Thứ Hai, 29/4/2024
Những chuyển biến mạnh mẽ khi Nghị quyết 21 vào cuộc sống
Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị do Ban Kinh tế Trung ương và BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức

Dấu mốc quan trọng 

Ngày 22-11-2012, khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020, đánh dấu mốc quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21 trong hơn 5 năm qua đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực và nhiều thành quả có ý nghĩa, góp phần quan trọng tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. 

Theo đó, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT từng bước được hoàn thiện, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo thuận lợi cho người lao động và người dân được tham gia BHXH, BHYT; đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được mở rộng đến người lao động có hợp đồng lao động từ một tháng trở lên, người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài và người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam; chế độ hưu trí, tử tuất được thiết kế theo hướng tiệm cận với nguyên tắc đóng - hưởng, từng bước hướng đến sự bình đẳng trong thụ hưởng chính sách giữa các nhóm đối tượng. 

Nhận thức của các cấp ủy Đảng, cán bộ, người dân, người lao động về chính sách BHXH, BHYT được nâng lên rõ rệt. Nhiều cấp ủy, chính quyền đã nâng cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác BHXH, BHYT. Nhận thức của xã hội ngày càng đầy đủ hơn quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong tham gia BHXH, BHYT; vai trò ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT đối với sự phát triển và ổn định chính trị - xã hội.

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị do Ban Kinh tế trung ương phối hợp BHXH Việt Nam tổ chức, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, một trong những mục tiêu lớn của Nghị quyết 21 đặt ra là xây dựng hệ thống BHXH hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả. Mục tiêu này đặt ra trách nhiệm rất lớn cho cơ quan BHXH với vai trò là tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Vì vậy, thời gian qua, ngành đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo việc tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ chính trị được giao, đổi mới phương thức hoạt động, từng bước xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân, đơn vị.

Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin được xác định là yếu tố then chốt, đi trước đón đầu, nhằm bảo đảm việc triển khai vận hành các hệ thống phần mềm quản lý, điều hành của ngành BHXH đi vào hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, giảm thời gian, chi phí, thủ tục cho người tham gia, đơn vị và doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH. Ngành BHXH đang xây dựng và sở hữu những hệ thống thông tin lớn như: Hệ thống thông tin giám định BHYT, Hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình, Hệ thống quản lý chi trả, xét duyệt các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam để tiếp nhận các yêu cầu giao dịch điện tử, khai thác thông tin, dữ liệu về BHXH, BHYT của tổ chức, cá nhân... Hiện nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Hệ thống thông tin giám định kết nối hầu hết với cơ sở khám, chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc; đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành hệ thống công nghệ thông tin, Trung tâm Dịch vụ khách hàng, phục vụ tư vấn, giải đáp cho người dân, người lao động. 

Tiếp tục “vào cuộc” mạnh mẽ hơn

Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 21 cho thấy, đây là chủ trương lớn của Đảng, hợp lòng dân, làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức của chính quyền các cấp cũng như của người dân trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải cho rằng, phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện hai chính sách quan trọng này, bởi trên thực tế, không ít các cơ quan, đơn vị vẫn còn thờ ơ, chưa vào cuộc. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền còn coi công tác tuyên truyền là nhiệm vụ của ngành BHXH, dẫn tới một bộ phận người lao động chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của chính sách. Tình trạng trốn, nợ BHXH, BHYT vẫn còn xảy ra. Số người tham gia BHXH còn ở mức thấp so với tiềm năng (cả nước mới có khoảng 25,8% lực lượng lao động tham gia BHXH, 22% tham gia BH thất nghiệp). Một số tỉnh, nhất là các tỉnh vùng Tây Nam Bộ có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp so với mặt bằng chung cả nước.

Vì vậy, theo đồng chí Ngô Đông Hải, để Nghị quyết 21 có sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội thì sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp có vai trò rất quan trọng. Thực tế cho thấy, nơi nào, địa phương nào có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thì chỉ tiêu đạt được đều rất cao; ngược lại, nếu chỉ tập trung vào một số nội dung hoặc thiếu đồng bộ thì kết quả còn nhiều hạn chế. Phải xác định công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách luôn đem đến các tác dụng rõ rệt. Do vậy, công tác này phải được tiến hành thường xuyên, chủ động và kịp thời làm thay đổi hẳn nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người dân. Đồng thời, phải phát triển hệ thống BHXH đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Việc đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHXH phải theo hướng phục vụ nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi và sự hài lòng của đơn vị, người tham gia.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, với những giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT đạt được những kết quả tích cực. Đến thời điểm hết năm 2017, so năm 2012, đối tượng tham gia BHXH tăng mới 3,25 triệu người, bằng 30,8%; đối tượng tham gia BH thất nghiệp cũng tăng nhanh qua các năm, tăng mới 3,5 triệu người, bằng 42,4%; đối tượng tham gia BHYT tăng thêm 20,97 triệu người (so với năm 2012 tăng 35,6%), đạt tỷ lệ 85,6% dân số, vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT toàn dân theo Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018 công bố tháng 10-2017, mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với Báo cáo 2017); trong đó, chỉ số nộp thuế, BHXH xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc); nếu so với các nước ASEAN 4 và ASEAN 6, Việt Nam đứng thứ 4, sau Xin-ga-po (thứ 7/190), Thái-lan (thứ 67/190), Ma-lai-xi-a (thứ 73/190)...

Trương Thanh

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất