Để củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang ban hành Chỉ thị 08-CT/TU ngày 29/10/2003. Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị, chất lượng hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể được nâng lên; vị trí, vai trò ngày càng được khẳng định.
Các cấp ủy đảng đã xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai, thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của Tỉnh ủy có liên quan đến công tác vận động quần chúng. Từng cấp ủy đảng phân công cấp ủy viên phụ trách địa bàn cơ sở, phụ trách Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển cán bộ; thực hiện tốt chế độ làm việc định kỳ giữa cấp ủy với Khối Dân vận. Có lúc, có nơi cấp ủy làm việc riêng với từng tổ chức, để lắng nghe phản ánh tình hình, định hướng hoạt động, đề ra yêu cầu nhiệm vụ xây dựng tổ chức bộ máy, tập hợp đoàn viên, hội viên và Nhân dân nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong tình hình mới. Tổ chức sơ kết, tổng kết và định kỳ kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục thiếu sót trong quá trình thực hiện Chỉ thị.
Vai trò của Khối dân vận ở cơ sở nói chung, của Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội xã, phường, thị trấn nói riêng được coi trọng, phát huy tính chủ động công tác trong tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, chương trình, dự án do chính quyền triển khai, nhất là các dự án, công trình có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của Nhân dân; coi trọng việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo quyền dân chủ của Nhân dân trên mọi lĩnh vực. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động công vụ, giảm phiền hà cho Nhân dân. Quan tâm phối hợp thực hiện công tác “Dân vận khéo, dân vận chính quyền”.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã đưa nội dung thực hiện Chỉ thị vào nghị quyết lãnh đạo nhiệm kỳ đại hội và nhiệm vụ công tác hàng năm, thường xuyên tiến hành khảo sát, củng cố cơ sở gắn với hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng, vai trò, chức năng và nhiệm vụ trọng tâm của từng tổ chức Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể Nhân dân.
Các cấp chính quyền đã tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị… Hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày một có hiệu quả đã phát huy quyền làm chủ, tính tự quản của Nhân dân trong các khu dân cư, đơn vị cơ sở.
Nhiều đơn vị cơ sở đã có sáng kiến xây dựng những mô hình có hiệu quả như mô hình cột cờ - đèn đường nông thôn; tuyến đường thanh niên tự quản; cổng rào phòng, chống tội phạm; tổ liên doanh vay vốn, tổ chuyển giao khoa học kỹ thuật; mô hình kinh tế hợp tác và hợp tác xã chi tổ hội giúp nhau làm ăn, góp vốn xoay vòng; câu lạc bộ tình thương và trách nhiệm; nhóm tình nguyện xây dựng giao thông nông thôn... Qua đó, góp phần phát triển cộng đồng, nâng cao dân trí và đời sống Nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở được phát huy thông qua việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự giác cách mạng, tinh thần làm chủ của Nhân dân. Toàn tỉnh đã công nhận và ra mắt 940 ấp/ khu phố văn hóa (đạt 92,24%); 64 xã, phường, thị trấn văn hóa (đạt 37,87%); 267 cơ sở thờ tự, 177 tuyến đường, 23 chợ, 9 công viên văn hóa. Từ năm 2003 đến nay, thực hiện 3.285 công trình giao thông nông thôn, trị giá hơn 459,263 tỷ đồng (trong đó vốn Nhân dân đóng góp 47,1%), góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn, xây dựng văn minh đô thị. Vận động tiền và hàng hóa hỗ trợ cho người nghèo với tổng trị giá trên 120 tỷ đồng; trao 296 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách nghèo; 14.940 nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà tình bạn, nhà đồng đội và 150 căn nhà “Mái ấm biên cương” trị giá hàng chục tỷ đồng. Xây dựng 6.715 căn nhà cho người nghèo, hỗ trợ vốn cho Nhân dân sản xuất hàng trăm tỷ đồng.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị ở Tiền Giang có thể rút ra những kinh nghiệm như sau:
1. Từng cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm chủ trương của Đảng về công tác Mặt trận, đoàn thể Nhân dân; đảm bảo vai trò lãnh đạo đối với việc củng cố tổ chức và hoạt động của Mặt trận , các đoàn thể, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện.
2. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ của Mặt trận, các đoàn thể; bố trí đúng người, đúng việc, khắc phục tình trạng đưa cán bộ có năng lực yếu kém làm công tác trong các tổ chức này. Đồng thời, quan tâm chăm lo đảm bảo chế độ, chính sách nhằm tạo động lực thúc đẩy nâng cao trách nhiệm và nhiệt tình công tác của đội ngũ cán bộ cơ sở.
3. Đảm bảo cơ chế để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc giám sát và phản biện xã hội, tham gia thực hiện cải cách hành chính, phát huy dân chủ ở cơ sở, phát huy sức dân, dựa vào Nhân dân, huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của địa phương.
4. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc rà soát, củng cố tổ chức, cán bộ và nâng chất lượng hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể; tăng cường chỉ đạo tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận; làm tốt việc biểu dương nhân điển hình tiên tiến trong phong trào ở cơ sở.
5. Đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí hợp lý để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Nhân dân phát huy vai trò, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình.