Thứ Ba, 26/11/2024
Quảng Trị: Phát huy vai trò của các tôn giáo trong công tác bầu cử
 
Lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh tặng lẵng hoa chúc mừng nhân dịp bổ nhiệm trụ trì Chùa Trung Chỉ 

Thực hiện các chỉ thị, hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chỉ đạo công tác bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tổ chức quán triệt, triển khai về công tác bầu cử cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào có đạo. Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 13.000 giáo dân thuộc Công giáo, 90.000 bà con tăng ni, phật tử và gần 5.000 bà con có đạo Tin Lành. Bà con có đạo sống hầu hết ở trên các địa bàn trong tỉnh làm nhiều ngành nghề khác nhau. Với cơ chế chính sách phù hợp của Nhà nước, sự năng động của bà con có đạo nên đời sống của bà con khá ổn định. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay, tôn giáo đang là vấn đề nhạy cảm và thời sự. Các thế lực thù địch đang tìm mọi cách để lợi dụng vấn đề tôn giáo, gắn với cái gọi là “dân chủ”, “nhân quyền” để thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình” nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước ta. Các thế lực thù địch tăng cường phá hoại về mặt chính trị, tư tưởng, tạo xu hướng chống đối giữa tôn giáo và chính quyền, giữa các tôn giáo với nhau. Vì vậy, gắn kết cộng đồng giữa đồng bào có đạo và đồng bào không theo đạo để thực hiện tốt cuộc bầu cử là sự gắn kết các giá trị văn hóa của dân tộc cùng chung một mục tiêu “dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong quá trình tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tỉnh xác định cần nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bầu cử, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong toàn xã hội. Các tôn giáo đưa chủ trương, chính sách về việc tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 vào các ngày sinh hoạt, ngày lễ trọng của mình, các buổi rao giảng giáo lý, giáo luật, trong các cơ sở bồi dưỡng, đào tạo các tín đồ, chức sắc của các tôn giáo nhằm tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân, về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh...

Trong công tác hiệp thương giới thiệu nhân sự để bầu đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021, lựa chọn giới thiệu những người theo đạo tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu ra ứng cử đảm bảo có tỷ lệ hợp lý đại biểu các tôn giáo phù hợp với quy định của Nhà nước. Trong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất về phân bổ cơ cấu, số lượng và thành phần đại biểu HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tỉnh đã giới thiệu 1 ứng cử viên thuộc các chức sắc tôn giáo trên địa bàn, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận huyện Hải Lăng giới thiệu 2 ứng cử viên, huyện Triệu Phong giới thiệu 1 ứng cử viên, thành phố Đông Hà giới thiệu 1 ứng cử viên và thị xã Quảng Trị giới thiệu 1 ứng cử viên... thuộc thành phần tôn giáo. Một số xã, phường, thị trấn cũng cơ cấu thành phần một số ứng cử viên thuộc các tôn giáo.

Có thể nói, việc phát huy vai trò của các tôn giáo trong hoạt động bầu cử là một việc làm có ý nghĩa rộng lớn, tạo được sự đoàn kết trong “Mái nhà chung” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh, sự đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết dân tộc- tôn giáo. Những việc làm tốt đẹp này biểu thị sự gắn kết, gắn bó, hòa hợp giữa các tôn giáo, giữa các tổ chức tôn giáo để cùng với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chăm lo cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Nguồn: baoquangtri.vn, ngày 8/3/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất