Thứ Bảy, 20/4/2024
Những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo ở Gia Lai

Kết quả khả quan
 
Công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh. Cùng với các chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 12-4-2017 về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025. Sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các địa phương đã giúp hộ nghèo, hộ nghèo DTTS có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập và nâng cao đời sống.


 Hội Cựu chiến binh huyện Krông Pa hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo xã Đất Bằng

Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Tỷ lệ hộ nghèo từ 19,7% (cuối năm 2015) dự kiến giảm còn dưới 4,5% vào cuối năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS từ 40,1% (cuối năm 2015) dự kiến giảm còn dưới 6,25% vào cuối năm 2020. Cơ sở hạ tầng vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư; đời sống người dân vùng DTTS được cải thiện, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
 
Các huyện: Kbang, Krông Pa, Kông Chro và Ia Pa thực hiện khá tốt công tác này khi tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhất là hộ nghèo DTTS. Ông Nguyễn Văn Hường-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Krông Pa-cho biết, chỉ tiêu thực hiện giảm nghèo bền vững, nhất là giảm nghèo vùng đồng bào DTTS được đưa vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm của tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị các cấp. Đồng thời, huyện phân công 55 cơ quan, đơn vị trực tiếp hỗ trợ theo địa chỉ cụ thể. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo DTTS từ 55,6% (đầu năm 2016) đã giảm còn 22,17% (cuối năm 2019), tương đương với 2.900 hộ thoát nghèo. 

Một trong những yếu tố tạo nên kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo là hoạt động tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của người dân. Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nhận định: “Thời gian qua, việc một số hộ nghèo ở huyện Đức Cơ, Kbang và Ia Pa tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo cho thấy thành công của chương trình giảm nghèo bền vững. Trước đây, nhiều gia đình mang tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Giờ đây, khi nhận thức chuyển biến, những người thấy mình đủ điều kiện đã sẵn sàng xin ra khỏi danh sách hộ nghèo và dành sự chia sẻ, hỗ trợ cho những gia đình khó khăn hơn để không ai bị bỏ lại phía sau”.
 
Ưu tiên nguồn lực để giảm nghèo bền vững
 
Trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Gia Lai tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững, nhất là vùng DTTS, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2020-2025, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều mới) xuống còn dưới 1%/năm; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm xuống dưới 5%. 
 
Theo bà Rcom Sa Duyên, trên cơ sở văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS và cộng đồng xã hội về công tác giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, các ngành, địa phương thực hiện lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững để tăng cường nguồn lực cũng như hiệu quả; triển khai sâu rộng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.
 
Giai đoạn 2015-2020, kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh là 1.268 tỷ đồng. Hầu hết số hộ vay vốn ưu đãi đã có chuyển biến tích cực về nhận thức, cách làm ăn; nhiều hộ sản xuất, kinh doanh hiệu quả, vươn lên làm giàu.
 
Các chương trình, dự án đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ khám-chữa bệnh, xây nhà, trợ giúp pháp lý cho người nghèo; hỗ trợ hộ nghèo theo mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Tất cả đã góp phần giúp hộ nghèo có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: vay vốn tín dụng, chăm sóc sức khỏe, học hành, nhà ở, nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến lâm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
 
Tuy nhiên, mới đây, tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 12-4-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã nêu một số bất cập: “Kbang nằm trong 4 huyện nghèo theo Chương trình 30a nhưng đã nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7%. Trong khi đó, một số huyện có điều kiện hơn thì tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao như: huyện Mang Yang (13%), Chư Prông, Đak Pơ (8,52%)... Về tiếp cận các dịch vụ xã hội, toàn tỉnh còn hơn 20.000 hộ nghèo chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh”.
 
Vì vậy, theo Chủ tịch UBND tỉnh, để nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiệm vụ đặt ra là phải đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội gắn với giảm nghèo bền vững, nhất là trong vùng đồng bào DTTS, các xã đặc biệt khó khăn, thôn, làng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho các xã nghèo; tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới...
 
“Cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát giúp hộ nghèo tiếp cận các chính sách hiện có, nhất là chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, đời sống, nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh. Lồng ghép giữa giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương như: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh. 

Đinh Yến

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất