Thứ Sáu, 26/4/2024

Thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" theo tư tưởng của Bác ở Nghệ An hiện nay

Thứ nhất, về thực hành dân chủ đối với nhân dân. Ở Nghệ An các cấp ủy đảng, chính quyền đã tổ chức thực hiện có hiệu quả những việc phải công khai để dân biết, dân bàn, quyết định và nhân dân giám sát. Công khai các dự án, quy hoạch đất, khu, cụm công nghiệp, dân cư, mức giá bồi thường thu hồi đất của nhân dân, chủ trương vay vốn phát triển sản xuất, các quy định về thủ tục hành chính; công khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế và dự toán, quyết toán ngân sách xã; đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền xã trực tiếp thu... Hình thức công khai chủ yếu là niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, thông báo trên hệ thống loa truyền thanh và trong các cuộc họp dân khối, thôn, bản. Tỉnh xác định cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao dân trí, thực hành dân chủ là mục tiêu, động lực của công tác quần chúng, là “Chìa khóa vạn năng” để giải quyết mọi khó khăn.

Thứ hai, vận dụng tư tưởng của Bác trong đoàn kết, tập hợp nhân dân. Tỉnh Nghệ An luôn xác định sức mạnh của Đảng được bắt nguồn từ sức mạnh đoàn kết của quần chúng. Các cấp uỷ Đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo thực hiện, xây dựng khối đoàn kết toàn dân, như: Kết luận số 09 - KL/TU về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng giáo, Kết luận số 10 - KL/TU về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số; Chỉ thị số 20 - CT/TU về củng cố hệ thống chính trị vùng giáo; Đề án số 01 - ĐA/TU về xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên các khối xóm chưa có chi bộ và nguy cơ không còn chi bộ;  Đề án số 02-ĐA/TU về “Tăng cường công tác Dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”... Từ việc thực hiện các chủ trương nêu trên, khối đại đoàn kết toàn dân đã được củng cố và tăng cường, đặc biệt là đoàn kết lương - giáo. Các dân tộc ở Nghệ An cùng nhau sinh sống hòa thuận, chung sức xây dựng quê hương.

 Hệ thống tổ chức MTTQ, các đoàn thể nhân dân được kiện toàn, củng cố, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho đoàn viên, hội viên, tổ chức được nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả. Tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên hàng năm đều tăng; tỷ lệ tập hợp của Đoàn Thanh niên đạt 69%, Hội Phụ nữ đạt 68%, Hội Nông dân đạt 87%, Công đoàn đạt 94,2%, Hội Cựu chiến binh đạt 97%. Hiện nay toàn tỉnh có có tổng số 3.154 tổ chức hội, trong đó có 90 hội hoạt động trên địa bàn tỉnh, 294 hội hoạt động trên địa bàn huyện, thành, thị, 2.770 hội hoạt đông trên địa bàn xã, phường, thị trấn, với số lượng ước tính khoảng 1,5 triệu hội viên.

Thứ ba, về phụ trách dân vận theo tư tưởng của Bác nêu trong bài báo Dân vận. Tỉnh Nghệ An phân công đồng chí Chủ tịch UBND các cấp trực tiếp phụ trách công tác dân vận chính quyền, thành lập Ban chỉ đạo công tác dân vận chính quyền do đồng chí chủ tịch UBND làm trưởng ban, ngành Nội vụ là cơ quan thường trực, thành viên là các ban, ngành liên quan. Hàng năm Ban chỉ đạo công tác dân vận chính quyền đều kiểm tra kết quả công tác dân vận của các huyện, xã, các sở, ban,  ngành.

Đối với MTTQ, các đoàn thể, cấp ủy đều phân công đồng chí cấp ủy viên phụ trách công tác dân vận; riêng MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện phân công 01 đồng chí ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ. Đội ngũ cán bộ MTTQ, các đoàn thể được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu.

Về cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận, đội ngũ cán bộ dân vận cơ bản đảm bảo số lượng, chất lượng, từng bước được trẻ hóa, chuẩn hóa. Ban Dân vận cấp tỉnh, cấp huyện đều phân công đồng chí ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy làm trưởng ban; 100% xã, phường, thị trấn có Khối Dân vận; 100% thôn, xóm có Tổ Dân vận. Hiện nay, cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận cấp tỉnh có 17 đồng chí; cấp huyện 75 đồng chí; 480 Khối Dân vận/480 xã, thị trấn hoạt động kiêm nhiệm, với 4.493 thành viên.

Thứ tư, về ý thức, trách nhiệm, phương pháp, phong cách người làm công tác dân vận. Tỉnh đã đặt yêu cầu cho cán bộ dân vận của hệ thống chính trị, nhất là những người trực tiếp làm công tác dân vận phải “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Đó là người cán bộ dân vận phải suy nghĩ “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, luôn luôn trăn trở, suy nghĩ để có những việc làm vì dân. Trong quá trình đi cơ sở luôn quan sát cuộc sống của người dân để biết hiện nay dân ăn, mặc, ở ra sao và thực hiện “Trăm nghe không bằng một thấy”. Thường xuyên nghe tiếng nói của dân, 6 tháng 01 lần người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã, phường, thị trấn đối thoại với dân một lần, qua đó nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở (ngoài công tác tiếp dân hàng tháng).

Cán bộ trong hệ thống chính trị thực hiện chế độ dành 1/3 thời gian để đi về cơ sở; khi đi có xây dựng kế hoạch cụ thể, khi về có báo cáo kết quả cho lãnh đạo nghe, qua đó để tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Kết hợp chặt chẽ giữa nói và làm, làm nhiều, nói ít. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Quy định về việc phân công các đồng chí cấp ủy về dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư, trong những năm qua đã thực hiện nghiêm túc. Nghệ An đã phân công 110 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh nhận giúp đỡ 110 xã nghèo ở miền Tây, thực hiện phương châm “Cầm tay chỉ việc”, thông qua đó đã giúp được 800 con bò giống; xây dựng được hàng trăm cánh đồng sản xuất lúa nước cho đồng bào dân tộc; tập huấn khoa học kỹ thuật cho đồng bào và củng cố hệ thống chính trị tại các xã khó khăn đi vào hoạt động có hiệu quả hơn.

Từ những cách làm cụ thể trong công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần huy động viên sức mạnh của cả hệ thống chính trị và động viên được nguồn lực các tầng lớp nhân dân cho công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà; đưa kinh tế Nghệ An tiếp tục tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2015 - 2018 đạt 8,0% (cao hơn mức bình quân chung của cả nước); đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực; công tác giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ; quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện, đặc biệt là ban hành Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 01/4/2014 về “Xây dựng các mô hình, điển hình, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn Nghệ An”. Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa việc kiểm tra xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” vào chương trình kiểm tra của cấp ủy.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành. Đến nay tất cả 21/21  huyện, thành phố, thị xã, 480/480 xã, phường, thị trấn, 7/7 đảng ủy trực thuộc và 57/57 các sở, ban, ngành, đoàn thể đều thành lập Ban chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo”. Hàng năm 21/21 huyện, thành, thị đều cấp kinh phí cho Ban chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo” hoạt động (từ 45 - 70 triệu đồng). Các địa phương tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” là thành phố Vinh và các huyện: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Yên Thành, Tương Dương, Đô Lương, Tân Kỳ ...

Từ 345 mô hình “Dân vận khéo” năm 2009, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 3.200 mô hình trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật nhất là phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới; toàn tỉnh đã vận động nhân dân hiến được trên 7,2 triệu m2 đất, đóng góp hàng triệu ngày công và trên 5.500 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Đưa số xã về đích trong xây dựng nông thôn mới đến nay là 226/431 xã (trong đó có 04 xã thuộc huyện nghèo 30a, 02 xã biên giới và 30 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số) và 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; toàn tỉnh có 214 thôn bản được lựa chọn để xây dựng thôn, bản nông thôn mới. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên công tác giải phóng mặt bằng, nhất là đối với một số dự án quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được nhân dân tích cực hưởng ứng, đồng tình.

Trên lĩnh vực kinh tế, thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã xây dựng được 1.642 mô hình trên toàn tỉnh. Tiêu biểu như mô hình phát triển 1.200 ha chanh leo ở huyện Quế Phong, Tương Dương với giá trị thu nhập 600 triệu đồng/ha/năm; mô hình cam V2 (tại huyện Quỳ Hợp) với diện tích trên 500 ha, cho giá trị kinh tế 1,5 tỷ đồng/ha; mô hình dưa lưới (tại huyện Nghi Lộc) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha; huyện Diễn Châu, thị xã Hoàng Mai có nhiều nông dân đầu tư hàng chục tỷ đồng nuôi trồng thủy sản. Hình thành được một số vùng sản xuất cây nguyên liệu, chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm đã từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân. Góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân giai đoạn 2015 - 2018 là 2%. Năm 2018 còn 5,54% hộ nghèo (giảm 2% so với năm 2017).

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, các mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh;  mô hình làng văn hóa, dòng họ văn hóa, dòng họ khuyến học được nhân dân và toàn xã hội ghi nhận, số học sinh thi đại học đạt điểm cao, học sinh giỏi quốc gia, quốc tế nhiều năm xếp trong tốp đầu cả nước...

Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, các mô hình như: “Tiếng kẻng bình yên”, “Tổ tự quản an toàn”, xóm (khối) không có ma túy, không có tệ nạn xã hội, không có tai nạn giao thông của các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo xây dựng; mô hình “Biên giới bình yên” của Bộ đội Biên phòng; “Tổ đội công tác giúp dân  xây dựng cơ sở chính trị”, mô hình “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo”, “Tiết kiệm bản thân để phần người khó” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; “Ngày thứ bảy vì dân” của Công an Nghệ An... đã góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, các mô hình “Dân vận khéo” đã tập trung củng cố tổ chức đảng, các đoàn thể ở xóm, bản, nhất là vùng đồng bào có đạo, vùng dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng sinh hoạt, hoạt động của MTTQ, các đoàn thể, qua đó góp phần củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Những mô hình nêu trên thực sự có tính thuyết phục, có sức lan tỏa để các tổ chức, cá nhân học tập, làm theo; đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập hợp, vận động và phát huy được sức mạnh, trí tuệ của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ của địa phương, đất nước.

Từ những kết quả trong học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, và nhất là trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” những năm qua, tỉnh Nghệ An đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Trước hết, phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị để tiến hành công tác dân vận; trong đó, tổ chức cơ sở đảng là hạt nhân trực tiếp lãnh đạo công tác dân vận. Cấp ủy cơ sở phải đề ra chủ trương, biện pháp cụ thể trong kế hoạch công tác; giao trách nhiệm dân vận cho từng cán bộ, đảng viên; lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… cùng tiến hành công tác dân vận. Đặc biệt, phải lãnh đạo, chỉ đạo việc kiểm tra, đôn đốc và có sự phối hợp giữa các tổ chức để thực hiện công tác dân vận nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả.

Hai là, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận và phương pháp “Dân vận khéo” một cách nghiêm túc, bài bản, cụ thể và phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, gắn với chương trình học tập, bồi dưỡng của cán bộ, đảng viên; tập huấn nghiệp vụ; sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề; sơ, tổng kết về công tác dân vận. Quá trình đó đồng thời gắn với quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.

Ba là, thường xuyên bồi dưỡng phương pháp “Dân vận khéo”, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tinh thần tôn trọng và phục vụ nhân dân; xây dựng và thực hành phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Rèn luyện cho cán bộ, đảng viên vận dụng thành thạo các bước công tác dân vận trong tình hình mới: Điều tra, nghiên cứu, khảo sát nắm chắc tình hình nhân dân trên địa bàn thông qua các kênh thông tin khác nhau, các hoạt động của MTTQ và các tổ chức đoàn thể…; tuyên truyền, giáo dục nhân dân về chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định ở địa phương; vận động, thuyết phục nhân dân hưởng ứng, tham gia phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng...

Bốn là, chú trọng xây dựng và nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo” chặt chẽ từ lựa chọn mô hình; dự kiến nhân sự; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp dân vận; xây dựng cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết cho công tác dân vận đến thử nghiệm mô hình và tổ chức rút kinh nghiệm, học tập, vận dụng để nhân rộng mô hình. Trong lúc thi hành phải luôn luôn theo dõi, đôn đốc, đồng thời nắm bắt các vấn đề phát sinh để có cách khắc phục kịp thời; khi công việc hoàn thành phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm những việc làm được và chưa làm được để đề ra giải pháp khắc phục; phải chú trọng và có sự động viên, khuyến khích kịp thời bằng các hình thức biểu dương, khen thưởng, đồng thời phê bình các biểu hiện, các cách chưa tốt, để nâng cao hiệu quả công tác dân vận.

Nguyễn Đắc Vinh
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An

Bài cùng chuyên mục

TẠP CHÍ IN