Ngắm cánh đồng rộng hơn 30 ha vừa hoàn thành sau dồn đổi, Bí thư Chi bộ thôn Đức Giang, xã Đông Phú (Lục Nam) Nguyễn Văn Quang phấn khởi nói: "Trước đây, ruộng đất manh mún, bờ vùng bờ thửa nhỏ nên nhân dân đi lại rất vất vả. Năm ngoái, khi được xã chọn làm điểm thực hiện dồn điền đổi thửa, cấp ủy, Ban quản lý thôn biết đây là việc khó, sẽ có nhiều ý kiến trái chiều nên đưa ra bàn bạc công khai với các hộ dân, tích cực vận động các gia đình ủng hộ chủ trương dồn đổi ruộng, quy hoạch lại đường nội đồng, kênh mương. Những thắc mắc, đề xuất của bà con được tiếp thu, giải đáp. Vì vậy, thôn có sự đồng thuận cao, không để xảy ra khiếu nại".
Để bê tông hóa 900 m đường làng, thôn Hai Mới, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) cần hơn 470 triệu đồng. Thôn có 125 hộ với 510 nhân khẩu, nếu chia trung bình, mỗi hộ phải đóng góp gần 4 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ bởi đa số hộ dân kinh tế chưa khá giả. Với mục tiêu tuyên truyền cho bà con hiểu được lợi ích của việc làm đường, từ đó đồng thuận về chủ trương và tích cực tham gia đóng góp ủng hộ, các thành viên Tổ dân vận của thôn đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, kiên trì thuyết phục. Kết quả, thôn đã vận động nhân dân đóng góp gần 300 triệu đồng, đủ kinh phí làm mới 600 m đường. Số còn lại thôn đang tiếp tục vận động, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Kinh nghiệm của thôn Hai Mới trong huy động sức dân là hạch toán chi phí làm đường công khai, minh bạch. Mỗi phần việc đều được ghi rõ nội dung thu, chi để thông báo trong các cuộc họp thôn. Người dân thấy kinh phí sử dụng đúng mục đích nên tự nguyện góp công, góp của làm đường.
Tại huyện Lạng Giang, thực hiện QCDC ở cơ sở, người dân được tạo điều kiện thuận lợi bày tỏ chính kiến, trực tiếp bàn bạc, quyết định nhiều vấn đề quan trọng ở nơi cư trú. Đơn cử như trong đợt bầu cử trưởng, phó thôn nhiệm kỳ 2018 - 2021 vừa qua, Ban quản lý và Ban công tác mặt trận các thôn trên địa bàn huyện đã tuân thủ đúng quy trình bầu cử, bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Ngay từ khâu giới thiệu người ứng cử, một số đồng chí năng lực yếu, uy tín thấp đã bị loại. Nhờ làm tốt công tác nhân sự nên toàn huyện có 272/284 thôn bầu thành công trưởng, phó thôn ngay từ lần thứ nhất.
Đề cao trách nhiệm của chính quyền
Theo Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC tỉnh, hiện nay 100% xã, phường, thị trấn xây dựng được văn bản cụ thể hóa những nội dung phải công khai ở địa phương mình. Quá trình triển khai, căn cứ thực tiễn, các địa phương thường xuyên mở rộng những hình thức dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân như: Phương án bồi thường giải phóng mặt bằng; quy hoạch sử dụng đất; quản lý, sử dụng các loại quỹ... đều được công khai để dân biết; tạo điều kiện để người dân được bàn bạc và quyết định trực tiếp nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc đóng góp, xây dựng công trình phúc lợi tại địa bàn.
Đối với những nội dung cần thông báo, các địa phương chỉ đạo cơ sở thực hiện nghiêm túc. UBND các xã, thị trấn công khai 11/11 nội dung theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cấp xã còn phát huy tốt vai trò của Ban giám sát đầu tư cộng đồng. 6 tháng qua, Ban giám sát tại các xã, thị trấn đã giám sát gần 200 công trình, phát hiện kiến nghị xử lý 17 vụ việc vi phạm, thu hồi số tiền hàng chục triệu đồng. Nhờ vậy, tạo được niềm tin và huy động được nguồn lực lớn trong dân, nhất là trong xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo QCDC tỉnh cho biết: Thời gian tới, Ban Chỉ đạo sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Trong đó tập trung việc kiểm tra theo chuyên đề, lĩnh vực. Mặt khác duy trì hoạt động tổ chức đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân để nắm bắt tâm tư và có biện pháp giải quyết phù hợp những vấn đề phát sinh. Phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội trong giám sát, phản biện xã hội nhằm bảo đảm QCDC được thực hiện hiệu quả, thực chất./.
Nguồn: baobacgiang.com.vn, ngày 25/7/2018