Thứ Bảy, 28/12/2024
Đưa Quy chế dân chủ đi vào cuộc sống ở Thạnh Trị
 

Thực hiện tốt Pháp lệnh số 34 mang lại hiệu quả cao trong xây dựng nông thôn mới. 


Theo Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Thạnh Trị Lâm Thol, thời gian qua, Huyện ủy Thạnh Trị luôn xác định việc thực hiện Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp. Từ đó, Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng Pháp lệnh số 34 trong toàn hệ thống chính trị, xây dựng kế hoạch phổ biến Quy chế dân chủ trong cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở, hướng dẫn, thông tin tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, mặt trận và các đoàn thể gắn việc thực hiện Pháp lệnh số 34 với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa nội dung thực hiện Quy chế dân chủ vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch hàng năm để lãnh đạo thực hiện.

Từ năm 2007 đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã triển khai Pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được 7.228 cuộc, có trên 69.000 lượt người dự, trong đó tuyên truyền trong Đảng, chính quyền được 228 cuộc với 8.689 lượt người dự, tuyên truyền đến người dân được 5.430 cuộc, với 38.720 lượt người dự.

Đồng chí Lâm Thol cho biết thêm, qua triển khai, quán triệt Pháp lệnh số 34 đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp về việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương. Từ đó, tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo đó, thực hiện Pháp lệnh số 34, Huyện ủy Thạnh Trị đã quan tâm chỉ đạo các cấp ủy và đảng viên gương mẫu thực hiện tốt các nội dung pháp lệnh, tạo điều kiện để nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Qua đó, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở đã tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại tiếp xúc với dân, giải quyết những vấn đề mà người dân quan tâm; công khai thực hiện dân chủ trong công tác quy hoạch, bố trí cán bộ; tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân theo quy định của Đảng...

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm thực hiện việc công khai 11 nội dung cho nhân dân biết theo quy định của Pháp lệnh số 34 về: quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và dài hạn; dự toán thu - chi ngân sách hàng năm; chủ trương, kế hoạch vay vốn sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ bức xúc về nhà ở, trợ cấp xã hội... thông qua 3 hình thức: niêm yết tại trụ sở HĐND, UBND; công khai trên hệ thống loa phát thanh và thông qua trưởng ban nhân dân ấp.

Cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện còn tích cực phối hợp với mặt trận và các đoàn thể chỉ đạo, hướng dẫn, phân công cán bộ trực tiếp xuống ấp, khu dân cư tổ chức lấy ý kiến trong nhân dân, từ bàn bạc đi đến thống nhất và biểu quyết đối với những nội dung nhân dân bàn và quyết định; tổ chức lấy ý kiến trong nhân dân đối với những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan thẩm quyền quyết định.

Trên cơ sở thực hiện tốt nội dung Pháp lệnh số 34, trong giai đoạn 2007 - 2017, nhân dân trong huyện đã đóng góp cho các cấp thẩm quyền quyết định thực hiện 2.933 công trình các loại với tổng kinh phí trên 41 tỉ đồng, đóng góp ý kiến đầu tư 342km đường giao thông nông thôn, nạo vét 867km kênh thủy lợi nội đồng. Chính quyền các cấp đã vận động nhân dân thành lập 13 hợp tác xã, 336 tổ kinh tế hợp tác và 24 trang trại.

Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Lâm Kiết Kiều Thanh Trung, thực hiện Pháp lệnh số 34, Đảng ủy, UBND xã đã tạo điều kiện cho nhân dân được tham gia bàn bạc và quyết định cụ thể những phần việc, như: xây dựng quy ước ấp; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng ban nhân dân ấp; quyết định mức đóng góp thực hiện các công trình nạo vét kênh thủy lợi nội đồng, sửa chữa đường, cầu giao thông nông thôn... Nhờ đó, từ năm 2007 đến nay, nhân dân trong xã đã đóng góp kinh phí, ngày công lao động, hiến đất, hoa màu với tổng giá trị trên 20 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương. Ngoài ra, thông qua hoạt động ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng và đại biểu HĐND cùng cấp, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền giám sát, đặc biệt là giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bình xét hộ nghèo, hỗ trợ vốn cho hộ nghèo...

Việc thực hiện tốt Pháp lệnh số 34 đã tác động tích cực đến mọi hoạt động trong đời sống kinh tế - xã hội ở các địa phương, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhất là trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Phó Bí thư Huyện ủy Thạnh Trị Võ Hoàng Hận cho biết: “Tiếp tục thực hiện hiệu quả Pháp lệnh số 34, trong thời gian tới, Huyện ủy Thạnh Trị sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong toàn hệ thống chính trị, gắn việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đồng thời, chú trọng phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của hệ thống dân vận, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong huyện”.

Nguồn: baosoctrang.org.vn, ngày 24/11/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi