Thứ Bảy, 27/4/2024

Đoàn kết, tập hợp, phát huy nguồn lực của thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận

Trong di sản tư tưởng và thực tiễn hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định một cách rõ ràng và nhất quán chân lý có dân là có tất cả. Để có được dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên yêu cầu Đảng phải vận động tất cả lực lượng của nhân dân, đem của dân tài dân lực dân làm lợi cho dân. Người khẳng định, một khi đã làm dân vận thật khéo thì việc gì cũng thành công. Những chỉ dẫn về dân vận được đúc rút từ di sản lý luận và thực tiễn hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giàu sức sống, nóng hổi tính thời sự, soi đường thắng lợi cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong toàn bộ quá trình làm công tác thanh vận.

Là một nội dung bộ phận trong công tác dân vận, thanh vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi thanh niên, không để sót một thanh niên nào, góp thành lực lượng của toàn thanh niên, để thực hành những công việc nên làm, những công việc mà sự nghiệp cách mạng và đất nước đang cần. Công tác thanh vận rất quan trọng bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc, dân tộc nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ, dân tộc được giải phóng, thanh niên mới được tự do. Vì vậy thanh niên hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc”(1) và “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cho cái tương lai đó”(2). Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận nói chung, trong tác phẩm Dân vận nói riêng, để lại những chỉ dẫn khoa học sâu sắc soi đường cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong mọi quá trình thực hiện công tác thanh vận.

Quán triệt sâu sắc những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua, Đoàn đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau để nâng cao hiệu quả công tác thanh vận:

Thứ nhất, đảm bảo nhận thức đúng đắn và ngang tầm về thanh niên và công tác vận động thanh niên.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận, thanh vận, các cấp của Đoàn, Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các hội khác của thanh niên luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của thanh niên và xác định thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đoàn và các hội của thanh niên luôn xác định, tổ chức của mình là của thanh niên, do thanh niên và vì thanh niên; luôn chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp và nhu cầu chính đáng của thanh niên, đồng hành với thanh niên và hỗ trợ thanh niên phát triển.

Chính vì đánh giá đúng thanh niên, tin tưởng vào thanh niên nên Đoàn, Hội đã kết nạp vào tổ chức của mình nhiều thanh niên tiên tiến. Đề ra các chủ trương giáo dục, bồi dưỡng, tổ chức thanh niên thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đoàn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham gia đào tạo, bồi dưỡng, phát huy thanh niên trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng với kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Khuyến khích và hỗ trợ cho thanh niên chủ động và không ngừng học tập, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, tay nghề; cần cù, chịu khó, sáng tạo, có tác phong công nghiệp trong lao động; vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng. Tạo mọi điều kiện để thanh niên phấn đấu, rèn luyện trở thành công dân hữu ích, xung kích, tình nguyện, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; đảm nhận những việc khó khăn, gian khổ khi Đảng, Tổ quốc và nhân dân yêu cầu, góp phần xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trước những yêu cầu mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra, Đoàn đã có nhiều đổi mới trong công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và đề ra những giải pháp phù hợp trong công tác vận động, đoàn kết, tập hợp thanh niên. Trong đó, chuyển phương pháp tiếp cận và phương pháp công tác với thanh niên theo hình thức: Nói cho thanh niên biết, thanh niên bàn, thanh niên làm và thanh niên kiểm tra sang phương thức: Nói cho thanh niên biết, truyền thông cho thanh niên hiểu, định hướng cho thanh niên thảo luận, tham vấn thanh niên trong những vấn đề quan trọng của đất nước, tư vấn cho thanh niên làm và kiểm tra, để thanh niên tự tin, phát huy tính tự chủ và sáng tạo trong cuộc sống, tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn và Hội tổ chức.

Tổ chức Đoàn các cấp thường xuyên đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chính trị tư tưởng, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt chủ trương, đường lối và các nghị quyết của Đảng, của Đoàn phù hợp với tâm lý, trình độ nhận thức của thanh niên. Tăng cường các hình thức tạo diễn đàn trao đổi, đối thoại có tính tương tác với đoàn viên, thanh niên; thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, định hướng dư luận trong thanh niên thông qua điều tra xã hội học và mạng lưới thăm dò dư luận xã hội do Đoàn tổ chức. Triển khai sâu, rộng các nội dung giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống gắn với các phong trào hành động cách mạng của Đoàn, Hội, Đội. Đổi mới và triển khai sâu rộng các mô hình giáo dục giá trị sống, kỹ năng xã hội; tăng cường giáo dục thanh niên thông qua những tấm gương điển hình tiên tiến, cá nhân có thành tích vượt trội ở các nhóm đối tượng thanh niên. Lấy “xây” để “chống”, làm cho các giá trị tốt đẹp có sức lan tỏa trong cộng đồng thanh niên.

Xuất phát từ các nhu cầu cơ bản của thanh niên, tổ chức Đoàn đã tổ chức nhiều phong trào, hoạt động để thu hút, vận động, tập hợp, đoàn kết thanh niên với phương châm “Chăm lo thanh niên đến đâu gắn liền với việc bồi dưỡng và đoàn kết, tập hợp thanh niên đến đó”. Và cùng với đó, các cuộc vận động, các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ luôn được đổi mới qua mỗi kỳ đại hội của Đoàn để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nhu cầu, nguyên vọng và yêu cầu của nhiệm vụ giáo dục, bồi dưỡng, phát triển thanh niên. Thực tiễn cho thấy, với sự ra đời của hai phong trào “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, phong trào thanh niên có bước phát triển mới cả về lý luận và thực tiễn. Bước tiến lớn nhất về mặt lý luận chính là việc coi “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” là một phong trào của tuổi trẻ. Phù hợp với nguyên tắc “tự giáo dục”, “tự rèn luyện” của thanh niên dưới sự hỗ trợ, tạo điều kiện của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và toàn xã hội.

Tổ chức Đoàn các cấp tích cực, chủ động, kiên trì, sáng tạo, chọn khâu đột phá trong tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động thanh niên một cách toàn diện, thường xuyên; lựa chọn công việc và chủ động phối hợp với chính quyền cùng cấp tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên, nhất là về cơ chế, chính sách, điều kiện hoạt động...

Thứ hai, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp các tầng lớp thanh niên, quan tâm đến những nhóm thanh niên đặc thù và nhóm thanh niên yếu thế.

Từ nghiên cứu lý luận và thực tiễn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát huy vai trò nòng cốt chính trị, kịp thời định hướng Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các tổ chức thanh niên Việt Nam tự đổi mới, tự củng cố nhằm nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động, đẩy mạnh công tác vận động, tập hợp, đoàn kết thanh niên. Từ chỗ xác định “Ở đâu có thanh niên, ở đó có tổ chức Hội”, đến nay các cấp bộ Hội đều xác định “Ở đâu có thanh niên ở đó có tổ chức Hội hoặc các hoạt động của Hội”.

Chính từ việc đề ra phương châm đúng đắn, mà Đoàn, Hội đã đoàn kết, tập hợp tất cả các tầng lớp thanh niên: nông thôn, công nhân, công chức, viên chức, đô thị, học sinh và sinh viên, các lực lượng vũ trang; tập hợp thanh niên Việt Nam ở nước ngoài. Đoàn và Hội đã mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp những nhóm thanh niên đặc thù: sau cai nghiện và sau cải tạo, thanh niên nhiễm HIV/AIDS; đoàn kết, tập hợp những nhóm thanh niên yếu thế: thanh niên các dân tộc thiểu số và thanh niên khuyết tật.

Hiện nay, toàn Đoàn có hơn 6,4 triệu đoàn viên. Hội LHTN Việt Nam hiện có 63 Hội LHTN Việt Nam cấp tỉnh, 4 Hội LHTN Việt Nam của các tập đoàn, tổng công ty, 03 Hội Thanh niên - Sinh viên ở nước ngoài với trên 9,9 triệu hội viên; Hội Sinh viên Việt Nam hiện có 27 Hội Sinh viên cấp tỉnh, 46 Hội Sinh viên cấp trường trực thuộc Trung ương, 8 Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài với hơn 1,3 triệu hội viên. Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hiện có 63 Hội Doanh nhân trẻ cấp tỉnh và 4 ngành kinh tế với gần 9.000 hội viên. Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam hiện có mặt ở 60 tỉnh, thành phố với hơn 80.000 hội viên. Tỉ lệ thanh niên được tập hợp trong cả nước đạt trên 62%...

Thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ (2000-2015) và Chương trình phát triển bền vững (2016 - 2030) của Liên hợp quốc, các cấp của Đoàn và Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm thực hiện phương châm: “Không để thanh niên nào ở lại phía sau”. Những hoạt động của Đoàn và Hội vừa đảm bảo chiều rộng “quan tâm đến tất cả thanh niên” và đảm bảo chiều sâu “quan tâm đến những nhóm thanh niên đặc thù và nhóm thanh niên yếu thế”.

Thứ ba, chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp và nhu cầu chính đáng của thanh niên.

Trong tất cả các thời kỳ cách mạng, nhất là trong thời kỳ đổi mới đất nước, các cấp bộ Đoàn và Hội luôn quan tâm thực hiện chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của thanh niên. Đoàn và Hội là người đại diện tập thể cho quyền và lợi ích về chính trị, kinh tế và xã hội cho thanh niên. Đây vừa là chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn và Hội, vừa là giải pháp quan trọng bậc nhất trong công tác vận động, tập hợp và đoàn kết thanh niên của Đoàn. Chính việc làm tốt là người đại diện quyền và lợi ích cho thanh niên nên Đoàn và Hội đã tập hợp được đông đảo các tầng lớp thanh niên vào các tổ chức, các đội hình do mình thành lập.

Thực hiện Hiến pháp năm 2013, Luật Thanh niên năm 2005 và các văn bản pháp luật và chính sách có liên quan đến phát triển thanh niên, Đoàn Thanh niên và Hội LHTN quan tâm đặc biệt đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong lao động, học tập, bảo vệ Tổ quốc… Trong đó chú ý chăm lo, bảo vệ lợi ích chính trị, kinh tế và xã hội của thanh niên và quan tâm tổ chức nhiều hoạt động nhằm đảm bảo các nhu cầu chính đáng của thanh niên trong học tập, việc làm, chăm sóc sức khoẻ, nhu cầu vui chơi giải trí… của các đối tượng thanh niên...

Đoàn, Hội đã quan tâm chăm lo đến các nhu cầu mới của thanh niên như: Được tin tưởng, được đánh giá đúng, được dân chủ và công khai, được thực hiện công bằng trong đào tạo và sử dụng thanh niên. Đoàn và Hội có các hoạt động nhằm chăm lo, hỗ trợ những sáng kiến và sáng tạo của thanh niên. Mở rộng dân chủ với thanh niên, lắng nghe ý kiến của thanh niên; Đoàn và Hội là tổ chức đại diện cho quyền dân chủ đại diện của thanh niên. Các cấp bộ Đoàn tổng hợp và phản ảnh kịp thời ý kiến của thanh niên đến Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền các cấp.

Cải cách lề lối, phong cách làm việc của cán bộ Đoàn, Hội theo tinh thần gần và gắn bó mật thiết với thanh niên. Nắm chắc và kịp thời tình hình tư tưởng của thanh niên, kịp thời tháo gỡ những vấn đề bức xúc của thanh niên về học tập, việc làm và vui chơi giải trí. Tham mưu xây dựng quy chế phối hợp hoạt động với các cấp chính quyền; giám sát, phản biện việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên. Nhiều cơ chế, chính sách cho thanh niên và công tác thanh niên đã ra đời, cổ vũ thanh niên quyết tâm vươn lên trong học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp như chính sách vay vốn học tập, chính sách về nghề nghiệp việc làm, chính sách phát triển các khu vui chơi, giải trí, chính sách thanh niên tình nguyện, chính sách thanh niên xung phong…

Thứ tư, Đoàn và Hội đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, chính sách, pháp luật và sự tham gia của thanh niên.

Trong thời kỳ mở rộng dân chủ, thanh niên có nhu cầu cao được đảm bảo các quyền tiếp cận thông tin, chính sách, pháp luật và tiếp cận các dịch vụ xã hội, quyền tham gia các hoạt động. Trong thời gian qua, các cấp của Đoàn và Hội tổ chức nhiều hoạt động nhằm đảm bảo các quyền tiếp cận sau:

Tiếp cận thông tin: Tăng cường tuyên truyền làm cho thanh niên có nhận thức đầy đủ về việc sử dung các kênh thông tin chính thống; biết nói không với thông tin sai lệch và không cung cấp thông tin thất thiệt đến người khác. Cung cấp thông tin cho thanh niên thông qua các cơ quan truyền thông đại chúng, nhất là những cơ quan báo chí của Đoàn và Hội. Các cấp của Đoàn và Hội phối hợp với các bên có liên quan để tăng cường cung cấp thông tin có định hướng cho những nhóm thanh niên đặc thù và nhóm thanh niên yếu thế.

Tiếp cận tư pháp: Các cấp của Đoàn và Hội tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật cho các tầng lớp thanh niên. Đây là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo quyền tiếp cận về chính sách và luật pháp của các đối tượng thanh niên; huy động thanh niên tham gia xây dựng và thực hiện chính sách và luật pháp có liên quan. Thông qua đó để Đoàn và Hội tập hợp thanh niên tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

Tiếp cận các dịch vụ xã hội: Các cấp của Đoàn và Hội đã tổ chức các hoạt động nhằm đảm bảo cho thanh niên được tiếp cận các dịch vụ về việc làm, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, văn hoá, giải trí, tư vấn pháp lý…

Đảm bảo sự tham gia của thanh niên: Các cấp bộ Đoàn huy động thanh niên tham gia xây dựng chính sách và pháp luật, nhất là những chính sách và pháp luật có liên quan đến phát triển thanh niên. Huy động thanh niên tham gia vào quá trình xây dựng và triển khai thực hiện chính sách và pháp luật; tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát động; huy động các tầng lớp thanh niên xung kích, tình nguyện, đi đầu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Có thể khẳng định, qua 70 năm nhưng những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận vẫn còn nguyên giá trị về lý luận và thực tiễn đối với công tác dân vận nói chung và đối với công tác vận động, đoàn kết và tập hợp thanh niên. Những lời dặn dò về đối tượng, phương pháp, cách thức... dân vận đã được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh kế thừa và vận dụng sáng tạo trong công tác đoàn kết và tập hợp thanh niên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi qua các giai đoạn. Khẩu hiệu “Ở đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên” tiếp tục được thể hiện sinh động trong hiện thực gian lao mà anh hùng, trong mỗi chiến thắng và thành tựu đạt được của cách mạng Việt Nam hiện nay.

1. Hồ Chí Minh (2004), Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.398.

2 Hồ Chí Minh, sđd, tập 5, tr.185.

Lê Quốc Phong
Ủy viên dự khuyết BHC Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN