Thứ Tư, 22/1/2025
Hà Nội: Tăng viện phí đi đôi với tăng chất lượng khám, chữa bệnh
Lấy máu xét nghiệm cho người bệnh tại Bệnh viện Tim Hà Nội

Theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT đã chính thức được áp dụng tại 50 bệnh viện thuộc Bộ Y tế. Riêng các bệnh viện tại Hà Nội sẽ thực hiện từ ngày 1-8-2017.

Có ba nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa gồm: giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện. Trong đó, hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng từ hai đến bốn lần so với giá hiện tại. Mức tăng này sẽ là gánh nặng đáng kể với người bệnh không có BHYT phải điều trị nội trú dài ngày.

Ðể chuẩn bị cho việc tăng viện phí tới đây, các bệnh viện thuộc TP Hà Nội đã tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thực hiện quy tắc ứng xử, hướng tới đáp ứng yêu cầu của người bệnh. Tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Giám đốc bệnh viện Nguyễn Ðình Hưng cho rằng, mỗi đợt điều chỉnh viện phí, vấn đề người bệnh quan tâm nhất là chất lượng khám, chữa bệnh phải được nâng cao, tương xứng với chi phí. Cụ thể là khám bệnh đúng, chỉ định đúng, chữa bệnh hiệu quả. Không để tình trạng không cần thiết nhập viện cũng cho người bệnh nhập viện, hay có thể được xuất viện nhưng vẫn giữ lại.

Bệnh viện đa khoa Hà Ðông tăng cường đầu tư trang thiết bị, triển khai kỹ thuật cao, nâng cấp cơ sở vật chất, cải tạo Khoa Khám bệnh, bổ sung ghế ngồi, quạt cho người bệnh. Bệnh viện đã thành lập Tổ Công tác xã hội, tiến tới thành lập Phòng Công tác xã hội nhằm đón tiếp, tư vấn cho người bệnh tận tình, chu đáo ngay từ khi làm thủ tục... Giám đốc bệnh viện Ðào Thiện Tiến cho biết, điều chỉnh giá viện phí sẽ tạo điều kiện cho bệnh viện tái đầu tư và cải thiện chất lượng, phục vụ người bệnh tốt hơn.

Ðề cập việc tăng viện phí có ảnh hưởng đến gánh nặng kinh tế cho người bệnh hay không, theo Giám đốc Bệnh viện Ðống Ða Lê Hưng thì việc điều chỉnh giá không ảnh hưởng đến 84% số người bệnh có BHYT ngoại trú, 91% số người bệnh nội trú tại bệnh viện. Hầu hết người mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính như tiểu đường, tiết niệu, chạy thận nhân tạo…, đều có thẻ BHYT. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người bệnh chưa có BHYT bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, ngộ độc hay các bệnh cấp tính khác phải chi trả 100% chi phí điều trị, trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình. Vì vậy, tăng viện phí cũng là động lực để nhiều người dân tham gia BHYT hơn.

Thống kê tại Hà Nội cho thấy, 82,4% số người dân thành phố đã có thẻ BHYT, trong đó có nhiều người già, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo và cận nghèo, đối tượng thuộc diện chính sách xã hội. 17,6% số người còn lại chưa tham gia BHYT sẽ là đối tượng chịu tác động của việc điều chỉnh giá viện phí lần này. Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết: “Việc tăng giá dịch vụ y tế có thể kiểm soát được, không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của toàn thành phố, cũng như không tạo nên sự biến động quá lớn về thị trường giá cả”.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc điều chỉnh giá viện phí sẽ hướng tới sự bình đẳng về giá, không phân biệt về giá khám, chữa bệnh giữa người có và người không có thẻ BHYT trong cùng một cơ sở y tế. Việc điều chỉnh giá cũng giúp các cơ sở y tế có điều kiện tăng chất lượng dịch vụ do bảo đảm các yếu tố cấu thành giá dịch vụ: thuốc, hóa chất, vật tư y tế được tính đúng, tính đủ. Mặt khác, việc tăng giá lần này cũng phần nào tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, thúc đẩy người dân mua BHYT, tăng độ bao phủ và tiến tới BHYT toàn dân.

Ðại diện Sở Y tế cho biết thêm, để làm hài lòng người bệnh, các bệnh viện sẽ phải thay đổi tư duy từ bao cấp sang tư duy phục vụ, coi người bệnh là những “khách hàng đặc biệt”. Sở Y tế đã yêu cầu tất cả các bệnh viện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại, nâng cấp cơ sở vật chất, cải tạo khoa khám bệnh, cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện cũng đã thành lập Tổ Công tác xã hội, tiến tới thành lập Phòng Công tác xã hội nhằm đón tiếp, tư vấn cho người bệnh tận tình, chu đáo ngay khi đến làm thủ tục khám, chữa bệnh. Nhiều đơn vị cũng đã tập huấn cho toàn bộ cán bộ, nhân viên về quy tắc ứng xử với người bệnh, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Minh Khuê

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi