Chủ Nhật, 19/5/2024

Đồng Nai: Công tác dân vận của chính quyền là khâu đột phá

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Đồng Nai có dân số gần 3 triệu người, trong đó đồng bào có đạo chiếm hơn 65% dân số. Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Đồng Nai luôn nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Nhất là từ khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, công tác dân vận của tỉnh tiếp tục được quan tâm, đổi mới, kiện toàn và có nhiều khởi sắc. Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch 164-KH/TU để triển khai thực hiện Nghị quyết 25, trong đó đề ra 17 nội dung cụ thể và phân công trách nhiệm, xác định rõ lộ trình, biện pháp thực hiện.

Để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện công tác dân vận, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác dân vận do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; 11/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và 2 Đảng ủy (Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh) thành lập Ban Chỉ đạo công tác dân vận. Chỉ tính riêng việc cụ thể hóa Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 05 quyết định, đó là: Quyết định 728-QĐ/TU và Quyết định 729-QĐ/TU ngày 12/9/2014 về quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu các cấp ủy đảng, người đứng đầu chính quyền ở địa phương các cấp trong tỉnh với Nhân dân; Quy định về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền tiếp thu góp ý của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Quyết định số 801-QĐ/TU ngày 14/10/2014 về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị- xã hội. Quyết định 880-QĐ/TU và Quyết định 881-QĐ/TU ngày 12/1/2015 về Quy định trách nhiệm của Đảng ủy xã, phường, thị trấn; trách nhiệm của cấp uỷ cơ sở đảng cơ quan, hành chính sự nghiệp trong việc lãnh đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Từ trong nhận thức đến thực hiện mọi nhiệm vụ, Đồng Nai luôn xác định công tác dân vận phải đi trước một bước và coi đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó, công tác dân vận của chính quyền được xác định là khâu đột phá.

Các đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh tăng cường công tác tiếp xúc, nắm tình hình, nguyện vọng của cử tri trước và sau các kỳ họp; kết quả có hơn 26.000 lượt người tham dự với 1.986 lượt ý kiến tập trung vào các nội dung liên quan đến đời sống của người dân như: quy hoạch đền bù giải tỏa, thu hồi đất; các biện pháp bình ổn giá, chống lạm phát trước tình hình giá cả tăng cao; đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn…

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1744/QĐ-UBND ngày 12/6/2014 về Quy định tiêu chí đánh giá công tác dân vận của các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Năm 2014, tập huấn công tác dân vận của chính quyền cho hơn 220 cán bộ, công chức thường xuyên tiếp xúc với Nhân dân và công an các xã, phường, thị trấn. Công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, đã triển khai cơ chế một cửa liên thông hiện đại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tỉnh đã công bố 21 bộ thủ tục hành chính cho 03 cấp chính quyền, trong đó có 19 bộ thủ tục hành chính cấp sở, 01 bộ thủ tục hành chính cấp huyện và 01 bộ thủ tục hành chính cấp xã với tổng cộng 1.122 thủ tục; đồng thời ban hành 52 quyết định bãi bỏ 367 thủ tục, sửa đổi 1.801 thủ tục, thay thế 27 thủ tục và ban hành mới 331 thủ tục...

Là tỉnh có hơn 18.500 doanh nghiệp với trên 850 nghìn công nhân, để tăng cường thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 13/CT-UBND ngày 29/4/2014 triển khai thực hiện Nghị định 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện Quy chế dân chủ ở doanh nghiệp. Đồng thời tổ chức 11 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với hơn 1.000 doanh nghiệp và các hiệp hội, qua đó tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp... Gặp gỡ các doanh nghiệp bị thiệt hại do một số phần tử gây rối trong các ngày 13 - 14/5/2014 và đề ra các giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết thiệt hại như: miễn giảm tiền thuê đất cho 18 doanh nghiệp; hỗ trợ thuế, hoàn thuế cho 54 doanh nghiệp với số tiền trên 385 tỷ đồng.

Nhằm hạn chế khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực bồi thường, giải tỏa, tái định cư, UBND tỉnh phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ tỉnh nghiên cứu và ban hành Quyết định số 56/2014/QĐ-UBND ngày 20/11/2014 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác quy hoạch, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, tái định cư. UBND tỉnh rà soát các dự án giới thiệu địa điểm quá thời gian quy định nhưng không triển khai, qua đó đã thu hồi 24 giấy chứng nhận đầu tư và 359 dự án thỏa thuận địa điểm.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được các cấp chính quyền thực hiện theo đúng quy định; giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc của Nhân dân. Toàn tỉnh đã giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đạt tỷ lệ 92%.

Việc tăng cường công tác dân vận trong các cấp chính quyền đã góp phần đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch; hạn chế những sách nhiễu gây phiền hà cho công dân, làm trong sạch bộ máy; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Kết quả công tác dân vận năm 2014 của tỉnh nói chung và công tác dân vận của chính quyền nói riêng đã góp phần tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát huy các nguồn lực trong xã hội, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của Nhân dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ: phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; chính trị ổn định; trật tự an toàn xã hội, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Năm 2014, tăng trưởng kinh tế tỉnh Đồng Nai đạt 11,5%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng: tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 56,9%; thương mại - dịch vụ 37,1%; nông - lâm nghiệp còn 6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 59,5 triệu đồng/năm. Đến nay, toàn tỉnh có 54 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới và có hai đơn vị cấp huyện là huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh đạt tiêu chí nông thôn mới.

Trong thời gian tiếp theo, để củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đòi hỏi việc thực hiện công tác dân vận tiếp tục có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực hơn nữa, nhất là công tác dân vận của chính quyền. Đồng Nai đã xác định một số nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất, thường xuyên nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác dân vận; về các chủ trương, đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong tỉnh cần phải tránh “khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận... “Đó là “sai lầm rất to, rất có hại” như lời Bác đã dạy.

Hai là, tăng cường, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, trên cơ sở tập trung giải kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong Nhân dân. Mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhất thiết phải xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân theo phương châm: “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”.

Ba là, tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, chú trọng việc dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Quan tâm tăng cường và đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, của chính quyền với công tác dân vận. Thực hiện nghiêm túc Quyết định 290-QĐ/TW ngày 25/2/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Thường xuyên nâng cao trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gắn với ý thức, trách nhiệm phục vụ Nhân dân, với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để Nhân dân tin tưởng, ủng hộ và noi theo.

ThS. Viên Hồng Tiến

Bài cùng chuyên mục

Các bài khác

TẠP CHÍ IN