Thứ Bảy, 16/11/2024
Hưng Yên: Nhìn lại 05 năm thực hiện Quyết định số 217- QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị triển khai các nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp - Nguồn: noichinh.vn

Thực hiện các văn bản hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về triển khai Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị, về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị, về việc “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” (gọi tắt là Quyết định số 217, 218), trong 5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng Yên triển khai và chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện. Đồng thời, tham mưu với các cấp ủy đảng xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Quy chế, Quy định, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy và Huyện ủy gắn với tình hình thực tế ở địa phương; Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy kịp thời tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 184-QĐ/TU của Tỉnh ủy, “Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cấp tỉnh trong việc tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; Hướng dẫn số 16-HD/BDVTU, ngày 22-4-2014, về thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị.

Hằng năm, Mặt trận Tổ quốc các cấp xây dựng kế hoạch, phối hợp triển khai chương trình giám sát, phản biện xã hội, lựa chọn các nội dung giám sát, phản biện xã hội gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, những vấn đề được đông đảo nhân dân quan tâm.

Năm năm qua, trên cơ sở thống nhất chương trình giám sát với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, sự đồng ý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã chủ trì thành lập 24 đoàn giám sát, tập trung giám sát những vấn đề cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân quan tâm, những vấn đề liên quan đến thực hiện chế độ, chính sách, lợi ích của các tầng lớp nhân dân; qua giám sát, kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh những nội dung chưa sát với thực tế, như năm 2014: Giám sát việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào thi đua “Xây dựng khu dân cư 3 không” và việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn theo Thông báo số 698-TB/TU, ngày 12-11-2012, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; năm 2015: Giám sát thực hiện Nghị quyết số 293/2011/NQ-HĐND, ngày 09-12-2011, của Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên về việc quy định mức hỗ trợ sinh hoạt phí đối với Trưởng ban công tác Mặt trận, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội và kinh phí hoạt động cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở thôn, khu phố; Thông báo số 359-TB/TU, ngày 20-9-2011, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về nội dung và mức chi thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; năm 2016: Giám sát cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; năm 2017: Giám sát thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2016, Giám sát Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo tiêu chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015; năm 2018: Giám sát thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016 - 2020; Giám sát thực hiện các khoản thu, đóng góp liên quan đến người dân ở địa phương.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã tham mưu với cấp ủy và thống nhất với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp xây dựng và triển khai thực hiện giám sát đảm bảo đồng bộ, thống nhất, không trùng lắp và đạt hiệu quả. Từ năm 2014 đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã đã chủ trì thành lập 156 đoàn giám sát. Nội dung giám sát tập trung vào: việc thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân, Quyết định Ủy ban nhân dân trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng tại địa phương; chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; việc thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; việc thực hiện Kế hoạch số 93a/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh; việc thực hiện quy hoạch chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm, kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa đến năm 2020; việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn,...

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phối hợp với các ngành, các tổ chức thành viên thực hiện được 60 cuộc giám sát; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện đã tham gia phối hợp giám sát được 84 cuộc; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tham gia phối hợp giám sát 839 cuộc. Thực hiện nhiệm vụ giám sát thông qua việc xem xét, nghiên cứu các văn bản, báo cáo kết quả hoạt động công tác của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành hữu quan được Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiến hành thường xuyên. Năm qua năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã xem xét, nghiên cứu giám sát 86 văn bản, báo cáo của các cơ quan, tổ chức đảng, chính quyền các cấp; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện đã giám sát nghiên cứu, xem xét 72 văn bản; cấp xã giám sát thông qua nghiên cứu, xem xét 925 văn bản. Giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Các ban thanh tra nhân dân đã tổ chức giám sát được 776 cuộc, kiến nghị thu hồi 4.046m2 đất và 52.200.000 đồng. 

Cùng với giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã từng bước được triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tổ chức 7 hội nghị phản biện; tham gia góp ý 128 văn bản; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện đã tổ chức 38 hội nghị phản biện, tham gia góp ý 199 văn bản; Mặt trận Tổ quốc cấp xã tổ chức 80 hội nghị phản biện; tham gia góp ý 92 văn bản các dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là trong quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020; Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức 923 hội nghị lấy ý kiến của nhân dân với trên 52.000 lượt người tham gia góp ý 635 dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, các dự thảo luật, dự thảo các nghị quyết, chương trình, đề án, dự án của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, các nội dung liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, các văn bản về quản lý và phát triển nguồn nhân lực của địa phương,… qua đó góp phần phát hiện, kiến nghị khắc phục những sai sót, yếu kém; sửa đổi những quy định phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội…

Có thể khẳng định, sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã có những hoạt động thiết thực trong công tác giám sát và phản biện xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, quá trình triển tổ chức thực hiện cho thấy công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là một việc khó; một số tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp xã vẫn còn lúng túng trong tổ chức giám sát và phản biện xã hội; số lượng, chất lượng giám sát và phản biện xã hội chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, một số địa phương trong tỉnh chưa mạnh mẽ và chưa thể hiện đúng, đầy đủ quyền lực giám sát của nhân dân; chưa phát huy sức mạnh tổng hợp các tổ chức thành viên tham gia hoạt động giám sát, hoạt động giám sát chưa thực sự chủ động, có lúc, có nơi còn mang tính hình thức; còn lúng túng trong việc lựa chọn nội dung giám sát, giám sát còn chưa đa dạng, chủ yếu giám sát theo chương trình, kế hoạch định sẵn… Công tác phản biện chưa thực hiện rõ nét, còn thiếu tính chủ động, chất lượng phản biện của Mặt trận Tổ quốc ở một số địa phương (nhất là ở cơ sở) còn thấp; phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc chủ yếu mới chỉ dừng lại ở hình thức góp ý; việc triển khai góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn chậm, chưa tham gia được nhiều ý kiến vào các chương trình, kế hoạch, đề án của cấp ủy, chính quyền…

Nguyên nhân là do một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa đánh giá đầy đủ và đúng đắn về vai trò và tác dụng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Việc tranh thủ ý kiến góp ý, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc đối với dự thảo chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình, dự án của một số cơ quan, tổ chức có thẩm quyền còn hình thức. 

Những chủ trương, quan điểm của Đảng về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp chậm được cụ thể hóa và thể chế hóa, gây khó khăn cho việc hướng dẫn và triển khai thực hiện. Năng lực của một bộ phận cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp chưa theo kịp với yêu cầu; chưa thực sự nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy với công việc. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Thanh tra nhân dân và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư nhiều nơi hoạt động chưa chủ động, thiếu nguồn lực.

Từ những kết quả đạt được và những hạn chế qua thực tiễn hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh trong 5 năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, Mặt trận Tổ quốc phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để vận dụng sáng tạo, sát hợp với điều kiện của tỉnh và cơ sở.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. 

Ba là, xây dựng và thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương.

Bốn là, hằng năm, Mặt trận Tổ quốc các cấp phải chủ động xây dựng kế hoạch giám sát; lựa chọn những nội dung, đơn vị giám sát phù hợp và những cán bộ có đủ năng lực trình độ tham gia giám sát, phản biện theo quy trình, hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Năm là, thường xuyên nâng cao chất lượng, tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về giám sát và phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp, ban thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn… Phát huy hiệu quả hoạt động của các Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, đội ngũ tư vấn trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội. 

Sáu là, định kỳ phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, ngành chức năng tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện Quyết định số 217, 218; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu./.

Lê Quang Toản/ tapchicongsan.org.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất