Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 38, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành kế hoạch chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc tổ chức phổ biến, quán triệt Chỉ thị đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, tổ chức hội nghị quán triệt cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh. 13/13 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và 136 xã, phường, thị trấn đã tổ chức quán triệt Chỉ thị theo đúng kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Việc quán triệt, phổ biến với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: hội nghị cán bộ chủ chốt các cấp, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi bộ, hội nghị báo cáo viên, qua các kế hoạch của các sở, ngành, địa phương và thực hiện thông qua các cuộc vận động, các hoạt động truyền thông, đối thoại chính sách, các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động…
|
Nhờ tham gia BHYT, nhiều bệnh nhân tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh
được hỗ trợ tối đa chi phí khám và điều trị |
Nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 38 vào tình hình thực tế của tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 37-TT/TU, ngày 29/01/2010; HĐND tỉnh ban hành 05 nghị quyết, đưa chỉ tiêu người dân tham gia BHYT vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; UBND tỉnh ban hành 02 chỉ thị, 05 kế hoạch, 02 quyết định, 01 văn bản chỉ đạo; chỉ đạo Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chức năng xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách BHYT theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 38 và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; chú trọng triển khai BHYT trong các doanh nghiệp, đơn vị ngoài quốc doanh và BHYT tự nguyện, góp phần thực hiện hiệu quả lộ trình BHYT toàn dân. Tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác BHYT, nâng cao chất lượng KCB và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tham gia BHYT nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân, tạo điều kiện cho người dân tích cực tham gia BHYT và thụ hưởng các chế độ, chính sách BHYT. Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo ngành dọc tổ chức thực hiện chính sách về BHYT, mở rộng phạm vi bao phủ về tỷ lệ dân số tham gia BHYT, phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng và giảm tỷ lệ chi trả từ tiền túi của KCB BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. 9/9 huyện ủy, thành ủy và 136 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã ban hành chương trình hành động nhằm triển khai thực hiện hiệu quả công tác BHYT tại các địa phương, đơn vị.
Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38, nhận thức của các ngành, các cấp và Nhân dân về chính sách BHYT được nâng lên; chính sách BHYT thực sự đi vào cuộc sống và khẳng định là một trụ cột quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội; số lượng người dân tham gia BHYT tăng qua từng năm, phù hợp với lộ trình BHYT toàn dân; quyền lợi của người dân tham gia BHYT bảo đảm tốt hơn, việc thanh toán BHYT được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; người sử dụng lao động hiểu đầy đủ hơn về trách nhiệm thực hiện chế độ BHYT; nhận thức của Nhân dân về quyền và trách nhiệm khi tham gia BHYT đã thay đổi căn bản; các cơ sở KCB BHYT từng bước nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng yêu cầu và đảm bảo quyền lợi của người dân.
Để triển khai chính sách pháp luật mới về BHYT đến với mọi người dân, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản, chương trình, đề án, kế hoạch hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tăng cường triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia BHYT đặc biệt các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và người được hưởng các chính sách xã hội.
Từ năm 2015 đến nay, ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí mua thẻ BHYT giúp cho 100% người cận nghèo được cấp thẻ BHYT miễn phí; 4 đối tượng được hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT là: người thứ nhất trong hộ gia đình và học sinh, sinh viên được hỗ trợ 20% mức đóng, người cao tuổi từ 60 đến dưới 70 tuổi được hỗ trợ 30% mức đóng, người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi được hưởng hỗ trợ 50% mức đóng. Sau 15 năm thực hiện, đối tượng tham gia BHYT tăng qua từng năm, lộ trình tiến tới BHYT toàn dân cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đối tượng tham gia BHYT không ngừng được mở rộng, năm sau cao hơn năm trước. Hàng năm, UBND tỉnh đều xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHYT; đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh. Trên địa bàn toàn tỉnh, đến nay, tổng số người tham gia BHYT là 1.158.927 người, tỷ lệ bao phủ đạt 95% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, BHYT hộ gia đình có 386.309 hộ gia đình tham gia, chiếm 74%; (giai đoạn năm 2009 - 2014 có 230.312 hộ gia đình tham gia, chiếm 15%; giai đoạn 2015-2019 có 327.727 hộ gia đình tham gia, chiếm 60%).
Công tác kiểm tra, giám sát, khảo sát việc thực hiện Chỉ thị số 38 được quan tâm thực hiện. Hằng năm, Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hôi tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHYT ở tất cả các cấp, các ngành và các đơn vị sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp; hạn chế tình trạng không tham gia, nợ đóng BHXH, BHYT kéo dài của các doanh nghiệp; việc sử dụng quỹ BHYT tại các cơ sở KCB nhằm xử lý nghiêm minh, hạn chế và ngăn chặn hiện tượng lạm dụng hoặc trục lợi quỹ.
Công tác tuyên truyền luôn được các cấp, các ngành xác định là một trong giải pháp quan trọng hàng đầu để thực hiện thành công chính sách BHYT và được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác BHYT tới người sử dụng lao động, người lao động, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; về quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHYT. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức được 1.961 Hội nghị tuyên truyền chính sách, BHYT hộ gia đình với sự tham gia của 69.820 lượt người dân, người lao động; ; tổ chức các hội thi tìm hiểu chính sách, pháp luật về BHYT qua hình thức sân khấu hóa; cuộc thi Tuyên truyền viên BHXH, BHYT cấp tỉnh; phát hành cuốn tài liệu hỏi đáp về Luật BHYT, KCB BHYT; in pano, áp phích, tờ gấp; duy trì hoạt động Cổng Thông tin điện tử BHXH tỉnh; thành lập Fanpage trên Facebook, trang thông tin trên ứng dụng zalo; lồng ghép việc tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT.
Nhằm thực hiện Luật BHYT đảm bảo hiệu quả, góp phần thực hiện tốt bản chất nhân đạo cộng đồng trong chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh. Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN cấp tỉnh và 100% các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thành lập; thường xuyên củng cố, kiện toàn và hoạt động theo quy chế.
Công tác quản lý nhà nước về BHYT được thực hiện theo đúng quy định. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT cho cán bộ y tế và nhân dân; thực hiện đảm bảo công tác KCB BHYT, nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị cho bệnh nhân; chỉ đạo các cơ sở y tế quản lý chặt chẽ hoạt động KCB, cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ Y tế…
Bảo hiểm Xã hội đã phối hợp với cơ sở y tế thực hiện công tác quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT hàng quý theo quy định, giải quyết kịp thời các vướng mắc, bất cập đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Để tăng cường trách nhiệm giữa các cơ quan trên địa bàn, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp công tác với các sở, ban, ngành, đoàn thể. Các sở đã phối hợp cùng cơ quan BHXH tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ quan chuyên môn, các đơn vị triển khai thực hiện đúng, kịp thời chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT. Đồng thời, các sở cũng đã tích cực phối hợp với cơ quan BHXH để tổ chức thực hiện chính sách BHYT tại địa phương như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, triển khai các biện pháp tăng cường công tác phát triển BHYT học sinh, sinh viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin về chính sách BHYT; phối hợp cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp... qua đó, đã góp phần phát triển đối tượng tham gia BHYT.
Đến nay 100% các cơ sở KCB đã kết xuất được chuẩn dữ liệu đầu ra theo yêu cầu của Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phục vụ cho việc kết nối, liên thông dữ liệu trong thanh quyết toán BHYT. Nhiều cơ sở KCB thực hiện việc đăng ký khám bệnh từ cây số tự động, người bệnh được gọi khám theo số tự động, danh sách bệnh nhân đã được khám, đang chờ khám đều hiển thị trên màn hình máy tính tại các cửa phòng khám, lần lượt theo số đăng ký, giúp giảm ùn tắc trong những giờ cao điểm bệnh nhân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB và thanh toán chi phí KCB BHYYT đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, người dân khi đi KCB BHYT có thể đăng ký bằng căn cước công dân gắn chíp thay cho thẻ BHYT, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh; đảm bảo công khai, minh bạch trong KCB BHYT. Đây là một cải cách lớn trong quy trình tổ chức, triển khai thực hiện KCB BHYT.
Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư, công tác Bảo hiểm y tế của tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng được tăng cường; các cấp, các ngành nỗ lực, vào cuộc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHYT; số người tham gia BHYT tăng qua các năm, quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng; hệ thống BHYT từng bước hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Cơ chế, chính sách về BHYT từng bước được hoàn thiện phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Vĩnh Phúc là một trong số ít tỉnh trong cả nước đã ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho một số đối tượng. Công tác thông tin tuyên truyền được quan tâm chú trọng bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về vị trí, ý nghĩa, vai trò của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHYT.
Công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường; chất lượng KCB BHYT, dịch vụ y tế ngày càng được nâng lên; quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng mở rộng; tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế ngày càng tốt hơn, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm về thực hiện chế độ BHYT từng bước được tăng cường.
Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo công tác BHYT, việc phổ biến, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT ở một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa sâu rộng, có nơi chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan; việc tuyên truyền, giải thích chưa rõ ràng, đầy đủ chi tiết chính sách, pháp luật BHYT, BHXH cho từng đối tượng, từng hộ gia đình. Tỷ lệ tham gia BHYT ở một số nhóm đối tượng như học sinh, sinh viên, hộ gia đình, lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đạt mục tiêu kế hoạch hàng năm. Tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN tại một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh vẫn còn diễn ra làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Chất lượng KCB ở một số cơ sở KCB trong tỉnh đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Nhân dân, nhất là tuyến y tế cơ sở; việc phát triển chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu của tuyến trên tại một số cơ sở KCB còn hạn chế; chất lượng KCB chưa đồng đều, nhất là chuyên môn kỹ thuật cao…
Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 38 trong thời gian tới, Vĩnh Phúc đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, tăng cường nâng cao vai trò trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đối với công tác BHYT; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHYT; thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân tham gia BHYT. Kịp thời tôn vinh, biểu dương các địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách pháp luật về BHYT, đồng thời phê phán, xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Hai là, hàng năm bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ người dân tham gia BHYT, nâng cao trách nhiệm của các cấp trong việc điều tra, lập danh sách đề nghị mua thẻ BHYT cho các đối tượng từ ngân sách nhà nước.
Ba là, đẩy mạnh công tác phát triển người dân tham gia BHYT, tập trung vào các nhóm đối tượng có nhiều người chưa tham gia BHYT như: Hộ gia đình, người lao động trong các doanh nghiệp, học sinh, sinh viên, tiến tới lộ trình BHYT toàn dân. Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác BHYT. Nâng cao cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin cải tiến quy trình khám bệnh, chữa bệnh BHYT; đảm bảo công khai minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ KCB BHYT.
Bốn là, quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác KCB BHYT. Tăng cường công tác đào tạo bác sỹ nhất là bác sỹ có trình độ chuyên khoa sâu về làm việc tại các cơ sở y tế; nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu KCB BHYT. Thực hiện tốt việc giám định BHYT và giám sát các cơ sở KCB trong việc cung cấp các dịch vụ y tế, thuốc, vật tư y tế và thực hiện cơ chế giá dịch vụ KCB theo quy định của Bộ Y tế. Thực hiện tốt 12 điều y đức, quy tắc ứng xử của ngành Y tế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Năm là, tăng cường phối hợp tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện chính sách pháp luật BHYT, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm chế độ, chính sách BHYT, đặc biệt là hành vi trốn đóng, gian lận để hưởng chế độ, trục lợi quỹ KCB BHYT.
VP