Thứ Năm, 26/12/2024
Hải Dương: Kinh nghiệm vận động nhân dân đồng thuận sáp nhập thôn, khu dân cư

 Ông Nguyễn Trọng Bích (bên trái ảnh), Trưởng thôn Trại Như, xã Bình Xuyên (Bình Giang)
đến từng nhà vận động nhân dân về chủ trương sáp nhập thôn, khu dân cư

Với quyết tâm chính trị cao và nhận thức rõ tầm quan trọng của việc vận động nhân dân, một số địa phương trong tỉnh Hải Dương đã tiến hành nghiêm túc, hiệu quả, tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân về chủ trương sáp nhập các thôn, khu dân cư (KDC) có quy mô dân số nhỏ.

Có trên 85% nhân dân các thôn, KDC trong diện sáp nhập đồng thuận, Thanh Miện là một trong số ít huyện có tỷ lệ nhân dân đồng thuận cao với việc thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập thôn, KDC. Huyện chỉ có 9 thôn thuộc 6 xã trong diện sáp nhập nhưng khó khăn đặt ra không phải ít. Ví dụ như các thôn sáp nhập cách xa nhau đến 2 km; một số thôn có đủ nhà văn hóa, nhưng sau sáp nhập sẽ không đủ diện tích để tổ chức sinh hoạt… Song khó khăn lớn nhất được xác định chính là tư tưởng của nhân dân không muốn có xáo trộn, không muốn đổi tên, sợ mất tên thôn, làng.

Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện mở rộng, Huyện ủy Thanh Miện xác định tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương sắp xếp, sáp nhập thôn, KDC là nhiệm vụ trọng tâm và giao trách nhiệm cho người đứng đầu các xã có thôn sáp nhập. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy trực tiếp theo sát các xã, giao cho các hội, đoàn thể cùng tham gia làm kỹ từng bước tuyên truyền tới nhân dân. Sau khi tuyên truyền đồng bộ qua nhiều kênh, đại diện cấp ủy cơ sở cùng các hội, đoàn thể đến từng nhà giải thích, vận động nhân dân. Khi người dân thực sự hiểu rõ, đồng thuận mới lấy ý kiến. Đối với những cử tri vắng nhà, xã thông báo mời về và tuyên truyền kỹ lưỡng. Sát sao và quyết tâm, Thanh Miện đã hoàn thành đúng kế hoạch thực hiện đề án. Các xã có thôn sáp nhập đã tổng hợp xong báo cáo, thông qua kỳ họp HĐND các xã dịp cuối năm; tập hợp báo cáo tỉnh.

Huyện Bình Giang cũng đang tiến hành sáp nhập 22 thôn thuộc 11 xã, thị trấn. Đầu tháng 12.2018, Bình Giang tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện đề án sáp nhập thôn, KDC tới các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, UBND các xã, thị trấn; bí thư, trưởng thôn, KDC phải sáp nhập để cùng trao đổi, tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện đề án. Huyện xác định phải vận động nhân dân đồng thuận ở những nơi thuận lợi trước, tạo đà cho các thôn, KDC khác. Sau hơn 2 tháng triển khai đề án với quyết tâm cao nhiều xã đã cơ bản hoàn thành các bước, chỉ đợi phê duyệt của UBND tỉnh.

Xã Bình Xuyên được chọn thực hiện trước với thuận lợi là có 2 thôn phải sáp nhập vốn trước đây từng là một thôn. “Mặc dù tất cả cử tri 2 thôn đồng tình với chủ trương sáp nhập, song nhân dân cũng băn khoăn về việc giải quyết các khoản nợ trong xây dựng nông thôn mới và các công trình phúc lợi của từng thôn”, ông Nguyễn Văn Luân, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Bình Xuyên cho biết. Nhưng cách tháo gỡ là trước mắt nợ của nơi nào nơi đó trả, sau đó xã sẽ cân đối và có biện pháp phù hợp. 

Xã Thái Hòa hiện có 6 thôn, sau sáp nhập sẽ còn 4 thôn. Tại cuộc họp triển khai lấy ý kiến người dân của 3 thôn trong diện sáp nhập, một số cử tri thôn Trâm Giữa và Trâm Phúc bày tỏ ý kiến không đồng tình vì sau sáp nhập lại phải xây dựng hương ước, quy ước mới cho phù hợp; công tác cán bộ xáo trộn... Ngay hôm sau, ban chỉ đạo thực hiện đề án sáp nhập thôn, KDC của xã chia làm 2 tổ đến từng gia đình tuyên truyền, phân tích rõ những lợi ích của việc thực hiện đề án. Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Thái Hòa, quan điểm của xã là chỉ đạo tập trung, đồng bộ; gỡ khó khăn ngay khi mới phát sinh và kiên trì vận động, thuyết phục. Đến nay, nhân dân các thôn đã bày tỏ sự đồng tình cao. 

Bên cạnh những địa phương thực hiện đề án với quyết tâm cao, vẫn có những xã, thị trấn chần chừ. Tại huyện Thanh Miện, trong quá trình vận động, lấy ý kiến nhân dân, phát hiện có địa phương triển khai chưa quyết liệt, Thường trực Huyện ủy mời tập thể Đảng ủy xã lên quán triệt lại, làm rõ nguyên nhân, vướng mắc để tháo gỡ, giải quyết. Ở một số huyện, thị xã, thành phố, vẫn có những xã, thị trấn rất ít nhân dân đồng thuận với chủ trương sáp nhập các thôn, KDC. Có nơi phải thực hiện lại các bước tiến hành lấy ý kiến nhân dân.

Từ kinh nghiệm vận động nhân dân đồng thuận với tỷ lệ cao ở một số địa phương, cần khẳng định lại việc sáp nhập các thôn, KDC là nhiệm vụ chính trị quan trọng đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải quyết liệt thực hiện, trong đó quan trọng nhất là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu mới có thể đạt kế hoạch đến ngày 30.6.2019 hoàn thành đề án trong toàn tỉnh./.

Nguồn: baohaiduong.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi