Thứ Bảy, 28/12/2024
Minh bạch trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở
 
Định kỳ hàng tháng, ban lãnh đạo Sở Tư pháp tổ chức sinh hoạt Ngày Pháp luật, góp phần nâng cao
chất lượng phát huy quyền làm chủ, động viên tinh thần đoàn kết của cán bộ, công chức, viên chức tại đơn vị
 


Minh bạch trong thực hiện

Thời gian qua, Đảng ủy, lãnh đạo Sở Tư pháp thường xuyên quán triệt CBCCVC thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở. Định kỳ hàng tháng, đơn vị sinh hoạt Ngày Pháp luật với nhiều nội dung, chủ đề. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện QCDC của cơ quan, phát huy quyền làm chủ, động viên tinh thần đoàn kết của CBCCVC trong xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan trong sạch, vững mạnh.

Xác định vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan trong việc triển khai thực hiện, lãnh đạo sở chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt QCDC thông qua tổ chức họp giao ban tuần, tháng, quí, sơ kết đầu năm và tổng kết năm theo quy định; tổ chức đánh giá định kỳ hàng năm đối với CBCCVC thuộc thẩm quyền quản lý, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của CBCCVC, nhất là vào thời điểm đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển CBCCVC.

Lãnh đạo đơn vị phối hợp Công đoàn cơ sở tổ chức hội nghị CBCCVC hàng năm, trên cơ sở đó thống nhất và triển khai nội dung hội nghị nhằm bàn bạc những biện pháp tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác năm; bảo đảm chế độ, chính sách, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của CBCCVC và người lao động, góp phần phát huy quyền dân chủ nội bộ trên tất cả hoạt động, tạo điều kiện cho CBCCVC và người lao động tiếp nhận thông tin đầy đủ về tình hình chính trị, KT-XH, những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước cùng những vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực chuyên môn. Quy chế chi tiêu nội bộ, các chế độ, chính sách tại đơn vị được bảo đảm công khai, minh bạch. Đơn vị thực hiện đúng quy định trong việc tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển,...

Bên cạnh đó, lãnh đạo đơn vị kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải đáp mọi thắc mắc cũng như khó khăn về hoàn cảnh gia đình của CBCCVC, nhất là CBCCVC nữ khi phải luân chuyển xa nhà. Từ đó, giải quyết hài hòa, tạo điều kiện thuận lợi nhất để CBCCVC an tâm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.

Theo Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở - Trần Minh Mẫn, thời gian qua, ban chỉ đạo luôn kịp thời chỉ đạo, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến CBCCVC. Sở đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phản biện, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của CBCCVC và người lao động để việc thực hiện QCDC cơ sở mang lại hiệu quả thiết thực.

Những chuyển biến rõ rệt

Hàng năm, Sở Tư pháp ban hành kế hoạch cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và kế hoạch về tuyên truyền cải cách hành chính. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về rà soát, cắt giảm TTHC, đơn vị tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi “Sáng kiến cải cách TTHC” trên địa bàn tỉnh để tìm ra những sáng kiến, ý tưởng và giải pháp thiết thực, hiệu quả. 9 tháng năm 2017, đơn vị phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành công bố 1.435 TTHC, các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC và quyết định công bố TTHC của các bộ, ngành.

Hiện, toàn tỉnh áp dụng thực hiện 1.749 TTHC. Bên cạnh đó, việc rà soát, đánh giá TTHC theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-BTP, Sở Tư pháp phối hợp 6 sở, ngành tiến hành rà soát các TTHC và tham mưu UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành đơn giản hóa đối với 12 TTHC, ước tính chi phí tiết kiệm khi các phương án được thực thi là 395.807.875 đồng/năm (đạt 29,59%).

Hiện nay, sở có 3 phòng công chứng trực thuộc đơn vị sự nghiệp (Phòng Công chứng số 2, 3 và 4). Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, góp phần tinh giản biên chế sự nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, đơn vị thực hiện xong việc chuyển đổi Phòng Công chứng số 1 thành văn phòng công chứng với tên gọi Văn phòng Công chứng Phạm Thị Hiên, thực hiện theo Đề án được UBND tỉnh phê duyệt và đi vào hoạt động kể từ ngày 01-07-2017. Đây là bước ngoặt quan trọng trong việc thực hiện xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, là điểm nhấn trong việc thực hiện dân chủ cơ sở lĩnh vực tư pháp. Long An là 1 trong 4 tỉnh (Cần Thơ, Lâm Đồng, Vĩnh Long) thực hiện tốt xã hội hóa hoạt động công chứng.

Vừa qua, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo về thực hiện QCDC ở cơ sở và phong trào thi đua Dân vận khéo do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo về thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh - Đỗ Hữu Lâm làm Trưởng đoàn, đến kiểm tra và đánh giá cao việc thực hiện QCDC của Sở Tư pháp.

Ông Đỗ Hữu Lâm đề nghị, tập thể CBCCVC Sở Tư pháp cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về QCDC tại cơ quan, đơn vị, trọng tâm là các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước; thực hiện tốt Nghị định 04 của Chính phủ gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng. Tiếp tục thực hiện tốt cải cách hành chính, công khai, minh bạch các TTHC trực tiếp liên quan đến người dân; tiếp tục đổi mới phong cách làm việc, lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân; tiếp tục tăng cường đối thoại giải quyết các kiến nghị của người dân, góp phần phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện QCDC./.

Nguồn: baolongan.vn, ngày 21/11/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi