Chủ Nhật, 19/5/2024

“Dân vận khéo” trước thông tin phức tạp, nhạy cảm lan truyền trên mạng internet hiện nay

1. Kể từ khi mạng ARPANET của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ - tiền thân của mạng internet ngày nay đi vào hoạt động năm 1969, cùng với cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên thế giới phát triển với tốc độ cao chưa từng thấy, thế giới đã có nhiều biến đổi. Có người so sánh: nếu trước đây lượng thông tin của nhân loại tăng lên gấp đôi phải mất hàng trăm năm, ngày nay điều ấy chỉ mất chưa đầy một thập kỷ, khoảng thời gian để lập kỷ lục trên đang ngày càng rút ngắn. Các phương tiện phục vụ cuộc sống của con người ngày hôm nay là mới nhưng ngày mai đã cũ bởi cái mới ra đời với nhiều khác biệt, tạo ưu thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người.

Điều làm cho “thế giới phẳng”, kết nối nhanh, lượng thông tin chia sẻ ngày càng nhiều chính là nhờ những bộ óc siêu việt của nhân loại đã sáng tạo ra internet - xa lộ thông tin toàn cầu. Mạng ARPANET khi mới ra đời chỉ kết nối với một số viện và trường đại học của Hoa Kỳ, còn nay internet đã trở thành phương tiện không thể thiếu đối với bất kỳ ai đã từng một lần sử dụng. Internet phát triển, mạng xã hội ngày càng mở rộng thúc đẩy các nhà khoa học sáng tạo ra các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông theo xu hướng tích hợp, hội tụ mọi tinh hoa, kết tinh phần lớn trí tuệ của con người trong một sản phẩm. Ở nước ta cách đây khoảng 20 năm, sử dụng điện thoại di động khi ấy được coi là xa xỉ bởi giá thuê bao đắt, vùng phủ sóng hẹp và cước mỗi cuộc gọi tính theo “block 3 phút”… Nhưng ngày nay, hầu hết người dân không phân biệt nghề nghiệp, lứa tuổi, vùng miền đều có thể sử dụng điện thoại di động một cách dễ dàng, rẻ và tiện lợi. Điện thoại di động ngày trước với tính năng đơn giản thì bây giờ nó là những chiếc điện thoại thông minh với nhiều tiện ích, đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu con người. Nhiều người trong chúng ta đôi khi đã trở thành phóng viên, nhà báo, nhà quay phim, nhiếp ảnh gia bất đắc dĩ nhờ những âm thanh, hình ảnh, khoảnh khắc mà điện thoại di động của họ ghi lại được trong muôn vàn tình huống đầy sắc màu của cuộc sống: từ nơi bình yên đến vùng chiến sự, từ những bãi biển tuyệt đẹp đến những trận sóng thần kinh hoàng mới đi qua… Tất cả đều sôi động, hối hả như nhịp chân của nhân loại đang tiến về phía trước để chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ và sức sáng tạo không ngừng nghỉ của con người.

Nước ta phát triển với điểm xuất phát thấp bởi trải qua nhiều năm tháng chiến tranh, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng là nước đi sau. Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, bằng quyết tâm chính trị và đầy sức sáng tạo, giờ đây Việt Nam tự hào bởi là nước thành công về “đi tắt đón đầu” và phát triển bền vững trong công nghệ thông tin và truyền thông, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

2. Thông tin được hiểu là sự phản ánh các sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan và các hoạt động của con người trong đời sống xã hội, thông qua việc cảm nhận thông tin giúp con người tăng hiểu biết cho chính mình và tiến hành những hoạt động có ích cho cộng đồng và xã hội. Ngày nay, thuật ngữ “thông tin” (information) được sử dụng khá phổ biến. Con người luôn có nhu cầu thu thập thông tin bằng nhiều cách khác nhau: đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, giao tiếp với người khác, tham gia mạng xã hội... Con người có hình thức liên lạc tự nhiên ban đầu là tiếng nói, sau đó sáng tạo ra chữ viết, ngày nay nhiều công cụ phổ biến thông tin xuất hiện như bút viết, máy in, điện tín, điện thoại, phát thanh, truyền hình, phim ảnh… và được lưu truyền rộng rãi trên mạng internet. 

Hiểu thế nào là thông tin phức tạp, nhạy cảm cũng có nhiều cách giải thích khác nhau. Đối với cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí thường quan niệm rằng, thông tin phức tạp, nhạy cảm là thông tin không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng, tác động bằng nhiều kênh không chính thống, lan truyền nhanh, tán phát rộng, gây tâm lý hiếu kỳ, tò mò trong công chúng. Khi các thông tin phức tạp, nhạy cảm được lan truyền thường tạo tâm trạng lo lắng, bất an trong Nhân dân; làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, rạn nứt khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cho các cơ quan chức năng khó kiểm soát thông tin và định hướng dư luận xã hội.

Thông tin phức tạp, nhạy cảm thường không tán phát tự nhiên, nó được “tung ra” một cách có chủ đích gắn với những sự kiện đã, đang và sẽ diễn ra trong đời sống xã hội. Sự kiện càng lớn, mức độ càng quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng thì thông tin phức tạp, nhạy cảm lan truyền càng nhanh, diện phủ sóng càng rộng, lượng tin bài càng dồn dập, thậm chí còn đi trước và đón đầu các sự kiện. Có thể nêu một số ví dụ: (1) Khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, trên mạng lan truyền một số thông tin về Hội nghị Thành Đô năm 1990 với nhiều tin đồn thất thiệt, mặc dù không tin nhưng người đọc vừa nghi ngờ, vừa hoang mang; sau khi được giải thích, đến nay nhiều người khẳng định điều đó không đúng sự thật. (2) Vừa qua, có đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng đi nước ngoài chữa bệnh, lập tức trên mạng xã hội dồn dập đưa ra thông tin ác ý, vô căn cứ, chỉ khi các chuyên gia ngành y tế giải thích mọi người mới hiểu và đồng thuận. Hai ví dụ trên là điển hình cho việc bùng nổ các thông tin phức tạp, nhạy cảm diễn ra trong một thời gian ngắn, gây khó khăn trong việc định hướng dư luận xã hội; nó chỉ được giải tỏa trong dư luận khi được các cơ quan, tổ chức có tránh nhiệm nghiên cứu, thẩm định, giải thích và công bố công khai trên báo chí một cách chính xác, rõ ràng. Tuy nhiên, nếu các cơ quan chức năng cung cấp thông tin sớm hơn, kịp thời hơn thì các vấn đề trên không bị lợi dụng để hư cấu, biến thành những câu chuyện nhuốm màu chính trị, gây “bão” trên mạng, làm phân tâm dư luận.

3. Công tác dân vận và cán bộ thực hiện công tác này muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong bất kỳ giai đoạn nào đều phải nắm chắc tình hình nhân dân, thấu hiểu tâm trạng và dư luận xã hội; biết cách tuyên truyền, vận động, thuyết phục, giải thích để dân biết, dân hiểu; làm để dân tin, gương mẫu để dân học tập và làm theo. Vì vậy, việc nắm bắt, chắt lọc và xử lý các thông tin đa chiều đang là yêu cầu đòi hỏi rất lớn đối với mỗi cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ làm công tác dân vận.

Khó khăn, lúng túng của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là cán bộ cơ sở là xử lý các thông tin phức tạp, nhạy cảm mà người dân quan tâm và thường hay chất vấn. Đến cơ sở mới thấu hiểu, tin đồn thất thiệt được lan truyền rất nhanh, từ người này sang người khác, từ nhóm nọ sang nhóm kia, thông qua các chiều “kích” khác nhau, thông tin được thổi phồng, trong một thời gian ngắn nhiều vấn đề đã hoàn toàn khác so với khởi phát ban đầu. Nếu hỏi cán bộ, đảng viên và nhân dân nghe tin đó ở đâu, ai là người cung cấp… thì đều nhận được câu trả lời khá giống nhau: “trên mạng nó nói vậy, viết vậy”, rồi sẵn sàng mở điện thoại, máy tính đã lưu giữ để chứng minh. Phải chăng, mạng internet là phương tiện “chủ mưu và có lỗi” về lan truyền các thông tin nhạy cảm, phức tạp hiện nay? Trong khi đó chúng ta vẫn ca ngợi internet là sự sáng tạo tuyệt vời của nhân loại trong thế kỷ XX.

Câu trả lời là mạng internet không có lỗi và không phải chủ mưu, con người sáng tạo ra nó và chính con người là khởi nguồn của những mưu đồ thâm độc khi sử dụng internet. Vì vậy, đứng trước các thông tin phức tạp, nhạy cảm, muốn “dân vận khéo”, mỗi cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm thực hiện tốt một số nội dung sau:         

Một là, thường xuyên tiếp cận các thông tin chính thống và được kiểm chứng. Hiện cả nước có 845 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh và truyền hình, 01 hãng thông tấn quốc gia, 98 báo - tạp chí điện tử… Đây là nguồn thông tin quan trọng, được cập nhật liên tục 24/24 giờ, đó thực sự là các cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và là diễn đàn của Nhân dân. Đây là những thông tin vừa có tính thời sự, vừa có khả năng định hướng dư luận xã hội, đội ngũ cán bộ dân vận dễ dàng tiếp cận một cách nhanh chóng, thuận tiện. Dòng thông tin chủ đạo này giúp chúng ta nắm bắt được những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu của công cuộc đổi mới; thấy được sự kiên quyết của Đảng và Nhà nước ta trong việc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực xã hội, góp phần cũng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Hai là, chủ động tiếp cận nguồn khởi phát và trang bị cho mình kiến thức đấu tranh trước các thông tin phức tạp, nhạy cảm. Có người từng nói: muốn biết biển nông, sâu, nóng, lạnh thế nào mà lấy gậy chọc xuống nước là không ổn, bản thân mình phải biết tự nhảy xuống, trước khi quyết định nhảy xuống hãy tập bơi. Nhân loại chúng ta đang “bơi” và phải bắt bơi trong “biển cả” vô cùng, vô tận của thế giới thông tin internet. Quá trình ấy, muốn biết đâu là thông tin phức tạp, nhạy cảm thì người cán bộ phải có ý thức nhạy cảm về chính trị trước các sự kiện, sự việc có liên quan; qua đó sàng lọc, phân định được các thông tin đúng - sai, phải - trái, có lợi - bất lợi… Chỉ có xâm nhập thực tế gắn với phương pháp tiếp cận thông tin đúng đắn mới giúp chúng ta có đủ cơ sở lý luận, thực tiễn giải thích cho nhân dân về sự sai trái, bất lợi của thông tin phức tạp, nhạy cảm đang lan truyền trên mạng. Đồng thời hướng dẫn nhân dân biết cách phòng tránh và chủ động đấu tranh phản bác các thông tin có nội dung xấu độc.

Ba là, thực hiện tốt phương châm: công khai, minh bạch, dân chủ, chủ động, kịp thời để làm chủ “trận địa thông tin”. Các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước và người đứng đầu các tổ chức cần chủ động tăng cường cung cấp thông tin qua nhiều kênh, trong đó có mạng internet. Phải xây dựng được quy trình cung cấp thông tin, trả lời, phản bác đối với các tin đồn, luận điệu xuyên tạc. Để người dân không tin và không nghe theo các tin đồn thất thiệt, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận phải biết cách sử dụng và tận dụng triệt để tiện ích của internet trong “Dân vận khéo”; có phương pháp quản lý chặt chẽ cán bộ thuộc quyền thông qua việc nắm bắt tâm tư, tình cảm, xây dựng môi trường làm việc tại công sở cởi mở, chân thành. Cán bộ đến tuyên truyền, vận động Nhân dân phải giữ cho mình đức tính trung thực, khiêm tốn, giản dị, tránh để dư luận hoài nghi và mất niềm tin.

Năm 2015 có rất nhiều sự kiện trọng đại kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và dân tộc, là năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cho dù chúng ta đã chủ động lường trước nhưng rất khó tránh khỏi việc lan truyền những thông tin phức tạp, nhạy cảm trên mạng internet. Chính vì vậy, chỉ có đưa thông tin một cách đúng đắn, kịp thời, chính xác để tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân mới là cách thức hữu hiệu nhất trong việc xử lý các thông tin phức tạp, nhạy cảm đang từng ngày, từng giờ lan truyền trên mạng internet hiện nay.

Vy Tư Liệu

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN