Thứ Ba, 19/11/2024
Ngân hàng chính sách xã hội - Điểm tựa trong phát triển kinh tế - xã hội

Thông qua 3 chương trình tín dụng chính sách (Chương trình cho vay hộ nghèo, Chương trình cho vay hộ cận nghèo, Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo),  NHCSXH tỉnh Hậu Giang phục vụ nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững, đã giúp cho gần 330 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tiếp cận vốn vay, trong đó giúp cho trên 85 nghìn lượt hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, trên 40 nghìn hộ thoát cận nghèo, giảm tỷ lệ hộ tái nghèo, tái cận nghèo.

Các chương trình cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số mà NHCSXH tỉnh Hậu Giang thực hiện thời gian qua với tổng doanh số cho vay gần 5,8 tỉ đồng với 750 lượt hộ vay vốn; tổng dư nợ hơn 530 triệu đồng, với 81 hộ có dư nợ. Nguồn vốn của chương trình này đã giúp cho 670 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong vùng kinh tế đặc biệt khó khăn vươn lên vượt qua ngưỡng nghèo, từng bước cải thiện cuộc sống.


 Mô hình đan lục bình giúp giải quyết việc làm, vươn lên thoát nghèo

 

Gia đình chị Nguyễn Thị Hoàng Yến, ở ấp 4, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp có 4 nhân khẩu, thuộc diện hộ nghèo. Được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giới thiệu để tiếp cận nguồn vốn vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Với số vốn này, một phần chị Yến đầu tư vào chăn nuôi heo, một phần làm vốn mua bán đồ rẫy trong xóm. Thời gian rảnh chị còn tham gia vào nghề đan đát được địa phương tổ chức. Có được công ăn việc làm ổn định với nguồn thu nhập từ 100.000-150.000 đồng/ngày, cộng với nguồn thu từ mô hình nuôi heo, vừa rồi chị Yến đã xin thoát nghèo. Chị Yến cho biết: “Trước đây gia đình quá khó khăn, có đất nhưng thiếu vốn và không tìm được mô hình sản xuất phù hợp. Cũng may nhờ địa phương hỗ trợ nên giờ đây kinh tế gia đình có bước chuyển biến. Hiện tại gia đình đã trả được một phần vốn vay và đăng ký thoát nghèo”.

Không những là điểm tựa, đòn bẩy giúp bà con thoát nghèo mà nguồn vốn chính sách còn giúp họ vươn lên làm giàu thông qua những mô hình sản xuất hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Điển hình như trường hợp của ông Lê Văn Trọng ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, từ hộ nghèo nhiều năm liền, vươn lên thoát nghèo, trở thành “ông chủ” một cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Ban đầu, chính quyền địa phương, Hội phụ nữ xã vận động, tạo điều kiện cho vợ chồng ông tham gia học nghề đan đát, dần dần hình thành mô hình đan lục bình gia công. Thấy nhiều bà con cũng tham gia, năm 2012, ông mạnh dạn đề nghị vay vốn NHCSXH huyện Long Mỹ 30 triệu đồng để mua nguyên liệu cho bà con đan.

Chỉ một năm sau, Tổ hợp tác đan lục bình ra đời, sản phẩm làm ra đều được một công ty ở Cần Thơ tiêu thụ hết. Nhờ vậy, chẳng những giúp cuộc sống gia đình ông từng bước ổn định hơn mà còn giải quyết việc làm cho 50 lao động nhàn rỗi có thu nhập ổn định hàng tháng. Không dừng lại ở đó, năm 2016, ông Trọng tiếp tục vay vốn chính sách 50 triệu đồng để mở rộng mô hình, sắm phương tiện vỏ, máy để vận chuyển, mua nguyên liệu, đồng thời hướng dẫn đào tạo nghề thêm thợ đan đát.

Năm 2022, ông Trọng tiếp tục vay thêm 100 triệu đồng vốn giải quyết việc làm để đầu tư nguyên vật liệu, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn ở địa phương. Đến nay, cơ sở của ông Trọng đã giải quyết việc làm cho trên 400 lao động, có thu nhập ổn định từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Ông Trọng chia sẻ: “Hiện nay, gia đình tôi có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, đã thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu. Kết quả này cũng nhờ có nguồn vốn của NHCSXH, không chỉ bản thân tôi mà còn giúp cho hơn 400 lao động ở đây không phải đi làm ăn xa”.

Theo Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang, phương thức cho vay của chi nhánh chủ yếu là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị chung tay giúp chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy được hiệu quả đồng vốn. Đồng thời, NHCSXH lồng ghép các chương trình tín dụng với các chương trình, dự án, chuyển giao KHKT vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách.

Việc hỗ trợ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới. Có thể nói, NHCSXH đã trở thành điểm tựa, người bạn đồng hành của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong hành trình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tại Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78 trên địa bàn tỉnh mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giangcho biết: Để tiếp tục phát huy vai trò tín dụng chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội, NHCSXH các cấp trong tỉnh cần tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, tranh thủ các nguồn vốn ủy thác, chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả; nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ, nhằm mang lại lợi ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, các ngành, nhất là sự giám sát của cấp ủy chính quyền địa phương, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn vay, đảm bảo mục tiêu tăng cường dư nợ đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, thiết thực, hiệu quả về tín dụng chính sách xã hội và các mô hình SXKD giỏi, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Phương Lan


Gửi cho bạn bè