Thứ Sáu, 27/12/2024
Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng hoạt động của các thành phần kinh tế góp phần tăng thu ngân sách

 Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp,
tạo động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển 

 

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 02 về việc thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 và Nghị quyết số 55 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành chủ động tích cực vào cuộc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, chủ đạo trong nền kinh tế; các chỉ số thành phần thuộc chỉ số PCI được giao cụ thể cho các ngành, lĩnh vực, địa phương chịu trách nhiệm để nâng cao thực hiện; những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được chuyển đến cơ quan Nhà nước tiếp nhận và kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết; nhiều hội nghị được UBND tỉnh, các sở, ngành tổ chức để tiếp nhận thông tin, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
 
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030, Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030 và giao các nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện; các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh được tích cực triển khai thông qua việc phối hợp với các báo, tạp chí, kênh truyền hình của Trung ương của của tỉnh, đồng thời, qua các kênh khác nhau để gửi thông tin tài liệu xúc tiến đầu tư tới các nhà đầu tư và đại sứ quán Việt Nam tại các nước;...
 
Kết quả thu hút vốn đầu tư vốn FDI 9 tháng năm 2024 đạt kết quả cao với tổng số vốn ước đạt 507,94 triệu USD, trong đó, cấp mới cho 28 dự án với tổng vốn đầu tư 180,7 triệu USD; 30 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng 327,3 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ và vượt mục tiêu kế hoạch năm 2024; dự kiến thu hút vốn đầu tư vốn FDI cả năm 2024 cucar tỉnh đạt trên 550 triệu USD. Trong kết quả này có 292,3 triệu USD vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức như hiện nay.

Cùng với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế ngoài Nhà nước dần trở thành khu vực tạo động lực tăng trưởng cho tỉnh, nhất là kinh tế tư nhân. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng nâng cao trách nhiệm tham gia vận hành, duy trì Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân với chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc trên hệ thống http://duongdaynong.vinhphuc.gov.vn; tổ chức nhiều hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực bất động sản...; duy trì thực hiện tốt chương trình "Lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ doanh nhân hàng tuần”.
 
Ngoài ra, để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, UBND tỉnh đã ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2022 - 2025. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, nên năm 2024 tổng vốn đầu tư thu hút từ các dự án thuộc khu vực DDI đạt thấp, ước 9 tháng đạt 4.640,2 tỷ đồng, chỉ bằng 23% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 84,4% kế hoạch năm 2024. Tính đến 15/9/2024, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.093 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới với số vốn đăng ký trên 9.500 tỷ đồng, cả năm 2024 ước có trên 1500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký ước trên 12.500 tỷ đồng.
 
Khu vực kinh tế tập thể đã và đang có những chuyển biến rõ rệt. Các nghị quyết, chương trình về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của Chính phủ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai trên địa bàn tỉnh.  UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 04 về một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Năm 2024, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn là khu vực có vai trò, vị trí quan trọng trong việc giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống cho người lao động nhất là khu vực nông thôn, tạo sự ổn định về chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Ước đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 352 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó mô hình Quỹ tín dụng Nhân dân hoạt động hiệu quả nhất. Một số mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao như Hợp tác xã Nấm Tam Đảo, Hợp tác xã rau an toàn Vân Hội Xanh, Hợp tác xã Rau hoa Tam Dương...). Cùng với đó, một số hợp tác xã được sắp xếp lại về quy mô, lĩnh vực, một số hợp tác xã nông nghiệp đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường liên kết, hợp tác sản xuất... để phù hợp với yêu cầu thực tế tại địa phương và hoạt động hiệu quả hơn.
 
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, các thành phần kinh tế của tỉnh tiếp tục hoạt động hiệu quả góp phần tạo cơ cấu thu ngân sách của tỉnh ngày càng bền vững. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt 30.218 tỷ đồng đạt 95,13% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 99,89% so với năm 2023, trong đó, thu nội địa ước đạt 25.068 tỷ đồng bao gồm thu từ doanh nghiệp Nhà nước đạt 200 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 17.650 tỷ đồng, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 1.800 tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu 5.150 tỷ đồng, đạt 95,37% dự toán giao, tăng 11.13% so với năm 2023.

VP

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất