Thứ Tư, 8/5/2024

Danh tướng Trần Nhật Duật - Nhà chính trị, văn hóa, ngoại giao và dân vận xuất sắc

Trần Nhật Duật là danh tướng đời Trần. Ông là người anh hùng đánh thắng quân Mông - Nguyên trong trận Hàm Tử. Trần Nhật Duật còn là một nhà chính trị, ngoại giao, văn hóa và dân vận xuất sắc, có công lớn trong việc xây dựng đất nước. Ông học nhiều ngoại ngữ, am hiểu phong tục tập quán các nước láng giềng. Chính việc hiểu biết nhiều ngoại ngữ đã giúp cho ông đạt nhiều thắng lợi trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao và quân sự.

Ông là con thứ sáu của Trần Thái Tông. Tục truyền khi mới sinh ra, ở hai cánh tay có chữ “Chiêu Văn Đồng Tử”, nét chữ rõ ràng, đến khi lớn lên thì nét chữ mới mất đi, vì vậy nên được Trần Thái Tông phong tước là Chiêu Văn Vương. Từ thuở nhỏ, ông đã theo học võ nghệ, hiểu biết các binh pháp; chăm chỉ theo học Thi thư, tinh thông đạo giáo, có tiếng là người học rộng. Ông lại rất ham thích các thứ tiếng nước ngoài. Ông thấy rằng với việc hai nước Đại Việt và Trung Hoa tuy dùng chung một chữ viết nhưng lại phát âm khác nhau nên không hiểu được tiếng nói của nhau. Vì thế ông thường ra khỏi hoàng cung, giao du với những lái buôn người Tống sang nước ta để buôn bán và những nhà sư người Tống trụ trì ở các chùa. Đối chiếu cách đọc chữ Hán với cách phát âm của người Tống và qua thực tế, Trần Nhật Duật nói được tiếng Trung Hoa như người Tống, đến nỗi chính người Tống cũng không phân biệt được ông là người Việt hay người Tống.

Học được tiếng Trung Hoa của người Tống, Trần Nhật Duật cũng học tiếng nói của người nước Đại Lý, Kim Xỉ (là những nước ở vùng Vân Nam thuộc Trung Quốc ngày nay). Ông cũng học tiếng Chiêm Thành và biết viết cả chữ của người Chiêm Thành qua những binh lính và quan lại Chiêm Thành bị bắt từ thời Lý và đầu thời Trần. Ông còn biết được tiếng nước Sách Mã Tích (Tu Masik thuộc nhóm Mã Lai Đảo)... Ông nhận thức rất rõ là tiếng nói của nước nào thì gắn liền với phong tục, tập quán của nước đó, vì vậy không thể chỉ học tiếng mà không biết đến văn hoá của nước mình học tiếng. Còn đối với tiếng của các dân tộc ít người ở miền núi trong nước như tiếng Thái, Mường, Tày, Nùng, Dao... thì không tiếng nào mà ông không biết. Thật hiếm có người Việt Nam nào ngày xưa lại biết nhiều thứ tiếng như ông. Chính việc biết nhiều thứ tiếng đã giúp cho ông thuận lợi và thành công trong các hoạt động của mình. Sau đây là một vài dẫn chứng tiêu biểu được ghi trong Đại Việt sử kí toàn thư:

Vào năm 1280, dưới thời vua Trần Nhân Tông, nước Đại Việt đang phải chuẩn bị đối phó với cuộc xâm lược lần thứ hai của quân Mông - Nguyên thì một tù trưởng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Đà Giang là Trịnh Giác Mật đã cầm quân nổi lên chống lại triều đình. Vua sai Trần Nhật Duật đem quân đi dẹp, ông đã không dùng đến lực lượng quân sự. Để các đạo quân ở ngoài xa, một mình cùng 5 - 6 tiểu đồng đi thẳng vào trại của Trịnh Giác Mật. Quân sĩ e ngại ngăn lại, sợ Trần Nhật Duật bị Trịnh Giác Mật giết hại. Ông bèn nói: “Ta biết tiếng nói của đồng bào, ta hiểu phong tục tập quán của họ, ta sẽ nói họ đều chịu ơn của triều đình, đều là con dân trong một nước, trước sự xâm lấn của giặc Nguyên, phải cùng nhau họp sức đánh đuổi, nhất định họ sẽ nghe ra lời ta nói, còn nếu như họ không nghe, có giáo giở thì triều đình sẽ còn nhiều vương khác, lo gì”. Khi ông đến trại thì quân của Trịnh Giác Mật bao vây mấy chục vòng, đều cầm gươm và thương, hướng vào người ông. Tù trưởng Trịnh Giác Mật mời ngồi, ông đã cùng với Trịnh Giác Mật trò chuyện bằng tiếng Man, những người đứng hầu xung quanh cũng đều hiểu được lời giải thích ơn của triều đình với các người miền thượng du: “Ông đã ăn cơm bằng tay và uống rượu bằng mũi cùng với người Man, họ thích lắm và tỏ lòng kính phục vô cùng”.

Chuyện còn kể rằng, tại bữa ăn sau khi được nghe và tận mắt chứng kiến những hành động của Trần Nhật Duật, Trịnh Giác Mật đã kinh ngạc thốt lên: “Chiêu Văn Vương là anh em với ta!”. Trần Nhật Duật cũng từ tốn nói: “Chúng ta xưa nay vẫn là anh em”, rồi gọi tiểu đồng bưng tráp đến, ông mở tráp lấy vòng bạc trao tận tay cho từng đầu mục đạo Đà Giang và chọn riêng cho Trịnh Giác Mật chiếc vòng lớn lồng nguyên một chiếc vuốt cọp. Trịnh Giác Mật cùng chư tướng của mình chỉ còn biết hoan hỉ nhận tặng phẩm kết nghĩa theo đúng tục lệ của họ... Sau khi Trần Nhật Duật về doanh trại, Trịnh Giác Mật đã đem cả gia quyến đến xin quy phục triều đình. Ông đã đưa gia quyến của Giác Mật về Thăng Long vào ra mắt vua, được vua khen ngợi và cho về lại quê quán để cai trị dân chúng. Như vậy là nhờ chính sách mềm dẻo, cùng với việc biết tiếng nói và phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số nên Trần Nhật Duật đã không mất mũi tên và không phải đổ máu mà thu phục được cả vùng Đà Giang.

Bằng cách đó, ông đã kéo các dân tộc thiểu số Tây Bắc từ chỗ bị đặt vào vị trí đối địch, trở về đoàn kết với đại gia đình cộng đồng các dân tộc anh em để cùng nhau sát cánh chống quân Mông - Nguyên xâm lược, giữ cho vùng Tây Bắc thiên hiểm vẫn nằm trong thế trận chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ hai, Trần Nhật Duật được phân công chặn đánh quân Nguyên từ Vân Nam kéo xuống, ông được lệnh trấn thủ lộ Tuyên Quang, giữ trại Thu Vật (Yên Bình, Yên Bái). Trong đội quân của Trần Nhật Duật có nhiều người Tống, trong số đó có đạo sĩ Hứa Tông Đạo, người ở Phúc Châu thuộc lộ Phúc Kiến. Theo bài minh khắc trên chuông Thông Thánh Quán ở Bạch Hạc năm Đại Khánh thứ 8 (1321) ghi rõ: “Cuối mùa đông năm Giáp Thân, giặc Bắc đến xâm lược, bấy giờ Chiêu Văn Vương (Trần Nhật Duật) trấn thủ các lộ Tuyên Quang... vào ngày thượng nguyên (rằm tháng Giêng) năm Ất Dậu (20/2/1285), ở sông Bạch Hạc đã làm lễ cắt tóc tuyên thệ, thề với thần là dốc hết lòng trung quân...” Bài minh cũng ghi rõ đạo sĩ Hứa Tông Đạo là người hương Thái Bình, huyện Phúc Thanh, Phúc Châu, lộ Phúc Kiến theo thuyền đến Đại Việt từ năm 1276.

Sở dĩ nhiều quân lính Tống chiến đấu dưới ngọn cờ của ông để chống lại quân Mông Cổ chính là bởi ông thông thạo tiếng nói của họ và biết được phong tục tập quán của người phương Bắc. Ông đã giải thích cho binh lính và quan lại nhà Tống rằng cả hai nước cùng có kẻ thù chung là quân xâm lược Mông Cổ. Binh lính Tống vẫn ăn mặc quần áo của người Tống. Chính vì vậy nên Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc (khi chưa đầu hàng Mông - Nguyên) tâu lên vua Trần rằng Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật ở Tuyên Quang “đã làm nội ứng ở vùng thượng du, gọi giặc vào”. Đạo quân của Nhật Duật đã giao chiến với quân Mông Cổ do Nạp Tốc Lạt Đình kéo xuống. Sau đó, để bảo toàn lực lượng đã rút lui về Bạch Hạc rồi về đến chỗ vua Trần đóng quân ở phủ Thiên Trường. Khi quân của Trần Nhật Duật chiến đấu chống quân Nguyên ở trận Hàm Tử, có cả binh lính người Tống tham gia nên Thượng hoàng Trần Thái Tông đã phải nhắc nhở các tướng Trần Quốc Toản và Nguyễn Khoái biết là trong quân của Trần Nhật Duật có người Tống, cũng ăn mặc và nói tiếng giống người Thát Đát (quân Mông Cổ), vì thế không thể đánh nhầm và phải biết phối hợp. Trong chiến đấu, quân Mông Cổ thấy trong hàng quân của Đại Việt có cả người Tống nên càng lo sợ, không biết rõ lực lượng của Đại Việt có bao nhiêu và cũng sinh nghi ngờ giữa các đạo quân Mông Cổ, đạo nào là của Đại Việt. Sách Đại Việt sử kí toàn thư có ghi: “Nhà Tống mất nước, có người sang quy phục nước ta, Nhật Duật đã dung nạp. Trong bọn ấy có Triệu Trung, Nhật Duật cho làm gia tướng; cho nên công đánh giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả”.

Cũng cần nói thêm rằng, có kiến thức uyên thâm, lại chịu khó suy nghĩ, phát hiện và chăm chỉ luyện rèn, Trần Nhật Duật được các vua và cả triều đình tin yêu, nể trọng. Ngoài 20 tuổi, ông được nhà vua giao đặc trách những công việc về các dân tộc có liên quan. Vì hiểu biết tiếng Tống, người Tống, Trần Nhật Duật cũng là vị vương duy nhất dám tiếp nhận, tổ chức và đã có một đội quân Tống sát cánh chiến đấu dưới cờ. Sự xuất hiện của đội quân chính quy người Tống này càng khiến quân Nguyên trong thế thua, thêm hoảng loạn, tạo điều kiện cho đội quân hỗn hợp do ông chỉ huy lập chiến công hiển hách trong trận Hàm Tử, góp phần quan trọng vào chiến thắng quân Mông - Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai.

Như vậy, từ việc biết nhiều thứ tiếng nước ngoài, Trần Nhật Duật đã thu phục được binh lính nước ngoài chiến đấu trong đội ngũ của mình, góp phần làm nên những thắng lợi quân sự mà sử sách đã ghi nhận công lao của ông. Cũng do ham học tiếng nước ngoài nên ông đã góp phần đáng kể trong quan hệ với các nước láng giềng như Trung Hoa, Ai Lao..., củng cố tình hữu nghị và hoà bình giữa các nước. Nhờ hiểu biết nhiều thứ tiếng của các dân tộc ít người vùng núi nên Trần Nhật Duật đã góp phần ổn định tình hình chính trị trong nước, củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em trên đất nước Đại Việt để đối phó với giặc ngoại xâm.

Không chỉ giỏi ngoại ngữ và phong tục tập quán của các dân tộc trong nước và các nước lân bang, Trần Nhật Duật còn giỏi cả khoa học nghệ thuật quân sự, chính trị, văn chương và âm nhạc. Ông là danh tướng lập nhiều chiến công trong dẹp loạn, trong kháng chiến chống Mông - Nguyên xâm lược lần thứ hai, thứ ba... Là người soạn thảo văn thư cho triều đình của 4 vị vua (Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông và Hiến Tông), là nhà văn danh tiếng, có sách “Lĩnh Nam dật sử”, là nhà sáng tác âm nhạc rất được hâm mộ ở cung đình.

Năm 1302, Trần Nhật Duật được phong Thái uý Quốc công, giúp vua trông coi việc nước. Sau đó ông được thăng chức Tá thánh thái sư, tước Đại vương. Triều đình có việc gì khó, ông đều giải quyết. Thái sư Chiêu Văn Đại Vương Trần Nhật Duật mất năm Canh Ngọ (1330) thọ 77 tuổi. Ông được trăm họ thương tiếc lập nhiều đền thờ, có tới 30 nơi ở Nam Định. Ở Thanh Hóa, dọc theo phòng tuyến cũ, nơi ông chống quân Toa Đô có 12 đền thờ. Tại đền thờ ông ở làng Văn Trinh (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) còn nhiều câu đối ca ngợi ông, trong đó có đề tặng của vua Hiến Tông:

“Tứ triều tam lĩnh trấn

Cửu tích lũy truy phong”.

Câu đối nói lên công trạng của ông qua bốn triều vua đã trấn thủ ba miền đất trọng yếu (Đà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa).

Bình sinh, Trần Nhật Duật là người tài hoa xuất chúng, xét việc rất cẩn trọng, nghiêm nghị nhưng rất dễ gần, liêm khiết và nhân hậu khó ai sánh kịp.

Đặng Việt Thủy

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN