Chủ Nhật, 19/5/2024

Thanh Hóa: Điều động, luân chuyển cán bộ nhìn từ góc độ dân vận

Thực hiện Nghị quyết số 11- NQ/TW ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong những năm qua Thanh Hóa đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Hiện tại toàn tỉnh có 509 cán bộ luân chuyển, điều động đang công tác ở ví trí mới (từ cấp huyện xuống xã 150 cán bộ, từ cấp xã lên cấp huyện 63 cán bộ; giữa xã này với xã khác 103 cán bộ). Riêng huyện Thạch Thành, từ năm 2010 đến nay có 25/28 xã, thị trấn điều động, luân chuyển 118 cán bộ. Đi đôi với đó, huyện đã thu hút 93 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức xã, thị trấn, xã nhiều nhất 4 chức danh và thấp nhất là 1 chức danh. Nhìn chung, công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở Thanh Hóa đã làm chuyển biến và thay đổi căn bản về nhận thức trong cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng, vai trò công tác tổ chức, cán bộ nói chung và đối với công tác dân vận nói riêng; nhất là phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới.

Với nhận thức sâu sắc “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều ở nơi dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, phương châm là hiểu dân, dựa vào dân, tạo được niềm tin trong Nhân dân, đội ngũ cán bộ luân chuyển đã chú trọng đổi mới phương pháp công tác, sâu sát Nhân dân, cơ sở; nắm bắt, nghiên cứu tình hình, phong tục, tập quán, dư luận Nhân dân; tuyên truyền, vận động, tổ chức cho Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nắm tình hình thực tiễn ở địa phương “bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân” để đề ra kế hoạch, chủ trương, biện pháp đúng đắn, thiết thực, phù hợp với địa bàn dân cư.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo và giải quyết công việc, nhất là trong xử lý, giải quyết những vấn đề có tính nhạy cảm, như: công tác tổ chức cán bộ, quản lý, điều hành kinh tế, dự án… cán bộ luân chuyển thực sự là người công tâm, khách quan “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Biết phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của tập thể; tiềm năng, lợi thế của địa phương; đồng thời xác định được những vấn đề trì trệ, yếu kém ở cơ sở, từ đó xây dựng lộ trình, bước đi phù hợp, khoa học, giải quyết dứt điểm, hiệu quả từng nhiệm vụ. Tại những địa phương có yếu kém trong lĩnh vực ngân sách, tài chính công, đất đai, tệ nạn xã hội phức tạp, đơn thư khiếu kiện kéo dài, mất đoàn kết nội bộ; vi phạm nguyên tắc tập trung, dân chủ..., cán bộ luân chuyển đã cùng tập thể cấp ủy xây dựng lại quy chế làm việc, quản lý, điều hành đảm bảo dân chủ, khách quan, không “lấn sân”, bao biện làm thay.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ luân chuyển đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến mọi người dân về chủ trương, nhiệm vụ, mục đích, yêu cầu, phương châm, giải pháp xây dựng nông thôn mới, xây dựng ý thức trách nhiệm công dân trong xây dựng nông thôn mới. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tiếp thu ý kiến đóng góp, đề xuất, kiến nghị, kinh nghiệm của Nhân dân để kịp thời điều chỉnh các giải pháp tổ chức thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, làm chuyển biến rõ nét nhận thức, tạo sự đồng thuận, tích cực của cán bộ, Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Vận động, khai thác các nguồn lực trong dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dồn điền đổi thửa phát triển cánh đồng mẫu lớn, trang trại, gia trại; cải tạo vườn tạp, sản xuất hàng hóa; phát triển ngành nghề; phát triển giao thông liên xã, liên thôn; kiên cố hóa kênh mương, xây dựng cơ sở vật chất trường học, nhà văn hóa, khu thể thao, nhà ở cho hộ nghèo; chỉnh trang các khu dân cư theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hóa. Xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh trật tự; xây dựng xã hội học tập, xây dựng gia đình ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo...

Thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; đội ngũ cán bộ luân chuyển cùng với chính quyền địa phương đã tổ chức cho Nhân dân bàn bạc, tham gia đóng góp ý kiến vào việc xây dựng quy hoạch, đề án, dự án về phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm xá... Xây dựng cơ chế, chính sách, quy định huy động nguồn lực trong Nhân dân; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nghề mới, các hình thức tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm, xây dựng các quy định cụ thể trong việc huy động nguồn lực trong Nhân dân.

Công khai cho Nhân dân được biết chủ trương, nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án, chương trình đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế; quản lý sử dụng các loại quỹ, chủ trương vay vốn, đối tượng, mức thu các loại phí, thu các nguồn đóng góp của Nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng... Phát huy vai trò của Nhân dân trong việc kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, thực hiện quy hoạch, các dự án, các nguồn vốn đầu tư, các nguồn thu trong Nhân dân; những công trình do Nhân dân tự đóng góp kinh phí. Trong 4 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đóng góp 4.848 tỷ đồng, trong đó 4.104 tỷ tiền mặt, 56.540 ngày công lao động, hiến 980 ngàn ha đất (chiếm 22,56% tổng số vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới). Đến hết năm 2014, bình quân toàn tỉnh đạt 10,83 tiêu chí/xã tăng 6,09 tiêu chí so với khi bắt đầu triển khai; đã có 45 xã và 06 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng góp phần xây dựng MTTQ, các đoàn thể, khối dân vận vững mạnh. Đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn, chi hội; phương pháp công tác, nội dung, phương thức hoạt động; phát huy được vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể trong tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và quản lý xã hội; xây dựng chi đoàn, chi hội kiểu mẫu ở các thôn, bản.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “cán bộ là gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Cán bộ là nhân tố quyết định cho sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, đất nước và của cả dân tộc. Cán bộ là chỗ dựa, là công cụ để thực hiện và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, là yếu tố chi phối mạnh mẽ đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng dân cư. Sự nghiệp đổi mới đất nước muốn thành công phải tạo sự chuyển biến tích cực từ cơ sở, mà điều đó phụ thuộc rất quan trọng ở chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt. Nhìn từ góc độ dân vận theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 25-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về công tác dân vận và thực tiễn việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở Thanh Hóa càng thấy ý nghĩa sâu sắc và tầm quan trọng của công tác điều động, luân chuyển cán bộ - yếu tố quan trọng tạo chuyển biến mới đối với công tác dân vận hiện nay.

Trịnh Anh Thau

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN