Thứ Bảy, 28/12/2024
Dân vận khéo trong phát triển kinh tế ở Quảng Ngãi
Sản xuất rau an toàn là một trong những mô hình dân vận khéo trên lĩnh vực kinh tế mang lại hiệu quả cho người nông dân.

Tháng 7/2016, gia đình anh Võ Phú Quý ở xóm Nhất Tây, thôn Tân Phước, xã Bình Minh (Bình Sơn) thực hiện mô hình nuôi hươu lấy nhung. Với số vốn ban đầu trên 40 triệu đồng, anh mua 1 con hươu đực và 3 con hươu cái. Đến thời điểm này, con hươu đực đã cho nhung. Anh Quý kể, nuôi hươu sao rất nhàn. Bình thường hươu chỉ ăn cỏ, lá cây như lá mì, xoan, bạch đàn, keo... nên không mất nhiều công đi kiếm thức ăn, trừ những lúc hươu mọc nhung. Đây là mô hình được UBND xã Bình Minh triển khai thí điểm với 11 hộ tham gia. Sau hơn nửa năm thực hiện, nhiều hộ nuôi hươu đã có hiệu quả kinh tế.

Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Ngọc Đức, cho biết: Đây là thời điểm chuẩn bị khai thác lấy nhung (1kg nhung giá khoảng trên 10 triệu đồng). Với giá thành như hiện nay, thì chỉ hai năm sau các hộ nuôi hươu sẽ thu hồi được vốn và có lãi. Đến nay có nhiều hộ đăng ký thực hiện mô hình này. Có thể nói, sau các mô hình sản xuất nông nghiệp thì đây là mô hình chăn nuôi hiệu quả đang được nhân rộng ở Bình Minh. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trong toàn xã gần 30 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo chỉ còn 2,7%.

Toàn tỉnh hiện có trên 800 mô hình “dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế. Riêng năm 2016, gần 350 mô hình được nhân rộng và đăng ký mới. Điều đáng nói là, các mô hình đã huy động được cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia góp phần phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, giảm nghèo ở địa phương... Đặc biệt, thi đua “dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới đã tạo động lực mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, được các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân tích cực hưởng ứng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống nhân dân được cải thiện. Đã có nhiều cách làm hay như vận động mua BHYT, góp tiền, hiến đất, dồn điền đổi thửa tạo ô thửa lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất...

Một trong những cách làm hiệu quả là các địa phương đã có nhiều sáng tạo trong vận dụng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới vào điều kiện cụ thể của địa phương và khả năng đóng góp của người dân, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc hướng dẫn, giúp đỡ người dân vươn lên làm chủ nông thôn và phát huy được vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Ðặc biệt, trong việc chỉ đạo xây dựng mô hình là cách làm, bước đi rất cụ thể, đưa ra các tiêu chí cơ bản và tiến hành khảo sát thực trạng trong từng hộ gia đình. Từ đó, người dân dễ dàng tiếp thu và tổ chức thực hiện.

“Trong quá trình thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Dân vận các cấp đã tích cực tham mưu với cấp uỷ, tiến hành bàn bạc về cách làm, bước đi, lựa chọn nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, vận động, chọn địa điểm chỉ đạo mô hình, gắn với kiểm tra, giám sát nên bước đầu gặt hái nhiều kết quả quan trọng. Nhiều mô hình, điển hình “dân vận khéo” trên các lĩnh vực được nhân rộng, lan toả trong xã hội, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó góp phần làm chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác dân vận của Ðảng trong tình hình mới”, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thái Hiệp, khẳng định.

“Dân vận khéo” đã trở thành phong trào quần chúng mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề bức thiết của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn. Thời gian tới, phong trào “dân vận khéo” tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các nội dung của phong trào, hướng về cơ sở, trọng tâm là nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, đơn vị..

Nguồn: baoquangngai.vn, ngày 21/02/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi