(Danvan.vn) Cũng như các dân tộc khác sinh sống bằng nghề trồng trọt ở Tây Nguyên, các dân tộc bản địa ở Lâm Đồng còn lưu truyền những phong tục mang sắc thái tín ngưỡng đa thần, gắn với các lễ nghi nông nghiệp như: Lễ phát rừng, Lễ gieo hạt, Lễ mừng lúa mới... hay các tập quán xã hội: ma chay, cưới xin...
|
Nam nữ dân tộc Chu Ru ở tỉnh Lâm Đồng trong điệu múa Tamja cổ truyền
|
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, những năm gần đây, được sự chỉ đạo của tỉnh, ngành văn hóa thông tin tỉnh Lâm Đồng cùng các cấp chính quyền ở địa phương thường xuyên phối hợp tổ chức lễ hội văn hóa - thể thao các dân tộc; tôn vinh các phong tục, lễ nghi mang bản sắc văn hóa của đồng bào, kết hợp các loại hình văn nghệ, trò chơi dân gian, thi đấu thể thao làm nên phần hội cho các sinh hoạt tín ngưỡng mang tính cộng đồng; thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, xây dựng đời sống văn hóa, ấm no và hạnh phúc.
Nghi lễ hình thành từ các quan niệm
Khác với người Kinh, các dân tộc bản địa ở Lâm Đồng từ xa xưa quan niệm mọi hành động trong đời sống hàng ngày của họ đều bị chi phối bởi các lực lượng siêu nhiên như: thần rừng, thần núi, thần sông, thần lửa, thần lúa... mà họ gọi chung là Yang (thần). Đối với họ tất cả những sinh hoạt trong đời sống đều do các Yang sắp đặt.
Người Mạ thờ cúng thần lúa (Yang Koi), thần rừng (Yang Bri), thần núi (Yang Bnơm). Người KHo thờ cúng vị thần tối cao (Yang Ndu) và nhiều vị thần khác; người Chu Ru ngoài thờ thần đập nước (Pơ Mung) là vị thần chính, còn thờ thần cây cổ thụ (Yang Gua) và rất nhiều vị thần khác liên quan đến mọi sinh hoạt, đời sống hàng ngày. Chính vì quan niệm đời sống của mình phụ thuộc vào ý muốn của các thần linh nên người Mạ, người KHo và người Chu Ru thường giết súc vật để tế các thần vào các dịp làm rẫy, thu hoạch hay cưới xin, ma chay. Hiến sinh súc vật là biểu hiện cụ thể những quan niệm của họ về thế giới siêu nhiên, thể hiện trong rất nhiều nghi lễ, ở đây nghi lễ lớn nhất là lễ ăn trâu mừng lúa mới (Nhô Yơng).
Các lễ nghi được tiến hành phụ thuộc vào mục đích công việc mà chủ nhân mong muốn. Trong các dịp cúng lễ, ngoài vị thần chủ trì (thần tối cao) họ còn cầu xin rất nhiều vị thần khác phù hộ cho công việc thuận lợi. Là những cư dân nông nghiệp, sinh sống bằng nghề trồng trọt, trong mỗi công việc đều có nhiều công đoạn tương ứng nên họ chia ra rất nhiều lễ nhỏ. Các lễ này được tiến hành đều đặn ở các khâu quan trọng, trong suốt quá trình làm rẫy hoặc gieo lúa hàng năm. Ví như việc chọn rừng làm rẫy của người Mạ, gọi là lễ Yusin Bri được tổ chức cúng tại nhà người chủ làng, nơi cộng đồng trong làng tập trung bàn việc chọn rừng phát rẫy. Theo phong tục trước khi đốt rẫy, người Mạ phải làm lễ cúng thần lửa (Loyangut), các lễ vật gồm gà, rượu được sửa soạn cúng ở nhà rồi xin lửa mang ra đám rẫy đã chọn (đám rừng này đã được phát, phơi khô trước đó). Trong lễ cúng họ cầu khấn cho thần lửa hãy đốt sạch đám rừng đã được phát, cho đất được màu mỡ, tốt tươi. Sau đó là lễ tỉa hạt lúa mẹ (Yang Tuy Koi) được tiến hành trước khi tỉa hạt, họ cầu xin thần linh hãy cho hạt nảy mầm đều, tươi tốt... Trong suốt quá trình lúa phát triển và chín, họ còn tổ chức nhiều lễ cúng các thần cầu cho lúa tốt tươi, không bị sâu bệnh phá hoại, không bị hạn hán, thóc về đầy kho.
Nơi biểu đạt tình cảm và tinh hoa văn hóa
Đối với đồng bào các dân tộc bản địa ở Cao nguyên, các lễ hội diễn ra hàng năm (không theo một thời gian nhất định) thường là sau khi thu hoạch vụ mùa trước hay chuẩn bị cho vụ mùa sau. Lễ hội là nơi đồng bào gửi gắm những tình cảm và sự khát vọng của mình tới các đấng thần linh. Ở đây bản sắc văn hóa được biểu hiện ở biên độ cao nhất của tư duy và quan niệm, hình thái văn hóa vật thể và phi vật thể đan xen, hòa quyện trong không gian hào sảng, huyền bí của con người và núi rừng đại ngàn.
Trong bất kỳ một lễ hội nào thì trọng tâm vẫn là cây nêu (Cơnđăh) lớn ở trung tâm buổi lễ, dùng để buộc trâu, nơi tiến hành lễ hiến sinh dâng lên các thần linh. Cây nêu là Totem văn hóa biểu đạt cao độ tư duy thẩm mỹ các cung bậc tình cảm và sự khát vọng của cộng đồng bằng những hình tượng cụ thể trong đời sống và sắc màu của tâm thức.
Cây nêu thường được chuẩn bị rất công phu bằng bàn tay điêu luyện của các già làng và các nghệ nhân có kinh nghiệm trong làng. Cây nêu được làm bằng các loại cây thiên nhiên như cây gạo, lồ ô, cây mây... được già làng đi vào rừng sâu để chọn lựa, sau đó được thể hiện trang trí rất cầu kỳ vài ngày trước lễ hội. Hình thức trang trí trên cây nêu rất đặc sắc bằng những hoa văn, họa tiết mang hình kỷ hà (hình học), màu sắc thường dùng là màu đen và màu đỏ. Ở mỗi cây nêu thường chia làm hai phần chính, phần gốc làm bằng thân cây gạo lớn (cao từ 3 - 4 m) được đẽo gọt tỉ mỉ bằng những hình tượng biểu thị những sự vật liên quan mật thiết đến đời sống thường ngày như: các hoa văn mặt trời, sóng nước, quả trám... hay các hình tượng chim, thú, trái bầu, lưỡi dao và các họa tiết được mô phỏng từ sắc phục (khố, váy, áo) hoặc đồ trang sức. Phần trên làm bằng cây lồ ô thẳng (dài từ 5 - 7 m) chuốt vỏ, tạo thành các búi cật tre xốp trắng (Nxơm) với khoảng cách đều nhau, thân lồ ô cạo trắng được vẽ các hoa văn hình học màu đỏ và màu đen. Trên đỉnh cây nêu biểu thị hình một con chim đang bay, thể hiện sự khát vọng hướng tới tương lai của cộng đồng. Xung quanh là 4 cánh nêu xòe ra 4 hướng, cong vút như cần câu, tạo cho cây nêu dáng dấp sum suê, bề thế. Trên mỗi cánh nêu được buộc rất nhiều các tua rua màu trắng với khoảng cách đều nhau bay phất phơ trong gió. Đầu mỗi cánh nêu treo các thanh gỗ (gỗ thân cây bông gòn) trắng mảnh, đẽo gọt công phu với các hình chim, cá dưới ánh nắng lung linh, nổi bật trên nền xanh của núi rừng và được tác động của gió tạo ra các âm thanh lanh canh, huyền bí như chuông gió hòa lẫn tiếng cồng chiêng trầm hùng của lễ hội. Xung quang cây nêu lớn, còn trang trí các cây nêu nhỏ, phía trước cây nêu còn có một cây hình nhân đang ngồi chống tay lên cằm, được khắc tạc khá chi tiết theo phong cách tượng nhà mồ, sơn 2 màu đỏ và đen (cao khoảng 2 - 3m). Theo quan niệm, hình nhân sẽ chứng kiến các thủ tục diễn ra trong lễ hội (chỉ những lễ hội ăn trâu mới trồng cây này). Con trâu hiến sinh sẽ được buộc vào dàn cây nêu chính (lớn) từ ngày hôm trước lễ hội. Phía sau cây nêu được bày một hàng chóe rượu cần của các dòng họ dâng lên cúng thần, sau đó mời khách cùng chung vui với cộng đồng. Hai bên cây nêu còn được sắp đặt một số hình tượng đã được cách điệu hóa mang đậm vẻ tâm thức như bàn cúng Yang Du, mô hình chòi đựng lúa... Chú trâu trước khi hiến sinh được cho ăn những bó cỏ non xanh và uống nước trong nhất. Đây là nét ứng xử nhân văn của ngươi bản địa Tây Nguyên. Ngoài ra chú trâu cũng được trang sức bằng một búi Nxơm lớn trên đầu.
Ngoài sự biểu đạt bằng các hình thức trang trí trên vật thể, lễ hội còn diễn ra phong phú qua những hình thức văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc riêng như các bài khấn thần của già làng đại diện cho cộng đồng, mời các Yang về chứng giám, cầu xin các thần linh cho mùa màng tươi tốt, cho cái lúa về đầy nhà, người người khỏe mạnh... Các điệu cồng chiêng, điệu múa (Xoang) mừng lúa mới, tiếng tù và, tiếng khèn (Mbuốt) và đàn tre hòa với tiếng hát được cất lên trong âm vang rừng núi, hừng hực lửa trại và lâng lâng men rượu êm say của chóe rượu cần.
Các lễ nghi truyền thống của đồng bào được tổ chức hàng năm đều không thể thiếu các thủ tục nặng về mặt tâm linh, thường thì các lễ nghi chỉ được tổ chức trong từng tộc người riêng biệt, ít có sự giao thoa văn hóa giữa các tộc người, đây cũng là một đặc thù để thấy được bản sắc riêng của từng dân tộc.
Được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền và ngành văn hóa, các nghi lễ truyền thống hàng năm của đồng bào được tổ chức long trọng, mang tính chất lễ hội cộng đồng các dân tộc cùng chung sống trên một vùng, miền. Trong đó mỗi dân tộc đều đóng góp cho lễ hội những sinh hoạt văn hóa mang bản sắc riêng của mình. Các sinh hoạt văn nghệ, thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống được phát huy, tạo nên phần hội phong phú và đặc sắc, làm cho sức sống của các lễ hội trở thành thiết yếu trong đời sống của đồng bào.
Nhằm bảo tồn và phát huy những tinh hoa văn hóa mang bản sắc riêng, cần tổ chức, động viên đồng bào tham gia sinh hoạt các lễ hội văn hóa, kế thừa những truyền thống đặc sắc, lược bỏ đi các thủ tục rườm rà mang nặng hình thức mê tín. Xây dựng thêm các loại hình vui chơi, ca hát mang tính dân tộc và hiện đại. Tạo cho đồng bào làm quen với các hoạt động văn hóa cộng đồng lành mạnh. Xây dựng đời sống văn hóa của vùng dân tộc ít người ngày thêm phong phú, phồn vinh và hạnh phúc./.
Lương Minh