Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, Huyện ủy, UBND huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở triển khai các giải pháp gắn thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
|
Ý kiến đóng góp của người dân xã Bồ Lý (Tam Đảo) luôn được chính quyền cơ sở lắng nghe.
Ảnh Trường Khanh
|
Từ đầu năm đến nay, tình hình KT-XH trên địa bàn huyện Tam Đảo chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Tổng giá trị sản xuất tăng hơn 10% so với cùng kỳ; thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 630 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 40 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6%; công tác an sinh xã hội được quan tâm;quân sự, quốc phòng được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo... Có được kết quả đó là nhờ sự vận dụng sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền huyện Tam Đảo trong việc lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, nhân dân thực hiện có hiệu quả QCDC gắn với nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH ở địa phương.
Đồng chí Vũ Quang Tuấn, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Tam Đảo cho biết: Để thực hiện QCDC đạt hiệu quả cao, ngay từ đầu năm, các cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC cơ sở tới toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn; kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
Hàng tháng, Đảng ủy, chính quyền xã, thị trấn tổ chức giao ban với các Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân vận, Trưởng Ban Công tác mặt trận để nắm bắt thông tin hai chiều về tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, nhân dân cũng như thống nhất chủ trương, biện pháp giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh ngay từ cơ sở như: Vận động nhân dân hiến đất, góp công làm đường GTNT, giao thông nội đồng; giám sát việc thực hiện dân chủ trong Đảng, trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ… đảm bảo công khai, minh bạch. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của các cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Thông qua các kỳ họp HĐND, UBND, qua hệ thống loa truyền thanh, việc niêm yết tại trụ sở UBND, họp dân, qua tiếp xúc cử tri… các cấp ủy, chính quyền kịp thời công khai minh bạch để nhân dân biết về Kế hoạch phát KT-XH, dự toán, quyết toán thu chi ngân sách hàng năm, bồi thường giải phóng mặt bằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các loại quỹ theo quy định về mức thuế, phí, lệ phí, các nghĩa vụ của công dân, các khoản huy động nhân dân đóng góp, kết quả bình xét hộ nghèo; danh sách nguồn thanh niên sẵn sàng tham gia nhập ngũ, diện miễn, hoãn...
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, các xã, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia thảo luận, bàn bạc và tự quyết định trực tiếp về mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi xã; xây dựng hương ước, quy ước làng văn hóa; quỹ khuyến học… Nhờ đó, nhận thức và sự đồng thuận của nhân dân được nâng lên rõ rệt, cùng góp công, góp sức với cấp ủy, chính quyền hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nổi bật là trong xây dựng NTM, để đảm bảo dân chủ, các địa phương trên địa bàn huyện đã tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng NTM; tổ chức các cuộc họp để nhân dân trực tiếp nghe, bàn bạc và tham gia đóng góp ý kiến, thống nhất các phương án thực hiện… Nhờ vậy, đến nay, toàn huyện đã có 7/8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Tam Quan là một trong những xã được đánh giá thực hiện tốt QCDC trong xây dựng NTM. Đồng chí Dương Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan cho biết: Để hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM theo đúng kế hoạch đề ra, các phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; kinh phí đầu tư xây dựng, các khoản thu, chi; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết... đều được niêm yết công khai, minh bạch tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn và được tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thôn.
Công tác quy hoạch NTM, lựa chọn các công trình và hình thức tổ chức xây dựng… đều được xã tổ chức lấy ý kiến của nhân dân ở các thôn, xóm và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng, tham gia ý kiến đóng góp của nhân dân. Nhờ phát huy dân chủ trong xây dựng NTM, nhân dân trong xã đã đóng góp được hơn 420 triệu đồng, tự nguyện hiến được hơn 5.200m2 đất các loại, gần 2 nghìn ngày công, vật tư…
Cùng với Tam Quan, các xã, thị trấn của huyện Tam Đảo đã tạo điều kiện cho nhân dân giám sát, kiểm tra hoạt động của HĐND, UBND, kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND, năng lực hoạt động và phẩm chất đạo đức của Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, đại biểu HĐND, đội ngũ cán bộ công chức đang hoạt động tại cơ sở. Thông qua hoạt động thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư cộng đồng và hòa giải ở cơ sở, những kiến nghị, đóng góp của nhân dân với chính quyền địa phương đã được Ủy ban MTTQ các cấp tiếp nhận và xem xét, giải quyết.
UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là giải quyết kịp thời những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân ngay từ cơ sở, hạn chế đơn thư vượt cấp, phát sinh “điểm nóng”.
Có thể nói, việc triển khai thực hiện QCDC cơ sở trên địa bàn huyện Tam Đảo chuyển biến tích cực ở các lĩnh vực đã góp phần khắc phục tình trạng quan liêu, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Lê Thảo/ baovinhphuc.com.vn