Thứ Năm, 25/4/2024
Quảng Ninh: Phát huy mạnh mẽ quy chế dân chủ ở cơ sở

Thời gian qua, việc phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở luôn được tỉnh quan tâm triển khai sâu rộng, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Nổi bật, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 120, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 05-CT/TU về “Tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”; đồng thời chỉ đạo, phổ biến, quán triệt sâu rộng các nội dung của Kết luận đến tất cả các chi, đảng bộ và cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.

 
 Lãnh đạo Cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối MTTQ và các đoàn thể giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức phường Nam Hòa (TX Quảng Yên).

 

Căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị trực thuộc tỉnh đều đã chủ động ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai Kết luận 120 về tăng cường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và đạt kết quả tích cực. Nổi bật, những nội dung cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, giám sát đã được các cơ quan hành chính Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện khá nghiêm túc. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị; thường xuyên lắng nghe, tạo điều kiện để CBCCVC tham gia đóng góp ý kiến vào các hoạt động của cơ quan, đơn vị; công tác nhận xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, xét khen thưởng, kỷ luật được thực hiện đảm bảo theo quy định, tạo điều kiện để CBCCVC yên tâm tham gia công tác và phấn đấu...

Công tác tiếp xúc, đối thoại với công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được các cấp, ngành, các địa phương được quan tâm, triển khai thực hiện. Đến nay, 14/14 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã ban hành quy chế tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân và thường xuyên tổ chức tiếp xúc, giao ban, đối thoại với nhân dân. Riêng trong năm 2017, UBND tỉnh đã tổ chức được 30 cuộc đối thoại liên quan đến những vấn đề nhân dân quan tâm. Qua đó, đã góp phần hạn chế thấp nhất việc phát sinh điểm nóng, khiếu kiện đông người, vượt cấp.

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc cũng đã được người sử dụng lao động quan tâm triển khai, với nhiều hình thức phù hợp. Người lao động được tham gia đóng góp ý kiến vào xây dựng nội quy, quy chế, giải pháp nâng cao năng suất lao động, thỏa ước lao động. Đến nay đã có 86,8% doanh nghiệp, tổ chức công đoàn xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở, 72,8% doanh nghiệp xây dựng quy chế tổ chức hội nghị lao động. 3 năm qua, các cấp công đoàn đã tổ chức được 1.673 cuộc đối thoại định kỳ, 63 cuộc đối thoại đột xuất...

Song song với các nhiệm vụ trên, công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ tại các địa phương, cơ quan, đơn vị cũng được các cấp ủy quan tâm triển khai. Nổi bật, từ năm 2017 đến nay, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã thành lập 9 đoàn, thực hiện giám sát tại 11 Trung tâm Hành chính công cấp huyện và 98 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã. Ban Thường trực MTTQ tỉnh thành lập 2 đoàn giám sát liên ngành tiến hành giám sát việc thực hiện quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm tại 12 huyện, thị xã, thành phố…

Với những giải pháp quyết liệt, phù hợp, sau gần 3 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị, nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ, cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng nhận thức rõ hơn về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân trong thực hiện quy chế dân chủ.

Đặc biệt, việc thực hiện quy chế dân chủ đã thực sự phát huy quyền làm chủ của cán bộ, đảng viên, nhân dân, trở thành động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững ổn định an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Nổi bật, trong năm 2017, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 10,2%; GRDP bình quân đầu người đạt 4.528 USD/năm, tăng 11% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 38.597 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,14%; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (Par index) của tỉnh vươn lên đứng thứ Nhất toàn quốc.

Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường. Việc thực hiện Đề án 25 của tỉnh về “Đổi mới phương thức lãnh đạo; sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế” được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ cao. Tỷ lệ cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh hàng năm đạt cao. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí được thực hiện tốt. Phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được đẩy mạnh.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Quảng Ninh xác định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt thực hiện Kết luận 12 của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ cở”. Đồng thời, tỉnh cũng coi đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương và của cán bộ, đảng viên.

Nguồn: baoquangninh.vn, 30/8/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất