo, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên của các cấp; lồng ghép các chương trình, dự án, nhất là đào tạo nghề, nâng cao kiến thức trình độ tay nghề gắn với các dự án vay vốn ưu đãi cho người nghèo để tạo việc làm tại chỗ; tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả.

Đồng thời, hằng năm, huyện xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp giảm nghèo cụ thể phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Sử dụng nguồn kinh phí giảm nghèo đúng mục đích, có hiệu quả, đầu tư có trọng điểm, không dàn trải, nhất là đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Tập trung hỗ trợ tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, thay đổi cách làm ăn, được đào tạo nghề để vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức các cấp, các ngành về tầm quan trọng, ý nghĩa của chương trình giảm nghèo; tuyên truyền phổ biến các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả về giảm nghèo; giáo dục làm thay đổi nhận thức cho hộ nghèo, vận động người nghèo, hộ nghèo chủ động phấn đấu vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Kim Oanh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất