Thứ Bảy, 28/12/2024
Một số kết quả chủ yếu trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp

Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tập trung xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quốc phòng, an ninh, tổ chức bộ máy nhà nước, nhằm tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013. Tại các kỳ họp thứ 3,4,5 Quốc hội khóa XIV đã xem xét thông qua 25 luật, 19 nghị quyết và cho ý kiến vào 23 dự án luật, trong đó có một số luật liên quan trực tiếp đến người dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.


 Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Tố cáo (sửa đổi)

Quốc hội cũng đã tích cực đổi mới nội dung và hình thức giám sát; đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”; đổi mới hoạt động chất vấn, tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn, hỏi nhanh, đáp gọn, không khí thảo luận, tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, làm rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, thể hiện sự chuyển biến từng bước của Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận với số lượt tranh luận tăng đáng kể; nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri và giám sát việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Những vấn đề quan trọng, liên quan đến quốc kế, dân sinh, được Quốc hội lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân trước khi xem xét, quyết định, tạo được sự đồng thuận, góp phần mở rộng dân chủ trong sinh hoạt chính trị, xã hội.

Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu thể chế hóa nội dung thực hiện dân chủ trong Hiến pháp năm 2013, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Chỉ thị số 30-CT/TW vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách của ngành, lĩnh vực quản lý; chủ động rà soát và đề xuất việc bổ sung, sửa đổi, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát huy quyền làm chủ của người dân, nhất là các quyền đã được hiến định; nghiên cứu thể chế hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Trong 02 năm (2016-2017) và 6 tháng đầu năm 2018, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 33 dự án luật, đã ban hành 289 nghị định hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, đặc biệt đã ban hành 63 nghị quyết để điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội. Chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động quyết liệt với nền hành chính hiện đại, phục vụ nhân dân; gắn việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng, các Phó Thủ tướng với doanh nghiệp, nông dân, công nhân để lắng nghe và xử lý các kiến nghị, vướng mắc, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ đạo, triển khai Chương trình phối hợp giữa Chính phủ với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, tích cực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tham gia giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, cơ quan và chính quyền địa phương.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị; Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Nghị định của Chính phủ về thực hiện dân chủ ở cơ sở; gắn chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Một số tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản để cụ thể hóa các chủ trương của cấp ủy về việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; ban hành quy chế, quy định thực hiện dân chủ trong triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhiều tỉnh, thành phố đã tổng kết chương trình phối hợp về công tác dân vận giai đoạn 2011-2015 và ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2017-2021 giữa Ban Dân vận tỉnh ủy, thành ủy và Ban cán sự đảng UBND tỉnh, thành phố về thực hiện công tác dân vận, ban hành văn bản triển khai “Năm dân vận chính quyền ” 2018, trong đó có nội dung về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Chính quyền các cấp đã phối hợp với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động, hướng dẫn đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân thực hiện nghĩa vụ công dân, tham gia giám sát, góp ý xây dựng các chương trình kinh tế - xã hội; tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, thi đua “Dân vận khéo”… Quan tâm nhân rộng các mô hình, điển hình thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Các cơ quan tư pháp đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành; tiếp tục cụ thể hóa thành các quy chế, quy định, đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Việc thực hiện dân chủ trong các cơ quan tư pháp được quan tâm; công tác cán bộ, công tác tài chính đảm bảo dân chủ, khách quan, minh bạch; công tác hành chính tư pháp, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và giải quyết mối quan hệ với công dân, tổ chức đảm bảo dân chủ, công khai, đúng pháp luật. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn liền với cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính tư pháp, góp phần tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, công dân thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Điển hình, sau khi Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, đã có gần 3.000 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án được đăng tải trên Trang thông tin điện tử, công bố bản án, quyết định của Tòa án, tổng lượng truy cập gần 500.000 lượt và đã có 185 ý kiến bình luận, góp ý đối với 302 bản án./.

Trung Kiên

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi