Thứ Bảy, 28/12/2024
Thôn trưởng A Bát làm tốt công tác dân vận
Chuồng trại chăn nuôi bò của Thôn trưởng A Bát được xây dựng và dọn dẹp hàng ngày sạch sẽ. Ảnh: T.Q

Năm 2002, Thị ủy Kon Tum (nay là Thành ủy Kon Tum) có chủ trương vận động các hộ dân trong vùng đồng bào DTTS không nuôi nhốt gia súc ở gầm nhà sàn (Thông báo số 48). Khi đấy, mặc dù chưa đảm nhận chức vụ Trưởng thôn nhưng A Bát là một trong những hộ dân gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương này.

Ông A Bát kể: Trước đây, bà con trong thôn chăn nuôi bò rất nhiều. Tuy nhiên, theo tập quán của người dân địa phương, bà con dân làng nơi đây đều nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn. Lúc bấy giờ, bà con chưa biết việc nuôi nhốt như vậy sẽ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe. Bản thân tôi khi ấy là công an viên của thôn nên đã bàn với vợ dựng tạm chuồng trại phía sau nhà rồi đưa đàn bò ra đó nuôi nhốt. Khi di dời đàn bò ra khỏi gầm nhà sàn, mùa mưa, mùi hôi thối không còn bốc lên nồng nặc; ruồi, muỗi cũng giảm nhiều. Từ đó, tôi tích cực tham gia vận động bà con làm theo. Khi lên làm thôn trưởng, để làm gương cho người dân trong thôn thay đổi tập quán chăn nuôi gia súc theo hướng văn minh, gia đình tôi đầu tư xây dựng chuồng bò để bà con nhìn vào đó học hỏi và làm theo.

Xác định chăn nuôi bò giúp tăng thu nhập cho gia đình nên A Bát chăm chút cho vật nuôi rất kỹ lưỡng. Mỗi ngày, ông dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại một lần; trồng cỏ để phát triển chăn nuôi… Nguồn phân chuồng lấy ra hàng ngày được ông đào hố ủ lại để bón cho cây trồng hoặc bán khi ai có nhu cầu hỏi mua.

Ông A Bát chia sẻ: Mình làm thôn trưởng, mình phải gương mẫu đi đầu thì bà con mới học theo và làm theo. Vận động bà con mà nhà mình chăn nuôi dưới gầm nhà sàn, gần nhà hoặc chăn nuôi không chuồng trại cũng không được.

Khó khăn nhất trong triển khai, vận động các hộ gia đình trong thôn đó là vị trí làm chuồng trại của bà con không có, vì bà con dân làng đồng bào DTTS thường sống tập trung, nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn. Để thay đổi thói quen của bà con, bản thân ông A Bát đã “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tư vấn, hướng dẫn cho bà con dân làng từng bước thay đổi nếp nghĩ, thói quen.

Hiện, thôn Kon Rờ Bàng 2 có hơn 50 hộ gia đình phát triển chăn nuôi bò, mỗi hộ chăn nuôi từ 2-6 con bò, chủ yếu để lấy sức cày kéo, số ít chăn nuôi bò thịt; đến nay đa số đều chăn nuôi có chuồng trại, nuôi nhốt gia súc xa nhà.

Đến thăm hộ gia đình ông A Lơn – một trong những gia đình có cảnh quan môi trường sống sạch, đẹp nhất, nhì thôn, người đàn ông này kể: Trước đây, gia đình cũng chăn nuôi 5 - 6 con bò dưới gầm nhà sàn. Mùa mưa, phân gia súc bốc mùi hôi thối nồng nặc; ruồi, muỗi sinh sôi tràn lan khiến cho các cháu nhỏ trong gia đình thường xuyên bị đau bệnh. Tuy nhiên, vì nhà đông con, đất ở hẹp nên chỉ có thể di dời đàn gia súc bằng cách không nhốt bò dưới gầm nhà sàn mà chuyển sang cột tạm bên hông nhà. Cách đây 2 năm, được thôn trưởng A Bát vận động, gia đình đã di dời đàn bò ra khu đất của gia đình ở phía sau làng để làm chuồng trại. Phần diện tích nuôi nhốt gia súc trước đây dưới gầm nhà sàn đã được san lại bằng phẳng, lát gạch hoa, tận dụng làm nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt chung cho cả gia đình, trông rất hợp lý, khoa học và mát mẻ.

Tích cực vận động bà con dân làng ăn ở hợp vệ sinh, ông A Bát đã góp  phần không nhỏ giữ gìn môi trường, mang lại diện mạo mới văn minh, sạch đẹp cho thôn Kon Rờ Bàng 2. “Trong thời gian tới, thôn cũng sẽ tiếp tục đề xuất với chính quyền địa phương xem xét, tạo điều kiện về quỹ đất để các hộ dân còn lại tiếp tục di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm nhà sàn” - Thôn trưởng A Bát chia sẻ.

Nguồn: baokontum.com.vn, ngày 15/02/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi