Thứ Bảy, 20/4/2024
Nhân rộng mô hình "Con nuôi đồn biên phòng"
 
Cán bộ Ðồn Biên phòng Phó Bảng (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) hướng dẫn
 các cháu là con nuôi của đơn vị học bài.
 


Ba chị em ruột, gồm: Vàng Thị Chá, Vàng Thị Sáu, Vàng Thị Chở, là người dân tộc H’Mông, ở thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, huyện Ðồng Văn (Hà Giang), mồ côi cha không được bao lâu thì mẹ vượt biên lấy chồng. Thương các cháu, người bác ruột đón các cháu về nuôi, nhưng do gia đình thuộc diện hộ nghèo, cho nên cuộc sống càng cơ cực hơn. Ðể chia sẻ khó khăn cùng gia đình, chỉ huy Ðồn Biên phòng Phó Bảng (BÐBP Hà Giang) đã quyết định đón ba chị em nêu trên về nuôi dưỡng. Thượng tá Hà Văn Nga, Chính trị viên đồn, cho biết: Ban đầu đơn vị đặt vấn đề đón ba cháu về nuôi dưỡng, người bác kiên quyết không đồng ý vì sợ mất cháu; cán bộ đơn vị phải nhiều lần đến gặp người bác ruột để thuyết phục và cam kết trả các cháu về khi đủ 18 tuổi thì gia đình mới đồng ý. Ðược sự nhất trí của chính quyền địa phương, năm 2016, đồn đón các cháu về nuôi dưỡng. Kể từ đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị có thêm ba con nuôi; ba cháu nhỏ có thêm nhiều "bố nuôi" hằng ngày quan tâm, chăm sóc, không còn cảnh bữa đói nhiều hơn bữa no, không phải đi nương kiếm sống, chỉ tập trung vào học tập.

Cậu bé Nguyễn Văn Vũ, Trường tiểu học Ðức Trạch (Quảng Bình), năm học vừa qua đạt danh hiệu "Học sinh giỏi xuất sắc". Ngày nhận phần thưởng, Vũ chạy ngay về Ðồn Biên phòng Lý Hòa (BÐBP Quảng Bình) giơ cao tờ giấy khen, khiến cán bộ, chiến sĩ đơn vị không khỏi xúc động. Vũ có người mẹ tên Ngân, bị tật nguyền, sống một mình tại bãi ngang đầu làng, hằng ngày kiếm sống bằng quầy tạp hóa nhỏ. Dù hằng ngày chị Ngân luôn nhận được sự cưu mang của gia đình, hàng xóm, cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Lý Hòa, nhưng khi đứa con trai đến tuổi đến trường thì đã trở thành gánh nặng quá tải trên đôi vai người mẹ tật nguyền. Chia sẻ khó khăn cùng chị Ngân, cấp ủy, chỉ huy Ðồn Biên phòng Lý Hòa quyết định nhận cháu Vũ làm con nuôi của đơn vị. Tuy nhiên, ban đầu, do lo ngại quan niệm xã hội, sợ làng xóm chê cười không nuôi được con, chị Ngân rất ngại ngần. Bằng sự kiên trì phân tích, chị Ngân đã đồng ý, vì tương lai con trai mình. Những ngày đầu, để dỗ dành Vũ ở lại không quấy khóc đòi về với mẹ, cán bộ, chiến sĩ không khỏi vất vả, tìm mọi cách, nghĩ ra các trò chơi để thu hút bé. Chỉ sau một thời gian ngắn, cháu Vũ đã thân thiện và gắn bó với các ông bố nuôi của đồn. Hiện giờ Vũ đã học lớp hai, cậu khoe: Khi nào nhớ mẹ, cháu lại về chơi với mẹ, khi nhớ mấy ba, mấy chú, cháu lại vào đơn vị. Cháu sẽ cố gắng học thật giỏi, thật ngoan để mấy ba mua quần áo đẹp, cặp sách đẹp, chở cháu đến trường học với các bạn.

Ðồn Biên phòng A Vao (BÐBP Quảng Trị), hiện đang nuôi dưỡng chín con nuôi, cháu lớn nhất 16 tuổi, cháu bé nhất mới năm tuổi. Chín chị em Hồ Thị Niêu được bố trí ở căn nhà gỗ cũ sát trường mầm non. Hằng ngày, chị cả Hồ Thị Niêu ở nhà giặt giũ, dọn dẹp và nấu cơm cho tám đứa em đi học. Ðến bữa, nuôi quân đơn vị chuyển thức ăn từ nhà bếp của đồn cách đó 1 km tới cho các con. Hằng tối, cán bộ, chiến sĩ đơn vị thay phiên nhau kèm các con học bài... Sau hai năm, các cháu đã hòa nhập trường, lớp, biết đọc, biết viết, biết tự chăm sóc nhau. Thượng tá Ngô Ðức Tuyến, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng A Vao, cho biết: Hằng tháng, cán bộ, chiến sĩ đơn vị dành một phần lương và phụ cấp để giúp đỡ chín con nuôi. Chứng kiến sự tiến bộ của các cháu, chúng tôi thấy tâm huyết và công sức của mình được đền đáp xứng đáng.

Đó chỉ là ba câu chuyện nhỏ của các con nuôi đồn biên phòng, mô hình đã và đang được nhân rộng ở các địa phương có đường biên giới, hải đảo. Tháng 6 vừa qua, Cục Chính trị BÐBP đã có hướng dẫn thực hiện mô hình "Con nuôi đồn biên phòng", nhằm triển khai mô hình rộng khắp toàn lực lượng. Theo đó, các đơn vị sẽ nhận nuôi các cháu độ tuổi từ 6 tuổi đến 15 tuổi là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó ưu tiên con em đồng bào dân tộc đặc biệt ít người, như: Chứt, Rục, Ðan Lai, La Hủ; các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa, hoặc mồ côi cha (mẹ) cư trú ở khu vực biên giới thuộc địa bàn đồn biên phòng phụ trách; các cháu là con thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mỗi đồn phấn đấu nuôi từ một đến hai cháu đến khi các con học xong lớp chín, sau đó tiếp tục thực hiện Chương trình "Nâng bước em tới trường"...

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất