Thứ Sáu, 26/4/2024

Điểm nhấn trong kết quả thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" ở Bạc Liêu

Trong 5 năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh Bạc Liêu tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tạo sức lan tỏa rộng khắp trên các lĩnh vực. Đặc biệt, phong trào “Dân vận khéo” được triển khai gắn với việc thực hiện “Ngày Dân vận khéo” vào ngày 15 hàng tháng trên địa bàn tỉnh.

Từ thực tiễn phong trào thi đua yêu nước của cả hệ thống chính trị, nhất là trong hệ thống Dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng và tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, ngày 25/12/2008, Ban Dân vận Tỉnh ủy Bạc Liêu đã chủ động ban hành Kế hoạch số 17 về phát động thi đua xây dựng mô hình “Dân vận khéo” năm 2009 và những năm tiếp theo.

Qua quá trình triển khai thực hiện, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 37-CT/TU, ngày 19/5/2014 về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” và thực hiện “Ngày Dân vận khéo” vào ngày 15 hàng tháng để nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh. Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU, phong trào thi đua “Dân vận khéo” và thực hiện “Ngày Dân vận khéo” tỉnh Bạc Liêu đã đạt được một số kết quả như sau:

1. Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về ý nghĩa, mục đích của phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Ngày Dân vận khéo”; thực hiện tốt phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin”.

Để thực hiện “Ngày Dân vận khéo” vào ngày 15 hàng tháng, cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tổ chức triển khai, tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác dân vận; chỉ đạo mỗi cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt đạo đức công vụ, văn hóa công sở, gắn với công tác dân vận trong thực hiện nhiệm vụ của mình, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có quan hệ trực tiếp với người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính, yêu cầu, khiếu nại, thực hiện việc tiếp công dân. Đồng thời, vận động trích lương của cán bộ, công chức, viên chức để cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện các công trình, phần việc “Năm Dân vận khéo” do tỉnh, huyện phát động.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng các cấp tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân; vận động nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Trong 5 năm qua, các ngành, các cấp đã tổ chức tuyên truyền được 9.099 cuộc, với hơn 756.000 lượt người tham dự. Nhìn chung, công tác tuyên truyền đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện tốt; công tác vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực; các chính sách an sinh xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả quan trọng; các cuộc vận động như “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Từ đó, góp phần thúc đẩy các lĩnh vực phát triển tốt, nhất là lĩnh vực kinh tế - xã hội.

2. Qua 5 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 37-CT/TU, toàn tỉnh đã có 30 xã và 40 ấp được cấp tỉnh và cấp huyện chọn để làm điểm tập trung tuyên truyền, vận động các nguồn lực xây dựng mô hình “Dân vận khéo” và thực hiện “Ngày Dân vận khéo”; có hơn 2.090 lượt cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện, với tổng số tiền thực hiện các công trình, phần việc trên 1.192 tỷ đồng (trong đó ngân sách nhà nước đầu tư 1.052 tỷ đồng; vận động các nguồn lực trên 140 tỷ đồng). Thời gian thực hiện mỗi năm từ 15/10 của năm trước đến 15/10 của năm sau.

Qua triển khai, thực hiện “Ngày Dân vận khéo” vào ngày 15 hàng tháng đã góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động và tổ chức bộ máy chi đoàn, chi hội đoàn thể ở các ấp; phát triển đoàn viên, hội viên và củng cố, nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ  về công tác dân vận, về việc vận động các nguồn lực tham gia thực hiện các công trình, phần việc “Dân vận khéo”, “Ngày Dân vận khéo” nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương được tỉnh, huyện chọn làm điểm.

Nhiều công trình, phần việc được thực hiện như: xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn; xây dựng cầu nông thôn; các công trình về điện; hỗ trợ xây dựng nhà (tình nghĩa; đồng đội, tình thương, đại đoàn kết, nhân ái, mái ấm công đoàn, mái ấm nông dân…); đầu tư trang thiết bị cho trạm y tế; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; làm mới và cấp đổi giấy Chứng minh nhân dân tại xã; trao phương tiện sản xuất cho hộ nghèo; tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo; tặng quà cho học sinh nghèo; hỗ trợ giải ngân các dự án cho người nghèo từ các nguồn quỹ của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng nhà văn hóa ấp; tặng quà cho đoàn viên, hội viên nghèo của các đoàn thể, hội quần chúng; xây dựng cổng an ninh ở ấp; tổ chức văn nghệ phục vụ nhân dân; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về an toàn giao thông, về chuyển giao khoa học - kỹ thuật, về chuyên môn nghiệp vụ của các tổ chức chính trị - xã hội; tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân; hướng dẫn thành lập hợp tác xã; hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt cho lao động nông thôn; hướng dẫn về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Qua triển khai thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình “Dân vận khéo” như: Vận động nhân dân đóng góp ngày công, hiến đất làm đường nông thôn để xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân hiến đất xây dựng nhà văn hóa xã, trung tâm học tập cộng đồng; vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân “Nuôi heo đất”; “Hũ gạo tình thương”; “Tổ hùn vốn”; Quỹ “Nghĩa tình đồng đội”; Quỹ “Xóa nghèo cho hội viên”; Vận động hỗ trợ lập bàn thờ Tổ quốc; “Vọng gác thanh niên”; “Cảng, bến, đoạn, cửa sông an toàn”, “Văn hóa giao thông trên đường thủy nội địa”; “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc trong tôn giáo đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh”; “Tổ tự quản dòng tộc trong đồng bào dân tộc Khmer”, “Tổ tự quản dòng tộc, giáo dân tự quản, tự phòng”; “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc”;…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Có lúc, có nơi còn có cơ quan, đơn vị chưa chủ động phối hợp triển khai thực hiện công trình, phần việc “Dân vận khéo”; thiếu kiểm tra quá trình thực hiện công trình, phần việc đã đăng ký; công tác phối hợp chỉ đạo tuyên truyền đôi lúc còn chậm, chưa sâu rộng đến đoàn viên, hội viên và nhân dân; một số nơi công tác xây dựng hệ thống chính trị chưa toàn diện, công tác củng cố, xây dựng và phát triển đoàn viên, hội viên tuy có thực hiện, nhưng còn ít, chất lượng, nội dung sinh hoạt còn lúng túng, hiệu quả chưa cao.

Thời gian tới, để phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Ngày Dân vận khéo”, “Năm Dân vận khéo” tiếp tục lan tỏa, mang lại hiệu quả cụ thể, lợi ích thiết thực cho nhân dân, các ngành, các cấp trong tỉnh Bạc Liêu cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác dân vận của Đảng, công tác dân vận chính quyền, về phong trào thi đua “Dân vận khéo”; tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng phong trào gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.

Hai là, tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền sâu rộng đến đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhằm tạo được khí thế thi đua sôi nổi để tích cực tham gia thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Ngày Dân vận khéo”, “Năm Dân vận khéo”. Tích cực vận động nhân dân tham gia thực hiện phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. Đa dạng hóa các loại hình tập hợp nhân dân và hướng mạnh các hoạt động về xóm ấp, hộ gia đình, cư dân nông thôn.

Ba là, xác định nội dung trọng tâm phong trào thi đua “Dân vận khéo” phù hợp với điều kiện từng địa bàn, từng đối tượng. Chú trọng thi đua thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; các phong trào thi đua của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; thi đua thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng…

Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận của chính quyền; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 12/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh”; tiếp tục chỉ đạo có hiệu quả cải cách hành chính, xây dựng tinh thần trách nhiệm và tác phong, thái độ của cán bộ, công chức trong tiếp xúc và giải quyết các công việc có liên quan đến nhân dân. Tiếp tục triển khai quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 19/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh.

Năm là, chú trọng xây dựng, phát triển mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở những nơi khó khăn, phức tạp, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có tôn giáo; quan tâm giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, bức xúc nổi cộm; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.

Sáu là, các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cần quan tâm chỉ đạo hơn nữa phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Ngày Dân vận khéo”; tích cực thực hiện và tham gia thực hiện tốt hơn nữa các công trình, phần việc “Năm Dân vận khéo” tại các đơn vị được chọn làm điểm chỉ đạo của tỉnh, của huyện.

Nguyễn Văn Hòa
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bạc Liêu

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN