Tại Quảng Nam, Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) phòng chống bệnh truyền nhiễm đã được phát huy, triển khai rộng khắp, hướng đến tất cả trẻ em đều được tiêm chủng.
|
Tiêm chủng mở rộng đang ngày càng phát huy hiệu quả. Ảnh: TCMR |
Chương trình TCMR quốc gia triển khai trên toàn quốc từ năm 1985, đến nay đã có hàng trăm triệu liều vắc xin được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ có thai để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Theo GAVI, từ chương trình TCMR, bệnh bại liệt đã được thanh toán từ năm 2000; loại trừ uốn ván sơ sinh từ năm 2005; bệnh sởi, rubella, ho gà được khống chế; tỷ lệ tiêm chủng tại Việt Nam đạt và duy trì trên 95%. Hiện nay, hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia với hơn 11.000 điểm chủng tại trạm y tế xã, phường đã quản lý hàng chục triệu đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng. Qua đó giúp ngành y tế, chính quyền các địa phương có thể quản lý chặt chẽ, chính xác đối tượng tiêm chủng, lịch sử tiêm chủng của trẻ suốt đời.
Dự kiến bắt đầu từ năm học 2019 - 2020, các gia đình cần có giấy chứng nhận tiêm chủng đầy đủ cho trẻ nhập học mẫu giáo. Quy định này sẽ thực hiện thí điểm tại Hà Nội vào cuối 2019. Điều này cho thấy tầm quan trọng của vắc xin trong việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng.
Theo ông Trần Văn Kiệm. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) thông tin, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, ngành y tế đã triển khai ở hầu hết địa bàn trong tỉnh về chiến dịch tiêm vắc xin ngừa sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi. Cùng với đó, các loại vắc xin trong chương trình TCMR hằng tháng đều được tổ chức tại 254 điểm tiêm chủng trên toàn tỉnh, đảm bảo đủ vắc xin cung ứng cho đối tượng trẻ dưới 1 tuổi và trên 1 tuổi. Bệnh truyền nhiễm cũng đã giảm đáng kể từ năm 2010 đến nay.
Nhận thức của người dân về vai trò của vắc xin trong việc chăm sóc sức khỏe con em mình cũng như bảo vệ sức khỏe từ cộng đồng đã tăng lên đáng kể. Hiện nay, ở các địa phương miền núi, dù đội ngũ y tế thôn bản còn mỏng nhưng ngành y tế Quảng Nam luôn nỗ lực để trẻ em miền núi không bị sót bất cứ vắc xin nào.
Tuy nhiên, dù có những tín hiệu lạc quan, nhưng TCMR vẫn đang phải đối diện với khá nhiều khó khăn, thách thức. Đơn cử, đội ngũ cán bộ y tế không đảm bảo từ cả đồng bằng đến miền núi cho công tác TCMR, đến việc thiếu kinh phí hoạt động và dây chuyền lạnh trong bảo quản vắc xin, địa hình nhiều đồi núi khiến việc vận động người dân đưa con đi tiêm chủng vẫn còn khá nhiều trắc trở...
Trong thời gian tới ngành y tế còn phải nỗ lực hơn nữa để các cấp ngành, địa phương xem TCMR là một trong những hoạt động ưu tiên. Cùng với đó, phối hợp, kết hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể xã hội, đặc biệt ngành giáo dục và đào tạo, Hội LHPN, Bộ đội Biên phòng... và huy động nguồn kinh phí từ địa phương, các nguồn lực khác trong xã hội, tổ chức đoàn thể và cá nhân trong cộng đồng, sự hưởng ứng tích cực của người dân. Ben cạnh đó, ngành y tế Quảng Nam còn nỗ lực đảm bảo nguồn nhân lực trong tiêm chủng đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Xây dựng mạng lưới và đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để đảm bảo công tác TCMR. Chú trọng tập huấn và tập huấn lại cho cán bộ TCMR. Giám sát trong quá trình triển khai thực hiện luôn đảm bảo 3 yêu cầu cơ bản về chuyên môn: đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng, đảm bảo chất lượng tiêm chủng, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng.
Phạm Sơn