Thứ Sáu, 26/4/2024

"Dân vận khéo" góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Bắc Ninh

Sau hơn 20 năm tái lập, Bắc Ninh  đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ một tỉnh thuần nông, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn đến nay Bắc Ninh đã trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đứng trong tốp đầu cả nước. Có được kết quả đó, không thể không nhắc đến vai trò của công tác dân vận nói chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng.

Là một trong những địa phương triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” và thành lập Tổ dân vận ở khu dân cư sớm nhất trong cả nước (từ năm 2006), Bắc Ninh đã tích cực nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo”, đa dạng hóa các hình thức vận động quần chúng, giải quyết thành công những vấn đề khó khăn, phức tạp mới nảy sinh. Đặc biệt, sau khi Ban Dân vận Trung ương ban hành Kế hoạch số 70-KH/BDVTW, ngày 26/02/2009 về tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã tập trung lãnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cụ thể hóa triển khai tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động của địa phương, đơn vị.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân, đến nay, sau 10 năm triển khai thực hiện, phong trào thi đua “Dân vận khéo” của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành phong trào chung của cả hệ thống chính trị với 2.002 mô hình được đăng ký triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có 630 mô hình trên lĩnh vực phát triển kinh tế, 706 mô hình trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, 352 mô hình an ninh - quốc phòng, 314 mô hình xây dựng hệ thống chính trị. Kết quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” thời gian qua được thể hiện rõ nét trên các lĩnh vực sau đây:

Phong trào “Dân vận khéo” góp phần nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là khu vực nông thôn thông qua việc vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các mô hình, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đưa các giống cây trồng có năng xuất cao vào sản xuất; phát triển mô hình kinh tế VAC, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình trang trại phát triển kinh tế của Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Chính (huyện Lương Tài); mô hình hợp tác xã nuôi trồng nông sản an toàn tại thôn Xuân Hội (huyện Tiên Du); mô hình hợp tác xã nông sản an toàn thôn Công Cối, xã Đại Xuân (huyện Quế Võ)... Nhiều địa phương đã xây dựng điển hình “Dân vận khéo” trong giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, đô thị như: phường Đình Bảng (thị xã Từ Sơn); “Cánh đồng mẫu lớn về trồng lúa” thôn Mộ Đạo, xã Mộ Đạo (huyện Quế Võ); phát triển kinh tế (nghề mộc), vệ sinh môi trường làng nghề ở thôn Tiên Trà, xã Trung Nghĩa (huyện Yên Phong); vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới tại phường Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh); chuyển dịch cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế ở thôn Ngô Cương, xã Nhân Thắng (huyện Gia Bình)… Thực hiện các mô hình đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh đề ra.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tạo chuyển biến về nhận thức, hành động của mỗi người dân trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Các mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hóa - xã hội đã tập trung vận động nhân dân phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa… Tiêu biểu như: Thị xã Từ Sơn có mô hình “Dân vận khéo” trong thực hiện Nghị quyết 20,191 của HĐND tỉnh và xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh tại khu phố Phù Lưu, phường Đông Ngàn. Thành phố Bắc Ninh có mô hình Câu lạc bộ tình thương và trách nhiệm tại Khu phố 1, phường Đáp Cầu; mô hình Cùng em đến trường của Hội Khuyến học phường Tiền An; mô hình 10 phút làm sạch thành phố. Huyện Quế Võ có mô hình làng 3 sạch - thôn Phúc Lộc, xã Châu Phong… Các mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần hoàn thành các mục tiêu về văn hóa - xã hội, nhất là hoàn thành và nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Phong trào “Dân vận khéo” góp phần giữ vững an ninh nông thôn, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Các điển hình “Dân vận khéo” đã nắm chắc địa bàn, tham gia giải quyết những vấn đề về an ninh nông thôn, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng cộng đồng dân cư tự quản. Điển hình trong lĩnh vực này như: mô hình “Dân vận khéo” Đội cảnh sát về trật tự xã hội - Công an huyện Yên Phong; mô hình Câu lạc bộ An ninh trật tự vùng giáo thôn Cứu Sơn xã Đông Cứu (huyện Gia Bình); mô hình điểm hoạt động về phòng chống tội phạm đặc biệt là ma túy khu phố Xuân Đài, phường Đình Bảng (thị xã Từ Sơn); các mô hình Câu lạc bộ: “Hướng thiện”, “Tuổi trẻ với pháp luật”, “Tình thương và trách nhiệm”, “Tổ dân phòng tự quản”, “Hòm thư tố giác tội phạm”, Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”… đã vận động nhân dân tăng cường các biện pháp phòng ngừa, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục những người phạm tội, lầm lỗi, hạn chế được sự gia tăng tội phạm hình sự, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở mỗi địa phương.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Các cấp, các ngành, nhất là ở các tổ chức cơ sở Đảng đã tập trung vận động nhân dân tích cực tham gia các buổi đối thoại, tiếp xúc cử tri; tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các đề tài, đề án về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, điển hình như mô hình: “Dân vận khéo” xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở phường Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh); xây dựng hệ thống chính trị ở khu dân cư vững mạnh ở thôn Đinh, xã Tri Phương (tỉnh Tiên Du); “Dân vận khéo” trong tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước (Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh); “Dân vận khéo” trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh); “Dân vận khéo” trong dân quân làm dân vận (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lương Tài)… 

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và hệ thống dân vận các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ sau:

Một là, tăng cường chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình hiện nay. Gắn thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh.

Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Công văn số 815-CV/TU, ngày 24/3/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo”; Công văn số 648-CV/TU ngày 31/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai, thực hiện Cuộc thi báo chí  viết về tấm gương “Dân vận khéo”, giai đoạn 2017 - 2020 để tập trung chỉ đạo đồng bộ, toàn diện và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 -15/10/2020).

Ba là, Ban Dân vận cấp ủy phối hợp với các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trọng tâm là xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, trọng tâm hướng vào các nhiệm vụ như: đẩy mạnh sản xuất; đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính; thực hiện công tác giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội…

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, sơ kết, nghiên cứu, xây dựng, nhân rộng điển hình “Dân vận khéo”, định kỳ bình xét, đánh giá, công nhận và khen thưởng các điển hình “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua, các cuộc vận động lập thành tích kỷ niệm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng hàng năm (15/10) một cách thiết thực. Bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình nhân dân, đề xuất, tham mưu kịp thời với cấp ủy trước, trong và sau Đại hội Đảng các cấp, góp phần cùng toàn Đảng bộ tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phùng Đức Chiến
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Ninh

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN