Để thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở nói chung và Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc nói riêng, với mục tiêu cao nhất bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, từ đầu năm 2018 đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Ninh Bình đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, qua đó mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
|
Thành phố Tam Điệp tổ chức hội nghị giao ban cụm và đối thoại giữa
lãnh đạo thành phố với Bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phòng phường:
Nam Sơn, Tây Sơn và xã Quang Sơn. Ảnh: Trường Giang
|
Cấp ủy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập quán triệt, triển khai, xây dựng Chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; tổ chức học tập chuyên đề “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2018; triển khai chủ đề của Tỉnh ủy “Nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ; xây dựng phong cách, tác phong công tác quần chúng, dân chủ, nói đi đôi với làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu”; sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị; triển khai thực hiện, sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh theo kế hoạch...
Các cấp chính quyền chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; tích cực xúc tiến thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ các dự án, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khai thác tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường. Chỉ đạo sản xuất vụ đông, tích cực phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; chủ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới. Quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp; hoàn thành việc bố trí, sắp xếp số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã theo đúng quy định. Chú trọng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, công tác đối ngoại, công tác tiếp dân, tập trung giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Qua đó, góp phần tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận của xã hội; phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền.
Kết quả nổi bật trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của tỉnh trong thời gian qua là các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, ngày 19/6/2013 của Chính phủ về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đến người sử dụng lao động và người lao động trong tỉnh. Việc đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong doanh nghiệp đã góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, dân chủ và tiến bộ. Vì vậy, công tác tuyên truyền thực hiện Nghị định số 60 của Chính phủ đối với người sử dụng lao động cũng được triển khai sâu rộng trong các doanh nghiệp. Tính đến tháng 6/2018, trên địa bàn tỉnh có 2.284 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 78 doanh nghiệp có tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh, với trên 3.300 đảng viên; 47 doanh nghiệp có tổ chức cơ sở đảng trực thuộc cấp ủy cấp huyện và cấp ủy cấp xã, với 1.158 đảng viên; có 230 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, với 45.258 đoàn viên; có 75 doanh nghiệp có tổ chức đoàn thanh niên với trên 5.500 đoàn viên. Đáng ghi nhận là với số lượng doanh nghiệp lớn như vậy nhưng hầu hết người sử dụng lao động đều nhận thức và hiểu rõ được trách nhiệm của mình trong việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Điều đó được thể hiện ở con số đến ngày 30/4/2018, đã có 129/230 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động. Nội dung hội nghị người lao động đã bám sát Nghị định số 60 của Chính phủ, Hướng dẫn số 1755 và Hướng dẫn số 1499 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chất vấn các nội dung có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng lao động; tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thỏa ước lao động tập thể; nội quy, quy chế và các cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc. Có 142/230 doanh nghiệp (đạt 62,1%) đã sửa đổi, bổ sung, ký kết mới Thỏa ước lao động tập thể phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Đa số nội dung các Thỏa ước lao động tập thể ngắn gọn, tập trung vào những nội dung có lợi hơn cho người lao động như: Chế độ phúc lợi tập thể, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, chế độ BHXH, BHYT, chế độ tiền lương, tiền thưởng, cải thiện điều kiện làm việc, một số chế độ đối với lao động nữ, ăn ca...
ở một số doanh nghiệp, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở đã xây dựng Quy chế phối hợp với Ban Giám đốc doanh nghiệp, nhằm động viên, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Một số doanh nghiệp đã thành lập nhóm biên soạn Quy chế đối thoại định kỳ, đối thoại đột xuất theo quy định tại doanh nghiệp. Định kỳ, Ban giám đốc và Ban chấp hành Công đoàn tổ chức đối thoại trực tiếp, trả lời chất vấn và giải đáp kiến nghị của người lao động, cùng nhau tháo gỡ khó khăn. Thông qua đối thoại, quyền dân chủ của đoàn viên và người lao động được phát huy; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm, từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động...
Thực tế việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc những năm qua cho thấy, nơi nào mà tổ chức Đảng, Công đoàn quan tâm, chăm lo tốt đời sống cho người lao động, tổ chức tốt các hội nghị công nhân viên chức và người lao động, các cuộc đối thoại với người lao động thì chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh ở nơi đó cao, không nảy sinh các tranh chấp lao động. Vì vậy, để việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đạt hiệu quả thực chất, các cấp ủy, tổ chức đảng cần lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn nữa các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh về xây dựng Đảng, thực hiện quy chế dân chủ, phát triển KT-XH. Trong đó tiếp tục thực hiện tốt việc đối thoại với nhân dân theo nội dung Quyết định số 1248 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08 và Kế hoạch số 50 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường xây dựng và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020”.
Xuân Trường/ baoninhbinh.org.vn