Thứ Năm, 19/12/2024
Những kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

Công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, đa dạng về nội dung và hình thức. Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh đã tổ chức 21 hội nghị tuyên truyền bồi dưỡng cho cán bộ trực tiếp tham mưu công tác xây dựng nông thôn mới các cấp ở địa phương với 926 đại biểu tham gia. Hội Cựu Chiến binh tỉnh đã tổ chức 05 Hội nghị tuyên truyền tại 05 huyện, thành phố (Mai Châu, Đà Bắc, Thành phố, Kim Bôi, Cao Phong) với 320 đại biểu tham gia. Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 05 cuộc mít tinh hưởng ứng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu và trồng hàng cây nông dân (Yên Thủy, Lạc Sơn, Lương Sơn, Cao Phong, Kim Bôi),...; các cơ quan báo, đài thường xuyên đăng các tin bài, tăng thời lượng truyền hình, như: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện được 12 phóng sự, 12 chuyên mục về xây dựng nông thôn mới; Báo Hòa Bình đăng 24 chuyên trang về xây dựng nông thôn mới.

Phong trào thi đua “Tỉnh Hòa Bình chung sức xây dựng nông thôn mới” được các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh hưởng ứng tham gia, nhất ở cấp xã. Năm 2020, toàn tỉnh đã huy động hiến đất, ngày công, hiện vật, tiền mặt, ... quy đổi ra tiền được hơn 292.950 triệu đồng, trong đó: huy động khoảng 85.000 ngày công lao động, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn và các công trình hạ tầng nông thôn khác được khoảng 9.500 m2 đất và đóng góp vật tư, hiện vật, ... quy đổi thành tiền được hơn 272.910 triệu đồng; huy động nhân dân đóng góp của bằng tiền mặt được 20.045 triệu đồng.

Các địa phương tích cực thực hiện công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt để quy hoạch xã nông thôn mới đảm bảo hài hòa giữa phát triển nông thôn với phát triển đô thị, quy hoạch sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp,...; đồng thời thực hiện tốt việc quản lý và tổ chức triển khai thực hiện đúng Quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Bằng nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và lồng ghép các nguồn vốn khác, toàn tỉnh đã xây mới, cải tạo, nâng cấp 184 công trình đường giao thông nông thôn (trong đó: 143 công trình chuyển tiếp, 41 công trình khởi công mới); cứng hóa trên 48,5 km đường giao thông nông thôn; phát quang lề đường, ngõ xóm 1.352,5 km; cứng hoá 13,69 km đường giao thông nông thôn; xây dựng 54 cầu, cống dân sinh thuộc dự án LRAMP.

Đến nay, hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh cơ bản đã đáp ứng được cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương và góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, chất lượng cấp điện ổn định, người dân được hưởng giá điện theo quy định; trên địa bàn tỉnh tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn điện đạt 100%. Bên cạnh đó, năm 2020 đã đầu tư xây dựng được 62 công trình trường học bằng nguồn vốn đầu tư công, có 187/379 trường có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 49.3%, trong đó: Trường mầm non có 91 trường đạt chuẩn/178 trường chiếm 51,1%, tiểu học có 14 trường đạt chuẩn/18 trường chiếm 77.7%, trường tiểu học và trung học cơ sở có 71 trường đạt chuẩn/167 trường chiếm 42.5%. Cơ sở vật chất văn hóa được quan tâm hỗ trợ đầu tư, trong năm 2020 từ nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn lồng ghép đã đầu tư 293 công trình cơ sở vật chất văn hóa, trong đó có 52 công trình nhà văn hóa, khu thể thao xã, 241 công trình nhà văn hoá, khu thể thao thôn.

Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn tiếp tục được đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Đến nay, có 131/131 xã đã có điểm phục vụ bưu chính; 131/131 xã có dịch vụ viễn thông, internet; 131/131 xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành. Cùng với sự phát triển đi lên của kinh tế, các gia đình nông thôn đã có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, tăng thu nhập để từ đó đầu tư cơ sở hạ tầng của chính gia đình mình góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt.

Công tác giữ gìn, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội nông thôn được tăng cường đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân ở các vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc vùng cao; nâng cao cảnh giác cách mạng, làm tốt công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Đến nay, toàn tỉnh đã có 05 dạng mô hình tự quản về An ninh trật tự với tổng số 113 mô hình tiêu biểu, có 4.779 đơn vị thành viên góp phần giải quyết tốt các vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở. Tổ chức xây dựng lực lượng dân quân vững mạnh, rộng khắp; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, tổ chức huấn luyện cho lực lượng dân quân đúng, đủ nội dung chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt; tổ chức diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã; bảo đảm đẩy đủ chế độ, chính sách, tiền lương, phụ cấp cho lực lượng dân quân và các chế độ chính sách khác theo quy định của pháp luật.

Thu Hường

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất