Thứ Bảy, 28/12/2024
Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập ở Đắk Nông

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Nông, hằng năm, 100% cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức hội nghị cán bộ, công chức. Qua theo dõi, tổng hợp báo cáo, phần lớn hội nghị cán bộ, công chức các đơn vị được tiến hành với các nội dung: Báo cáo hoạt động cơ quan (tóm tắt từ báo cáo chuyên môn của đơn vị); báo cáo hoạt động công đoàn; báo cáo hoạt động của ban thanh tra nhân dân (hầu như không có hoạt động gì đáng kể), báo cáo công khai chi tiêu kinh phí (chủ yếu là thu, chi những mục lớn).

Từ thực tế hội nghị cán bộ, công chức, đối chiếu nội dung và yêu cầu của Nghị định số 04 thì hội nghị cán bộ, công chức các đơn vị phần lớn chưa đạt yêu cầu. Cụ thể, chưa kiểm điểm việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước liên quan đến chức năng, nhiệm vụ cơ quan, đơn vị; chưa kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức trước đó và những quy định về thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan, đơn vị, nhất là chưa đánh giá, tổng kết và kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện kế hoạch công tác hằng năm…

Để thực hiện tốt Nghị định số 04, nhất là thực hiện đầy đủ dân chủ ở cơ sở, cần thực hiện một số nội dung, trong đó đối với tổ chức đảng, cần nhận thức đầy đủ Nghị định số 04, chỉ đạo chuyên môn quán triệt sâu sắc trong cán bộ, công chức và người lao động về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; mục đích thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; về yêu cầu thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan, đơn vị; trách nhiệm của người đứng đầu; trách nhiệm của cán bộ, công chức; những việc phải công khai; hình thức và thời gian công khai; những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến; những việc giám sát, kiểm tra; hình thức giám sát, kiểm tra...

Đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cần nhận thức sâu sắc Nghị định số 04, coi đây là nội dung bắt buộc trong chương trình công tác của mình; đồng thời phối hợp với tổ chức công đoàn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nội dung, bảo đảm chất lượng, tránh hình thức hoặc dân chủ giả tạo. Việc tiếp thu ý kiến góp ý của cán bộ, công chức, người lao động phải có thái độ bình tĩnh, ghi nhận đầy đủ, với tinh thần dân chủ, bình đẳng và cầu thị. Cùng với thực hiện công khai, dân chủ trong quản lý, điều hành hoạt động cơ quan, đơn vị, trong quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức thì cần thực hiện chế độ giao ban định kỳ; tổ chức đánh giá tổng kết hoạt động cơ quan, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền; công khai kinh phí hoạt động hằng năm…

Đối với cán bộ, công chức, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện các quy định về nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp, quy tắc ứng xử, nguyên tắc trong hoạt động nghề nghiệp và những việc không được làm theo quy định của pháp luật; thực hiện tự phê bình và phê bình, tích cực đóng góp ý kiến để xây dựng nội bộ cơ quan, đơn vị với tinh thần xây dựng, chân thành, vì tập thể, vì mọi người.

Việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị bảo đảm cho đơn vị ngày càng trong sạch, vững mạnh; mặt khác, để cán bộ, công chức, viên chức, lao động phát huy đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của mình, nhất là người đứng đầu theo chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trọng Nhương/ baodaknong.org.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi