|
Đồng bào DTTS góp phần không nhỏ vào thực hiện chương trình
xây dựng nông thôn mới ở xã Phú Sơn |
KINH TẾ TỪNG BƯỚC ĐỔI THAY
Xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước hiện có 19 dân tộc anh em chung sống, trong đó khoảng 30% là đồng bào DTTS, tập trung ở 3 thôn: Sơn Lang, Sơn Thành và Sơn Tân. Hầu hết các tuyến đường liên thôn ở đây được bê tông hóa và có điện chiếu sáng. Nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên thấp thoáng trong các vườn điều, cao su... Tất cả đang tự nói lên sự đổi thay ở các thôn của đồng bào DTTS, góp phần không nhỏ vào mục tiêu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2018 của Phú Sơn.
Tiếp giáp tỉnh Đắk Nông và thông thương với nhiều xã khác trong huyện nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Phú Sơn từng là vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, Đảng ủy thường xuyên quan tâm, chỉ đạo; sự điều hành năng động của UBND; các cấp hội, đoàn thể luôn sâu sát, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhân dân đã nâng cao ý thức chấp hành tốt quy định pháp luật, quy ước, hương ước tại thôn, chủ động cải thiện đời sống, không để xảy ra khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp. “Đồng bào DTTS ở Phú Sơn đa số theo đạo Công giáo và Tin lành. Công tác tôn giáo trên địa bàn không có diễn biến phức tạp, không có tình trạng truyền đạo trái phép. Tinh thần đoàn kết tôn giáo luôn thực hiện theo đúng phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo” - anh Điểu Hoàng, cán bộ dân tộc - tôn giáo xã Phú Sơn cho biết.
Hiện xã còn 74 hộ nghèo, trong đó có 44 hộ đồng bào DTTS. Điều lãnh đạo xã trăn trở là tình trạng bán điều non, cầm cố đất, vay tiền với lãi suất cao xảy ra ở các thôn tập trung đông đồng bào DTTS chưa được xử lý dứt điểm. “Việc giao dịch thực hiện “qua tay” giữa người mua và người bán nên chính quyền cũng như ban điều hành thôn rất khó nắm bắt. Hiện tổ chức hội, đoàn thể và cán bộ thôn chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con hiểu để không bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, chứ chưa có chế tài ngăn chặn tình trạng này. Vụ điều năm 2017-2018, còn 5 hộ bán điều non khoảng 7 ha với giá 210 triệu đồng” - anh Điểu Hoàng cho biết thêm.
ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC
Năm 2017, xã có 1.339 hộ đăng ký thực hiện gia đình văn hóa, kết quả cuối năm có 91,9% hộ đạt. 5/5 khu dân cư đăng ký danh hiệu văn hóa thì cuối năm tất cả đều đạt các tiêu chí đề ra. Hệ thống tổ chức các đoàn thể chính trị - xã hội tăng về số lượng, chất lượng hoạt động nâng lên qua từng năm. Công tác kết nạp đoàn viên, hội viên đạt chỉ tiêu trên giao. Đặc biệt, công tác dân vận chính quyền có sự phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể chính trị - xã hội đã góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả các dự án trên địa bàn xã.
Hiện xã có 2 câu lạc bộ cồng chiêng và 3 đội văn hóa - văn nghệ tại 5 thôn. Theo đó, hoạt động văn hóa - văn nghệ dịp lễ, tết, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm trong nhân dân diễn ra phong phú, sôi nổi. Đã có nhiều chương trình tổ chức vì mục đích gây quỹ ủng hộ người nghèo được thực hiện thành công. Nhiều tấm gương già làng, người uy tín trong đồng bào DTTS am hiểu phong tục, tập quán đã tích cực vận động nhân dân xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, góp sức vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Nhờ vào chính sách ưu đãi đối với đồng bào và vùng DTTS nên diện mạo các thôn đông đồng bào DTTS ở Phú Sơn ngày càng khởi sắc. Đời sống người dân được cải thiện và nâng cao. Hệ thống chính trị có sự đồng thuận, biết dựa vào bộ phận người uy tín, già làng cùng tuyên truyền, tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Qua đó, Phú Sơn đã thực hiện tốt các phong trào thi đua ở cơ sở và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn./.
Nguồn: baobinhphuoc.com.vn