Thứ Sáu, 24/1/2025
Học và làm theo phong cách làm việc lãnh đạo gần dân, vì dân của Bác

 


Phong cách làm việc gần dân, sát dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Danh giới giữa người đứng đầu nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bị xóa nhòa, hòa vào đời sống sinh hoạt hàng ngày của từng đối tượng nhân dân trong xã hội với những hành động, cử chỉ gần gũi, thân mật, giản dị, thân thương không phải ai cũng làm được. Phong cách của Người đã trở thành kim chỉ nam định hướng cho mỗi người, nhất là đối với hoạt động giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện những quan điểm, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước hiện nay.

Phong cách làm việc gần dân, sát dân của Bác là sự thể hiện chiều sâu tư tưởng về vai trò, vị trí của nhân dân trong lịch sử, về sự khảo nghiệm cuộc sống của những người “thấp cổ, bé họng” mà Người đã gặp trên hành trình ra đi tìm đường cứu nước, về sự đè nén, áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến đối với đồng bào mình và từ chính nhu cầu, khát vọng của nhân dân mong muốn được làm chủ cuộc sống của mình là cơ sở, nguồn gốc hình thành, phát triển phong cách làm việc gần dân, sát dân của Hồ Chí Minh. Gần dân, sát dân đối với Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở những ý niệm, tư tưởng mà đó là sự đắm mình sâu rộng vào cuộc sống của những người lao động trong xã hội, không có sự phân biệt địa vị, giàu, nghèo, sang, hèn. Hay nói một cách khác gần dân, sát dân không có nghĩa là theo đuôi quần chúng, không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo. Mà gần dân, sát dân là để phát huy cao nhất vai trò, năng lực, khả năng sáng tạo của quần chúng trong tiến trình cách mạng. Người chỉ rõ: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng và cách làm việc, cách tổ chức của chúng ta đều phải lấy câu này làm khuôn phép: Từ trong quần chúng ra, về sâu trong quần chúng”[1].

Để có phong cách làm việc gần dân, sát dân Người yêu cầu cán bộ, đảng viên cần thường xuyên tiếp xúc, làm việc với quần chúng nhân dân, hòa mình vào những hoạt động thực tiễn phong phú, đa dạng, vào những phong trào thi đua yêu nước diễn ra trong các tầng lớp nhân dân để lắng nghe những tâm tư tình cảm, nguyện vọng của quần chúng để thấu hiểu, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của họ. Trên cương vị Chủ tịch nước 24 năm Người luôn theo sát mọi hoạt động của quần chúng nhân dân, xuống tận cơ sở để làm việc, nắm bắt những sinh hoạt đời sống của bà con nhân dân và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ cơ sở, từ đó có những chính sách động viên, khen thưởng, nhắc nhở rất kịp thời nhưng vô cùng tinh tế, khéo léo khiến ai cũng phải tâm phục, khẩu phục. Người nói: “Khi làm việc với quần chúng, cần phải nắm vững tình hình quần chúng, phải phân loại quần chúng để có biện pháp làm việc hiệu quả”[2]. Phong cách làm việc gần dân, sát dân đã trở thành bản chất của phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh, một phần máu thịt trong con người của Bác không bao giờ thay đổi, mãi định hướng cho những suy nghĩ, hành động, việc làm thiết thực, cụ thể đến với từng giai cấp, giai, giai tầng trong xã hội. Dù trong hoàn cảnh chiến tranh hay hòa bình, và ngay cả nằm trên giường bệnh, Người đều hướng về nhân dân, đến với nhân dân, đắm mình vào cuộc sống của nhân dân, lấy nhân dân là nguồn gốc, động lực để làm việc, xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh đủ năng lực, uy tín đưa sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc đến thành công.

Đất nước mới giành được độc lập dân tộc, nhưng giữa bộn bề công việc của những ngày đầu xây dựng nền dân chủ  cộng hòa, đất nước đang bị đe dọa bởi nạn đói, nạn dốt và nạn ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian để tiếp các tầng lớp nhân dân: “Từ năm nay, tôi sẽ rất vui lòng tiếp chuyện các đại biểu của các đoàn thể, như: Văn hóa giới, Công giáo, Công hội, Thanh niên, Hoa kiều, Công chức, Phật giáo, Nông hội, Phụ nữ, Nhi đồng”[3]. Trong đó, Người nêu rõ: “Xin gửi thư nói trước để tôi sắp xếp thời giờ rồi trả lời bà con, khỏi mất thời giờ chờ đợi mất công” và yêu cầu “mỗi đoàn không quá mười vị, mỗi lần không quá một tiếng đồng hồ”[4]. Đó chính là mong muốn, khát vọng của Người, thể hiện chiều sâu tư duy lý luận gắn với hoạt động thực tiễn, với những nỗi niềm, trăn trở trong cuộc sống của bà con nhân dân. Trong vòng 10 năm, từ năm 1955 -1965, theo một thống kê chưa đầy đủ, Người đã về địa phương, cơ sở, đã đến với nhân dân hơn 700 lần. Đặc biệt, vì muốn mắt thấy, tai nghe những việc thật, thông tin thật, người thật từ cơ sở, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tránh báo trước, tránh những nghi thức rườm rà, nghi lễ đón tiếp, khẩu hiệu chào mừng, hàng rào danh dự... và nhất là rất ít khi ăn cơm ở những cơ sở, địa phương nơi Người đến.

Ý nghĩa đối với việc giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên hiện nay

Phong cách làm việc gần dân, sát dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể để khơi dậy, quy tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và dựng xây đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng ta đã được lĩnh hội, hấp thụ từ phong cách làm việc đó của Người và có những cống hiến to lớn cho cơ quan, đơn vị, địa phương trên mỗi cương vị, chức trách được giao. Có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, không quản khó khăn, vất vả, bám sát thực tiễn đơn vị, lăn lộn với những phong trào của quần chúng, hăng hái đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ, giữ vững bản chất, truyền thống của người cán bộ, đảng viên thắng không kiêu, bại không nản, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không để bị những tác động mặt trái của cơ chế thị trường chi phối, điều khiển đánh mất mình trong xã hội đầy những xô bồ, cạm bẫy. Vì thế, đại thể quần chúng nhân dân tin tưởng vào đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, họ đã lắng nghe ý kiến phản ánh của quần chúng, giải quyết thấu tình, đạt lý những lo âu, băn khoăn về việc thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và những mâu thuẫn, bất đồng trong giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai, khiếu nại, tố cáo của bà con nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó thì việc học tập và làm theo phong cách làm việc gần dân, sát dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc giáo dục, rèn luyện ở một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn mang tính hình thức, chưa được nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc và trở thành nhu cầu, động cơ thúc bách họ không ngừng tu dưỡng, phấn đấu rèn luyện để trở thành những tấm gương sáng về sự gần dân, sát dân hiện nay. Sự gần dân, sát dân đối với họ chỉ dừng lại ở những lời hô hào khẩu hiệu, lời hứa suông, không gắn với hành động, hay nói một cách khác họ nói một đằng, làm một nẻo, không sâu sát quần chúng để hiểu sâu sắc bản chất của từng vấn đề, sự việc, thậm trí có những người còn quát mắng, doạ nạt nhân dân, không giải thích cho nhân dân hiểu mà tỏ thái độ khó chịu, không bằng lòng khi được phân công giao nhiệm vụ giải quyết thắc mắc của nhân dân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: Có cán bộ còn ức hiếp nhân dân, thờ ơ, bàng quang với nhân dân, vòi vĩnh nhân dân, trù dập nhân dân họ giống như ông vua con ở những nơi đó. Đặc biệt, trước những tác động của mặt trái cơ chế thị trường và sự chống phá quyết liệt của kẻ thù, một số cán bộ, đảng viên đã không giữ được mình, bị chi phối bởi những đồng tiền, danh vọng, quyền lực, từ đó, xa vào quan liêu, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, không quan tâm, lo lắng đến cuộc sống của nhân dân, chỉ lo lắng vun vén cho lợi ích cá nhân, gia đình, dòng họ của mình.

Vấn đề đặt ra ở đây đối với công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên theo phong cách làm việc gần dân, sát dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm to lớn của mình đối với nhiệm vụ được giao. Cán bộ, đảng viên là những người có năng lực, uy tín được nhân dân tín nhiệm bầu vào giữ ở những vị trí khác nhau. Vì vậy, việc gần dân, sát dân cần được đội ngũ này lan tỏa, thẩm thấu vào trong mỗi công việc, nhiệm vụ được giao, giải quyết tốt những mối quan hệ trong tập thể cơ quan và bên ngoài xã hội, nhất là khi tiếp xúc với nhân dân. Nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ này, ngày 21/1/2019, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 28 - CT/TW về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Chỉ thị nhấn mạnh: Chấn chỉnh công tác kết nạp đảng viên, khắc phục triệt để tình trạng chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng.

Cán bộ, đảng viên cần gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ đảng, chấp hành nghiêm Hiến pháp, pháp luật nhà nước, không có biểu hiện tư lợi cá nhân trong công việc, cũng như trong cuộc sống. Tích cực, chủ động tham gia vào những công việc, hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là những nơi khó khăn, gian khổ cần có sự tham gia đầy đủ của cán bộ, đảng viên, chứ không phải chỗ nào có quyền lợi thì có mặt đầy đủ, chỗ không có quyền lợi, hay sinh hoạt, hội họp thì vắng mặt. Sự gương mẫu này cần được cụ thể hoá, thể chế hoá thành những tiêu chí cụ thể, những công việc đem lại lợi ích thiết thân nhất cho quần chúng nhân dân. Bác Hồ đã nói: Nếu cán bộ, đảng viên có đưa ra hàng trăm chủ trương, chính sách mà không đem lại lợi ích cho quần chúng thì những chủ trương, chính sách đó chỉ dừng lại ở những lời nói suông. Nêu gương trong mỗi cán bộ, đảng viên là sự tự nguyện, tự giác, tự nhận thấy trách nhiệm to lớn của mình trước tập thể chứ không phải là sự gượng ép, mang tính bắt buộc của một cá nhân, hay tổ chức nào. Đó là tình cảm, niềm tin, ý chí gắn bó mật thiết với nhân dân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh của đội ngũ cán bộ, đảng viên, là sự hòa quyện, thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân trong hoạch định, thực hiện đường lối phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh thực sự là hạt nhân đoàn kết trong việc tập hợp các lực lượng, giai cấp trong xã hội. Các tổ chức cơ sở đảng như: tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… cần phát huy tốt vai trò của mình trong việc giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên để có những phản ánh kịp thời khi phát hiện những bất thường xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các tổ chức cơ sở đảng phải là “trái tim” của Đảng, trung tâm của việc tuyên truyền, gắn kết tạo dựng uy tín, niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, sự gần dân, sát dân được thể hiện ở mức độ đến đâu là phụ thuộc rất lớn vào sự hoạt động có tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Đội ngũ này sẽ đem những chủ trương, chính sách của Đảng đến với quần chúng, và quần chúng có đồng lòng, tin tưởng, quyết tâm thực hiện hay không cũng phụ thuộc rất lớn vào khả năng, trình độ của đội ngũ này. Vì thế, trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng thực sự vững mạnh sẽ là nhân tố điều kiện tiên quyết để bảo đảm cho sự ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế - xã hội ở các địa phương hiện nay, cũng là cơ sở để hình thành, phát triển nên phong cách lãnh đạo, làm việc gần dân, sát dân của mỗi cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay.

Năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2019) - con người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, suốt đời vì dân, vì nước. Trên mỗi bước đường dựng xây, kiến thiết đất nước của chúng ta hôm nay luôn có sự hiện hữu của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đó là sự tỏa sáng, chiếu rọi vào mỗi suy nghĩ, hành động của con người dù ở bất kỳ cương vị, chức trách nào. Nhờ về phong cách làm việc gần dân, sát dân của Bác là để củng cố niềm tin, sự kính trọng, biết ơn vô bờ bến đối với Bác, và cũng để giáo dục, rèn luyện mỗi người biết giữ mình, biết nâng niu, trân trọng những giá trị đích thực trong cuộc sống, sống có tình, có nghĩa, nỗ lực phấn đấu vươn lên trong công việc. Đó cũng là thông điệp của lịch sử, của những lời nhắn gửi giản dị nhưng vô cùng sâu sắc thấm thía của Bác đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay luôn gần dân, sát dân, tôn trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân - bí quyết của mọi thắng lợi.

-----------------------

1. 2. 3. 4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2002, tập 5, tr.248; tr.297; tr.298; tr.356.

ThS Nguyễn Tú Anh, Viện KHXHNVQS

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi