Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 27,81% xuống còn 9,03%. Đây là kết quả đáng tự hào, thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm đẩy lùi nghèo đói. Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã lan tỏa rộng khắp trong xã hội tạo thêm động lực, nguồn lực giúp các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh vươn lên.
|
Mô hình nuôi trâu nhốt chuồng giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông ở thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) vươn lên thoát nghèo |
Xác định công tác giảm nghèo là trọng tâm, góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn, trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp giúp tạo sinh kế cho hộ nghèo vươn lên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TU, ngày 20-10-2017 về tăng cường lãnh đạo thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, quy định về một số cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo. UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; các cấp, các ngành đều xây dựng kế hoạch, mục tiêu thực hiện giảm nghèo gắn với lộ trình cụ thể, coi giảm nghèo là chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành công việc hàng năm…
Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của tỉnh được triển khai một cách đồng bộ, trong đó tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung nâng cao giá trị gia tăng cho người dân. Huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư các chương trình, dự án để lồng ghép thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa; sắp xếp, ổn định dân cư; hỗ trợ trồng rừng sản xuất; hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ hộ nghèo tín dụng ưu đãi; khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, phát triển hợp tác xã, kinh tế trang trại, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao; triển khai tốt các chương trình khuyến nông, khuyến lâm…
Tính từ năm 2016 đến 2020 đã có trên 67.700 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, làm nhà ở, ổn định cuộc sống với doanh số cho vay trên 2.600 tỷ đồng; gần 5.700 hộ nghèo được hỗ trợ sửa chữa, làm mới nhà ở với kinh phí trên 156 tỷ đồng. Tỉnh cũng tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất cho trên 148.000 lượt hộ nghèo và cận nghèo, trên 40.600 lao dộng được tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề; trên 119.600 lao động được giải quyết việc làm… Với những giải pháp, chính sách cụ thể của tỉnh được triển khai đã tạo đà để các hộ nghèo vươn lên có cuộc sống ổn định hơn, nhiều hộ thoát nghèo trong thời gian ngắn.
Tỉnh đã tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại nguyên nhân dẫn đến nghèo của từng hộ để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Việc hỗ trợ giảm nghèo được ưu tiên bằng tạo sinh kế lâu dài, bền vững như đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh, trao chiếc “cần câu” cho hộ nghèo thay vì “con cá”. Nhờ đó khi tiếp cận được nguồn ưu đãi cùng với sự giám sát, hỗ trợ từ cán bộ địa phương, nhiều hộ nghèo đã tìm được hướng thoát nghèo phù hợp.
Từ những chủ trương đúng đắn, cụ thể của tỉnh trong công tác chỉ đạo, thực hiện giảm nghèo và sự quyết tâm, đồng lòng của các cấp, các ngành và nhân dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 27,81% năm 2016 xuống còn 9,03% vào cuối năm 2020, bình quân giảm 3,76%/năm, vượt kế hoạch đề ra (mục tiêu giảm 3%/năm). Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo như Lâm Bình, Na Hang giảm bình quân 5,34%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã nghèo giảm bình quân 6,55%, tỉnh không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công với cách mạng…
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song tỉnh lTuyên Quang uôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách về xã hội, kịp thời rà soát, phân loại nguyên nhân nghèo của các hộ nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, đồng thời đặc biệt quan tâm đến việc xóa hộ nghèo là gia đình chính sách. Đây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh Tuyên Quang tiếp tục triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo trong thời gian tới.
Thảo Quyên