Thứ Bảy, 11/1/2025
Xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn liền với lợi ích người dân
 
Mô hình trồng cây chè của người dân bản Nà Khoang, xã Phổng Lập (Thuận Châu). 


Nhiều lần đến xã Phổng Lập mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người dân nơi đây. Xã có 15 bản đều là bản đặc biệt khó khăn, địa hình đồi núi, chia cắt, đất nương độ dốc cao, việc áp khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, người dân chủ yếu trồng ngô, sắn năng suất, chất lượng thấp dẫn đến cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 60%, hộ cận nghèo chiếm 18%, đây là thách thức không nhỏ đặt ra với cấp ủy, chính quyền nơi đây. Đồng chí Cà Văn Tới, Bí thư Đảng ủy xã trăn trở: Việc xóa đói, giảm nghèo luôn là vấn đề cấp bách được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm thực hiện. Bởi vậy, khi thực hiện triển khai xây dựng mô hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2016-2020, chúng tôi căn cứ tiềm năng thế mạnh của địa phương, lựa chọn mô hình phù hợp, đảm bảo tính khả thi, mang tính lâu dài và bền vững. Theo đó, xác định cây chè là cây chủ lực, vừa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của xã lại gần vùng sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè của xã Phổng Lái, từ đó chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi từ đất nương trồng ngô, sắn hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây chè, gắn kết tạo vùng nguyên liệu ổn định để cung cấp cho các doanh nghiệp, HTX chế biến chè tại xã Phổng Lái. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất cho các bản đặc biệt khó khăn để hỗ trợ giống, phân bón, chuyển giao khoa học, kỹ thuật giúp người dân chuyển đổi sang trồng cây chè.

Đến nương chè của gia đình ông Lường Văn Chín, bản Nà Khoang đúng lúc gia đình đang thu hái, ông Chín phấn khởi cho biết: Năm 2016, được cán bộ tuyên truyền vận động gia đình chuyển đổi hơn 5.000 m²  trồng sắn sang trồng chè. Tham gia trồng chè được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc; nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, sau 2 năm, gia đình đã bắt đầu được thu hái, trung bình mỗi vụ thu hơn 2 tấn chè tươi, thu gần 20 triệu đồng. Trồng chè cho giá trị cao hơn hẳn so với trồng cây ngô, sắn, thương lái đến tận nơi thu mua, bà con trong bản ai cũng phấn khởi. Năm tới gia đình tiếp tục chuyển đổi 5.000 m²  sang trồng cây chè.


Được biết, từ sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, năm 2016, xã tuyên truyền vận động, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân 2 bản Nà Khoang, bản Lụa chuyển đổi trồng 20 ha chè, cây chè sinh trưởng và phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch với năng suất 3,3 tấn/ha, giá trị thu nhập 22 triệu đồng/ha, cho thu nhập cao hơn 3-4 lần so với trồng cây ngô, sắn. Từ những kết quả bước đầu đạt được tại bản Nà Khoang, bản Lụa, Đảng ủy xã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đưa vào Nghị quyết của Đảng ủy xã, lồng ghép các mô hình, dự án của tỉnh, huyện để hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng chè. Năm 2017, vận động người dân bản Kẹ, bản Nà Ban trồng được 30 ha chè; năm 2018 vận động người dân các bản trong xã thực hiện mô hình và tự nhân rộng được 56 ha. Hiện nay, toàn xã có 106 ha trồng chè (Nhà nước hỗ trợ gần 64 ha, người dân tự nhân rộng hơn 42 ha), hiện có 69 ha đã cho thu hoạch, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.


Để mô hình trồng chè phát triển bền vững, thời gian tới, xã Phổng Lập tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích cây chè gắn với vận động các hộ tự nguyện dồn điền, đổi thửa, đảm bảo diện tích chè liền vùng, liền khoảnh; tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ người dân trồng chè; phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; phối hợp các doanh nghiệp, HTX trồng, chế biến chè tại xã Phổng Lái cung ứng giống gắn với bao tiêu sản phẩm cho người dân trên địa bàn xã.

 

Việt Anh/ baosonla.org.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất