Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định việc xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo và quyền làm chủ thực sự của người dân. Qua đó, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh.
|
Ngư dân TX Quảng Yên tọa đàm, trao đổi về trách nhiệm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. |
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp chuyển mạnh theo hướng cụ thể, gần dân, vì dân phục vụ công khai, minh bạch; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở thông qua việc ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch các nội đung theo quy định; tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, tổ chức, CBCCVC, người lao động và người dân.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị cũng thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, tiếp thu, lắng nghe ý kiến góp ý của nhân dân; thực hiện công tác tiếp dân theo quy định. Các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân đều được giải quyết kịp thời và dứt điểm ngay từ cơ sở, góp phần hạn chế tới mức thấp nhất việc phát sinh điểm nóng, khiếu kiện đông người, vượt cấp kéo dài.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm trong xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, HĐND các cấp đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, tổ chức tốt các kỳ họp, quyết nghị ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, tổ chức tiếp xúc cử tri theo hướng chuyên đề, nhóm đối tượng. Các kiến nghị bức thiết của cử tri được lãnh đạo trực tiếp xuống địa bàn để tiếp xúc, nghe phản ánh, giải quyết. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, khảo sát thường xuyên, đột xuất, tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các nghị quyết quan trọng, những vấn đề được dư luận, cử tri, nhân dân quan tâm, việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Các cơ quan nội chính cũng tăng cường kiểm tra, thanh tra, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện nghiêm xét xử tranh tụng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Các cơ quan tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; đẩy mạnh thực hiện tranh tụng, coi trọng quyền lợi của tổ chức, cá nhân. 3 năm qua, Viện Kiểm sát tỉnh đã kiểm sát điều tra tổng số 375 vụ/1.294 bị can; truy tố 294 vụ/857 bị can (đạt tỷ lệ 90%); kiểm sát xét xử 292 vụ/934 bị cáo (đạt tỷ lệ 85%). Các trường hợp truy tố, xét xử đều đảm bảo công khai, dân chủ, đúng pháp luật, đúng người, đúng tội; không có trường hợp nào bị bắt giam, truy tố oan; không có trường hợp nào Viện kiểm sát truy tố tòa án tuyên không phạm tội.
Song song với đó, các cơ quan nhà nước các cấp đã chú trọng chỉ đạo việc xây dựng, ban hành, sửa đổi, thay thế các văn bản quản lý liên quan đến việc phát huy quyền làm chủ của CBCCVC, người lao động và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan, bảo đảm nhân dân tham gia quản lý xã hội, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, CBCCVC. Nhiều cơ quan nhà nước thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý điều hành, các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới; công tác giải phóng mặt bằng để triển khai chương trình, dự án; tài chính, chi tiêu trong nội bộ cơ quan; công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, nâng lương, đề bạt, bổ nhiệm, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức... UBND các xã, phường, thị trấn đã thực hiện tốt việc công khai những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp tới nhân dân thông qua việc niêm yết công khai tại trụ sở của xã, của thôn, trên hệ thống truyền thanh của các thôn, khu, các cuộc họp của khu dân cư...
Cùng với đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cũng nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Thông qua việc tuyên truyền, MTTQ và các tổ chức đã vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nêu cao tinh thần làm chủ, tích cực tự giác, chủ động phát huy quyền làm chủ của mình, nỗ lực vươn lên. Đồng thời, tích cực bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, của nhà nước, của doanh nghiệp…
Nhờ sự nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ công chức, nhân dân mà việc thực hiện QCDC ở từng loại hình cơ sở có nhiều tiến bộ. Qua đó, đã phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; dân chủ trong sinh hoạt Đảng, trong quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước các cấp không ngừng được phát huy. Bầu không khí dân chủ trong xã hội, trong sinh hoạt cộng đồng dân cư được mở rộng, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Hà Chi/ baoquangninh.com.vn