Cơ sở là nơi diễn ra thực tiễn cuộc sống, vừa là xuất phát điểm các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; vừa là nơi thực hiện, thẩm định công tác quản lý nhà nước hiệu quả nhất. Do vậy, thực hành dân chủ ở cơ sở được cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang (Hà Giang) xác định là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết các vấn đề KT-XH, nhằm thực hiện một chính quyền của dân, do dân và vì dân.
|
Thực hành dân chủ ở cơ sở góp phần động viên nhân dân tích cực
tham gia các chương trình phát triển KT-XH. Trong ảnh: Nuôi lợn, giúp gia đình
ông Nguyễn Bá Quyết, thôn Ngần Trung, xã Tân Thành có thu nhập ổn định. |
Xuất phát từ ý nghĩa trên, Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) các cấp trên địa bàn huyện luôn chú trọng chỉ đạo, tổ chức thực hiện phổ biến, quán triệt, triển khai các văn bản liên quan đến việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với cơ quan hữu quan tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tham gia học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và HĐND các cấp liên quan đến việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn còn xây dựng chương trình, kế hoạch tự kiểm tra việc xây dựng, thực hiện QCDC ở thôn, tổ dân phố. Phân công thành viên trong BCĐ thực hiện QCDC giám sát những việc cần niêm yết công khai ở cơ sở để người dân được biết, được bàn và quyết định trực tiếp đến những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định…
Từ đầu năm 2018 đến nay, qua kiểm tra thực hiện QCDC ở xã, thị trấn của BCĐ thực hiện QCDC huyện Bắc Quang cho thấy: 98% nhân dân được bàn, biểu quyết đối với các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KT - XH mà nghị quyết HĐND các cấp đề ra, hay cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư ứng trước có thu hồi theo Đề án “Thôn Tự chủ - Tự quản” của huyện...; trên 97% nhân dân được tham gia ý kiến đóng góp vào dự thảo nghị quyết của các cấp uỷ, chính quyền; dự thảo chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH ở địa phương. Cùng đó, 100% người dân được thông qua, bàn bạc, quyết định trực tiếp trước khi tổ chức triển khai thực hiện việc huy động, lồng nghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng Nông thôn mới (NTM), xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng trường học... Công tác tiếp dân, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân đã trở thành việc làm thường xuyên. Những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân cơ bản được giải quyết kịp thời. Qua đó, góp phần thực hiện tốt QCDC ở cơ sở theo hướng gần dân, trọng dân, vì lợi ích của dân.
Cùng với kết quả trên, việc thực hiện Pháp lệnh số 34, ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực phát triển KT - XH ở Bắc Quang và xuất hiện nhiều điển hình trong các phong trào thi đua lao động, sản xuất như: Xã Việt Vinh, Vĩnh Hảo phát huy hiệu quả vai trò chủ thể của nhân dân tham gia xây dựng NTM; nhằm đạt mục tiêu “cán đích” NTM trong năm 2018. Hợp tác xã (HTX) Thanh niên 279, xã Liên Hiệp thực hiện tốt việc cải tạo ao, hồ nuôi cá giống, xây dựng hệ thống chuồng trại, chăn nuôi lợn, gia cầm...; HTX Hùng Tâm (xã Hùng An) thực hiện hiệu quả việc ứng dụng sản xuất rau công nghệ cao trong nhà lưới..., hoặc đoàn viên Trương Văn Đồng (xã Đồng Tâm) mạnh dạn tiếp cận nguồn vay ưu đãi của huyện để mua trâu, mở rộng chuồng trai, thâm canh vườn cam nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống... Đặc biệt, việc thực hiện QCDC đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân để góp sức hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Tính đến thời điểm đầu tháng 9, trong tổng số 68 chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2018, huyện Bắc Quang có đến 20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 17 chỉ tiêu đạt từ trên 50 – 90%, 3 chỉ tiêu đạt dưới 50%, 4 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch; 24 chỉ tiêu đánh giá cuối năm. Nổi bật trong đó, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch, lên đến trên 200%, như: Thành lập mới HTX theo Luật hiện hành; diện tích sản xuất cam theo quy trình VietGAP; tỷ lệ lao động được tạo việc làm mới…
Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đã trở thành “chất keo” gắn kết, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang. Trên cơ sở đó, không chỉ tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc, còn tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội; từng bước tạo diện mạo mới trên lộ trình phát triển bền vững tại vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh.
Thu Phương/ baohagiang.vn