Thứ Sáu, 26/4/2024
Lan tỏa điển hình tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai

Đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước

Xuất thân là nông dân, ông Lâm Thanh Đức, người dân tộc Hoa đã không ngừng nỗ lực học hỏi, nhạy bén trong sản xuất kinh doanh, vươn lên trở thành Giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Trang trại gà Thanh Đức cũng là trang trại chăn nuôi gà đầu tiên của Đồng Nai tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá, cung cấp sản phẩm trứng gà sạch được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, trang trại chăn nuôi gà lấy trứng sạch theo quy trình hoàn toàn tự động khép kín này cũng đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu trứng gà sang Hàn Quốc. Với doanh thu khoảng 6 tỷ đồng mỗi năm, doanh nghiệp Thanh Đức đang góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời giải quyết việc làm cho trên 50 lao động, trong đó có 22 lao động là người dân tộc thiểu số. 


 Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai  Nguyễn Hòa Hiệp
trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân tiêu biểu

Không chỉ táo bạo, tiên phong trong sản xuất sạch, ông Lâm Thanh Đức còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, nhận được sự tín nhiệm của nhân dân trong vai trò đại biểu HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021. 

Biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đất mà mình sinh sống cùng với ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, gia đình ông Hà Viết Tảo, dân tộc Tày tại huyện Thống Nhất đã vươn lên làm giàu, thu nhập hàng năm trên 1 tỷ đồng. Với 1,3 ha trồng chôm chôm và sầu riêng thái, nhờ tích cực học hỏi, áp dụng kỹ thuật để cây cho trái sớm, trái vụ, ông Tảo đã tránh được cảnh “được mùa mất giá” của đa số nông sản hiện nay. Ngược lại, trái cây trái vụ còn bán được giá cao, hằng năm, hai loại trái cây này mang về cho gia đình ông nguồn thu trên 200 triệu đồng. Để đa dạng hóa sản phẩm, tránh rủi ro, ông Tảo đầu tư 1 ha trang trại chăn nuôi khoảng 2.000 con heo, cam kết với các doanh nghiệp về quá trình chăn nuôi để đảm bảo đầu ra. Nhờ đó, trang trại chăn nuôi heo trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình ông với thu nhập khoảng 700 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí. Ngoài ra, gia đình ông còn kinh doanh thêm bia, nước giải khát, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động là người dân tộc thiểu số tại địa phương. 

Cùng với việc tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần cải thiện đời sống kinh tế, nhiều người dân tộc thiểu số là nhân sĩ trí thức đã tham gia xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Ủy ban bầu cử tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 393/9.339 đại biểu là người dân tộc thiểu số tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, trong đó có 226 người trúng cử vào HĐND các cấp. Điều này phần nào cho thấy đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tích cực tham gia vào hệ thống chính trị, nhận được sự tín nhiệm cao của nhân dân. Đồng thời thể hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết dân tộc, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. 

Cùng chung tay đảm bảo an sinh xã hội, lực lượng trí thức là người dân tộc thiểu số là nhân viên y tế, giáo viên ngày càng được tăng cường về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt trình độ dân trí của đồng bào được cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây, biểu hiện qua rất nhiều trí thức là người dân tộc thiểu số có chuyên môn, nhiệt huyết với công việc. Gắn bó với công tác y tế cộng đồng ở địa bàn vùng xa của tỉnh, BS. Nguyễn Thị Đô, người dân tộc Chăm, hiện là Giám đốc Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện Định Quán vẫn không ngừng trăn trở về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình trong phụ nữ người dân tộc thiểu số. Từ đó BS. Đô đã nỗ lực đưa các chỉ tiêu về chương trình mục tiêu quốc gia dân số kế hoạch hóa gia đình đạt và vượt so với kế hoạch từ năm 2008 đến nay. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giảm tỷ lệ sinh, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng.

Phát huy vai trò người có uy tín 

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai Điểu Bảo, trong những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, đời sống vật chất và tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ là cầu nối đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số một cách gần gũi, sinh động nhất.

Để được đồng bào tin yêu, quý mến, mỗi người uy tín phải là những “tấm gương” trong đời sống hằng ngày. Là Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú, ông K’Luận, dân tộc Châu Mạ tích cực vận động đồng bào tham gia các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật, các chương trình khuyến nông nhằm giúp đồng bào nâng cao kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, ông K’Luận đã phối hợp hòa giải 6 vụ mất đoàn kết nội bộ, kịp thời phát hiện và ngăn chặn 2 vụ tảo hôn trong cộng đồng, vận động thanh niên người dân tộc tham gia nghĩa vụ quân sự. Bên cạnh đó, nhận thấy đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, ông đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ gạo hàng tháng cho 10 hộ neo đơn, xây tặng nhà tình thương, tặng quà và học bổng cho học sinh nghèo...


 Ông Lâm Thanh Đức (bìa phải) tại trang trại sản xuất trứng gà sạch

Bên cạnh tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh- trật tự, những người uy tín còn khẳng định vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới và gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Biểu hiện qua các nghi thức chủ lễ, Tết; truyền dạy nhạc cụ truyền thống, dạy tiếng nói chữ viết, bảo tồn trang phục truyền thống; vận động đồng bào tham gia xây dựng nếp sống văn minh… 

Biểu dương và đánh giá cao những thành tích nổi bật trong công tác dân tộc, đặc biệt là những điển hình tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp nhấn mạnh, đây là những “hạt nhân” tạo ra sức cộng hưởng lớn, lan tỏa phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách, công tác dân tộc; quan tâm tạo điều kiện phát triển lực lượng nòng cốt người dân tộc thiểu số trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Đồng thời phối hợp tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với các hoạt động như khởi nghiệp, vay vốn, đào tạo nghề, hỗ trợ học sinh sinh viên là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kịp thời phát hiện và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, tạo động lực để mỗi cá nhân là người dân tộc thiểu số nêu gương, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.

Riêng những điển hình tiêu biểu được tuyên dương cần tiếp tục nỗ lực, phát huy những kết quả đạt được để đóng góp sức lực, trí tuệ vào sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, củng cố khối đại đoàn kết  toàn dân tộc./.

Biểu dương 226 người dân tộc thiểu số tiêu biểu

Sáng qua 1/11, UBND tỉnh đã tổ chức lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân, hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Đồng Nai lần thứ I năm 2018. Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đã dự. 

Buổi lễ đã tiến hành tuyên dương 226 đại biểu thuộc 18/36 thành phần dân tộc, đại diện cho trên 189.000 đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. 

Dịp này, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 66 cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2018.

Nguồn: laodongdongnai.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất