Thứ Sáu, 26/4/2024

Dòng họ "dân vận khéo" khuyến học, khuyến tài nơi đất Mẹ Âu Cơ

“Dân vận khéo” cũng là việc của dòng họ

Chúng tôi về huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, vùng quê xưa kia là nơi Mẹ Âu Cơ dừng chân trong hành trình dẫn 50 người con đi khai sơn phá thạch, là nơi có Chiến khu Vần - Hiền Lương, Chiến khu X, Đại Phạm trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong những năm gần đây, phong trào khuyến học, khuyến tài được tổ chức hiệu quả ở hầu khắp các xã trên địa bàn huyện. Bằng nhiều hình thức khác nhau, mỗi địa phương có những cách làm riêng trong việc vận động các cá nhân và tổ chức hướng về công tác khuyến tài, động viên con em phấn đấu trên con đường học vấn.

Trong phong trào ấy, các dòng họ ở mỗi miền quê của huyện Hạ Hòa đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng, duy trì, phát triển truyền thống hiếu học trong dòng họ mình. Tại các làng, các xã như Vĩnh Chân, Lang Sơn, Xuân Áng, thị trấn Hạ Hòa, Động Lâm, Hiền Lương, Lâm Lợi, Đại Phạm... đã có nhiều dòng họ làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài. Các dòng họ như họ Cù, họ Bùi ở Vĩnh Chân, họ Lê ở Lang Sơn, thị trấn Hạ Hòa, họ Nguyễn Công Hàng Vàng, họ Đỗ ở Động Lâm, họ Nguyễn Kim ở xã Đại Phạm... đã khơi dậy tinh thần hiếu học, thúc đẩy việc học của con em trong dòng họ, có đóng góp không nhỏ tới phong trào khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và cả nước.

Để làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, các dòng họ trên địa bàn huyện Hạ Hòa đã xác định, từ phong trào chung của huyện, của tỉnh và của cả nước, muốn cho công tác này đạt được những kết quả thiết thực thì mỗi gia đình, mỗi dòng họ phải thực sự chủ động, tích cực và là hạt nhân, là tế bào quan trọng để khơi lên trong mỗi cá nhân con em mình tinh thần hiếu học. Vì thế, các dòng họ trên địa bàn huyện đã chọn lựa và thực hiện thường xuyên một trong những cách làm đó là “dân vận khéo” trong chính mỗi dòng họ, để làm sao, từ dân vận mà góp phần làm nên hiệu quả của sự học. Không ngần ngại làm những công việc như thăm hỏi, động viên, vận động, tặng quà, giúp đỡ, ghi công như thể công việc của một “tuyên truyền viên”, một “dân vận khéo”, các dòng họ trên địa bàn huyện Hạ Hòa trong nhiều năm nay đã không ngừng tiến hành, áp dụng những biện pháp hay để làm “dân vận khuyến học, khuyến tài”.

Chúng tôi về thăm dòng họ Cù tại xã Vĩnh Chân (Hạ Hòa), đây là một trong những dòng họ điển hình nhiều năm nay làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài và con em trong dòng họ đã học hành thành đạt, làm rạng danh dòng họ, quê hương. Khi được hỏi về thành tích và sự đỗ đạt của dòng họ, ông Cù Ngọc Phách, Chủ tịch Chi hội khuyến học 2 của dòng họ Cù chia sẻ, tính đến nay, trong dòng họ có gần 300 người tốt nghiệp đại học. Trong đó, có 15 tiến sỹ, 3 giáo sư, phó giáo sư, 1 nhà giáo nhân dân, 3 nhà giáo ưu tú, gần 40 đảng viên có 40-50-60 tuổi Đảng. Ông Phách cũng cho biết, nhiều người đã học hành và đỗ đạt thành tài, giữ những chức vụ quan trọng ở Trung ương và trong tỉnh. Ông kể đến trước tiên là bà Cù Thị Hậu, Ủy viên Trung ương Đảng, Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam. Rồi ông Cù Văn Chước, chuyên viên cao cấp, người trực tiếp phục vụ Bác Hồ 15 năm; bà Cù Thị Hợp, Nhà giáo nhân dân, nguyên là Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phú (trước đây) – Phú Thọ (hiện nay)…

Để có được những kết quả đáng tự hào ấy, trong mấy chục năm qua, dòng họ Cù xã Vĩnh Chân đã bền bỉ, nỗ lực để duy trì phong trào khuyến học. Các chi hội khuyến học đã đến từng gia đình để tuyên truyền, động viên, khích lệ để con em trong gia đình đi học đầy đủ, khi đã đi học rồi thì phải cố gắng học thật giỏi, tham gia các kỳ thi học sinh giỏi đạt giải cao và thi đỗ vào các trường đại học để học thành nghề. Dòng họ Cù luôn xác định, khi xã hội phát triển, hơn ai hết, những người đứng đầu dòng họ luôn tâm niệm, việc học hành và công tác khuyến học, khuyến tài cần được duy trì. Một mặt, đây là sự tiếp nối truyền thống của cha anh trong dòng họ, mặt khác, đây là con đường duy nhất để con cháu trở thành những người có ích trong xã hội. Vì vậy, từng gia đình trong dòng họ, từng người con trong dòng họ đã tự ý thức được việc học có vai trò quan trọng như thế nào đối với từng thành viên trong dòng tộc. Dòng họ luôn tuyên truyền, nhắc nhở con em rằng tuy có giai đoạn, cuộc sống khó khăn nhưng công tác khuyến học, khuyến tài không hề bị bê trễ. Bởi vậy, trong mấy chục năm qua, dù ở đâu, hoàn cảnh ra sao, những người con trong dòng họ Cù nói riêng và những người có ý thức lập thân, lập nghiệp vẫn neo đậu vào con chữ để vươn lên thành tài, thành những người có ích trong xã hội.

Nhân rộng những điển hình

Ngoài công tác tuyên truyền, vận động thì việc động viên, thăm hỏi và giúp đỡ các gia đình khó khăn đã được các dòng họ trên địa bàn huyện Hạ Hòa chú trọng quan tâm. Từ đó, tuy khó khăn về điều kiện kinh tế nhưng các gia đình đã động viên con em mình vượt khó vươn lên để học hành đầy đủ, học nghề để ra có công ăn việc làm. Hằng năm, các dòng họ đã hỗ trợ hằng chục triệu đồng từ nguồn quỹ khuyến học, khuyến tài của dòng họ để hỗ trợ, thăm hỏi, động viên các gia đình gặp khó khăn, tạo động lực để con em trong gia đình quyết tâm học tập. “Dù gia đình có khó khăn đến mấy, con em cũng phải được học hành tử tế và thành đạt. Cứ như thế, trong phạm vi một gia đình, em noi gương anh chị cứ thế mà tiếp nối, học hành. Trong phạm vi một làng, một xã, gia đình này nối tiếp gia đình kia vượt mọi khó khăn để cho con cháu đi học, mà học thành tài” - cụ Nguyễn Văn Huân (Trưởng họ đời thứ 7), dòng họ Nguyễn Công Hàng Vàng tại xã Động Lâm (huyện Hạ Hòa) chia sẻ.

Trong công tác dân vận để làm khuyến học, khuyến tài, các dòng họ ở Hạ Hòa đã chú trọng việc ghi chép, vinh danh, nhân rộng điển hình, khen thưởng con em trong dòng họ. Đây là cách làm hiệu quả, tạo nên sức lan tỏa rộng khắp đối với công tác khuyến học... Cụ Nguyễn Văn Huân, dòng họ Nguyễn Công Hàng Vàng tại xã Động Lâm cho chúng tôi biết mỗi năm một lần, sau khi có kết quả thi đại học, dòng họ đều tổ chức trao thưởng tại nhà thờ họ cho con cháu có thành tích cao trong học tập, nhờ đó đã dấy lên và khích lệ tinh thần học tập trong dòng họ. Điều đáng quý là, vào mỗi dịp như thế, các thế hệ con cháu trong dòng họ đã tiến thân và thành đạt đã quay trở về ủng hộ tinh thần và vật chất cho quỹ khuyến học khuyến tài của dòng họ. Trải qua 12 đời mưu sinh trên đất Động Lâm, dòng họ Nguyễn Công Hàng Vàng đã để lại những dấu son tô đẹp cho sự học trên quê hương Đất Tổ và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Tại dòng họ Cù xã Vĩnh Chân, từ lâu, dòng họ đã lập bảng vàng danh sách ghi chép vào khổ giấy to qua các năm học danh sách những con em trong dòng họ có thành tích cao trong học tập, đỗ đại học được tuyên dương khen thưởng. Tuy nét mực có nhòe theo thời gian nhưng sự tỉ mỉ và chi tiết theo từng năm học đã nói cho chúng tôi biết sự quan tâm như thế nào đối với công tác khuyến học, khuyến tài nơi dòng họ này. Những lần giỗ Tổ, tết Trung thu, đầu năm học, dòng họ lại tổ chức trao thưởng cho con cháu trong dòng họ đỗ đạt cao, đứng trước bàn thờ tổ để vinh danh và dặn dò những người con trong dòng họ biết tự hào trước tổ tiên và biết tự ý thức về tinh thần hiếu học của mình.

Những kinh nghiệm về “dân vận khuyến học”

 Qua nhiều năm làm “dân vận” cho phong trào khuyến học, khuyến tài, các dòng họ trên địa bàn huyện Hạ Hòa đã rút ra những kinh nghiệm quý báu. Trước hết, các dòng họ đã nhận thức sâu sắc rằng, dân vận không chỉ là công việc của các cán bộ dân vận mà ở đâu, ở lĩnh vực nào, nghề nghiệp nào, độ tuổi nào, dù là trong cùng dòng họ, gia đình nếu biết “dân vận khéo” thì việc gì cũng sẽ thành công. Đối với dòng họ, công tác khuyến học đóng vai trò đặc biệt quan trọng vì thế các dòng họ ở Hạ Hòa như họ Bùi, họ Cù hay họ Lê... luôn xác định, dân vận trong khuyến học trước hết phải thường xuyên, phải có tâm của người trong dòng họ để tác động vào nhận thức của con em trong mỗi gia đình. Mặt khác, khi tuyên truyền khuyến học, không được áp đặt hay phê bình mà phải động viên, khích lệ và tạo điều kiện để mỗi gia đình, mỗi cá nhân nghe theo mà học tập. “Trong quá trình dân vận khuyến học, mỗi dòng họ luôn chú trọng đến vinh danh, khen thưởng những điển hình về học tập, chú trọng công việc nêu gương, mời những người thành đạt trong dòng họ về nói chuyện để tác động vào nhận thức của thế hệ sau. Đồng thời, việc làm dân vận khuyến học phải rộng khắp trong dòng họ để tạo sức lan tỏa” - thầy giáo Hoàng Đình Hồng, Hội Khuyến học xã Động Lâm (huyện Hạ Hòa) chia sẻ.

Tạo sức lan tỏa rộng khắp

Nhờ có biện pháp dân vận trong khuyến học, khuyến tài, những năm gần đây, phong trào gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, địa phương hiếu học đã và đang lan tỏa sâu rộng trên địa bàn huyện Hạ Hòa. Theo thống kê, toàn huyện Hạ Hòa hiện nay đã có 531 Chi hội và Ban khuyến học với 25.246 hội viên, chiếm 24% dân số của huyện, tăng so với đầu nhiệm kỳ là 185 chi hội và 5.356 hội viên. Số gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”: 26.615/32.881 gia đình (tỷ lệ: 80,94%). Số dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”: 64/98 dòng họ (tỷ lệ 65,31%). Số cộng đồng đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”: 210/294 cộng đồng đăng ký (tỷ lệ: 71,42%). Số đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”: 131/131 đơn vị đăng ký (tỷ lệ: 100%).

Toàn huyện đã nhân rộng và phát huy tính hiệu quả của các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” với những nội dung, tiêu chí cụ thể, thiết thực. Gắn kết chặt chẽ phong trào “Xây dựng xã hội học tập” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phong trào “Tiết kiệm nuôi lợn nhựa khuyến học” vẫn được duy trì thường xuyên với số tiền tiết kiệm bình quân đạt gần 4 tỉ đồng/năm. Tổng số quỹ hội của các xã, thị trấn, các chi hội đến nay đạt trên 1,5 tỷ đồng; Quỹ Hội Khuyến học huyện (từ nguồn ủng hộ, tài trợ) đạt gần 400 triệu đồng.

Có thể khẳng định, khuyến học, khuyến tài là phong trào chung của toàn dân. Song, yếu tố nền tảng và vững chắc nhất bao giờ cũng xuất phát từ mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Bằng sự chủ động và tích cực làm công tác “dân vận khuyến học”, các dòng họ trên địa bàn huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ đã và đang khơi dậy truyền thống hiếu học của mỗi gia đình, mỗi dòng họ sẽ là động lực quan trọng trong việc nhân rộng, tạo sức lan tỏa rộng khắp phong trào khuyến học, khuyến tài ở mỗi địa phương.

Nguyễn Thế Lượng

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN