Huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng hơn 8.500 người tín đồ (chiếm 3,4% dân số) sinh hoạt tôn giáo thường xuyên theo 2 tôn giáo chính thống là phật giáo và công giáo (trong đó công giáo có khoảng gần 4.300 người, phật giáo có trên 4.100 người). Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo, những năm qua, huyện Quảng Xương đã xây dựng được mối quan hệ đoàn kết lương - giáo, tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo và nhân dân hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN trên địa bàn.
|
Cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Quảng Xương, lãnh đạo xã Quảng Hợp
thăm mô hình phát triển kinh tế gia đình giáo dân ở thôn Hợp Gia, xã Quảng Hợp |
Nét nổi bật trong công tác tuyên truyền, vận động là Ban Dân vận Huyện ủy Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đã tranh thủ được sự vào cuộc của các chức sắc tôn giáo như: Cha xứ, trùm họ đạo các nhà thờ, sư trụ trì các chùa trong khu vực để cùng phối hợp tuyên truyền, vận động bà con theo đạo trên địa bàn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương. Thông qua các buổi nói chuyện để lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để đồng bào theo đạo thực hiện, trong đó tập trung vào việc tuyên truyền, vận động đồng bào đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, chung sức xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh trật tự, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa “tốt đời - đẹp đạo”... Từ đó đã góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào có đạo, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư đã có những chuyển biến tích cực. Hoạt động từ thiện, nhân đạo của các tổ chức và cá nhân có liên quan đến tôn giáo bảo đảm đúng quy định pháp luật, các hoạt động đem lại hiệu quả tích cực cho cộng đồng, xã hội được huyện khuyến khích tạo điều kiện.
Xã Quảng Long có 153 hộ/437 khẩu đồng bào theo đạo ở 5/8 thôn trên địa bàn xã nhưng tập trung nhiều nhất ở thôn Thổ Ngõa. Bà Tô Thị Tuyết, Bí thư, trưởng thôn Thổ Ngõa cho biết: Trong những năm qua, đồng bào lương - giáo trong thôn luôn đoàn kết một lòng, tương trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Mỗi lần triển khai chủ trương, chính sách mới, đảng ủy xã, chính quyền, MTTQ, chi ủy thôn đều phối hợp với linh mục tuyên truyền, vận động giáo dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện tốt bổn phận sống phúc âm giữa lòng dân tộc. Khi triển khai xây dựng nông thôn mới, bà con giáo dân đều vui vẻ, phấn khởi tham gia cùng với người dân góp công sức và vật chất để bê tông hóa cứng hóa đường giao thông nông thôn nội đồng và khu dân cư với 4km; thực hiện có hiệu quả mô hình “Cựu chiến binh phối hợp tham gia chỉnh trang nhà văn hóa thôn và xây dựng tủ sách pháp luật tại nhà văn hóa”...
Không chỉ ở Quảng Long, nhiều mô hình phát triển kinh tế của các giáo dân trên địa bàn huyện cũng được nhân rộng, điển hình như đồng bào công giáo tại xã Quảng Hợp xây dựng 3 trang trại nuôi lợn tại thôn Gia Hà, xã Quảng Trường có 3 xã trang trại nuôi lợn tại thôn Phúc Lộc, Phúc Lợi, xã Quảng Vọng có 5 hộ có máy dệt cói; Quảng Văn có 4 hộ có máy dệt cói. Hưởng ứng chương trình xây dựng NTM của huyện, bà con giáo dân đã tích cực góp và hiến hàng ngàn mét vuông đất xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, mở rộng đường giao thông, đóng góp ngày công, tiền của để bê tông hóa, cứng hóa đường giao thông nội đồng và khu dân cư; xây dựng nhà văn hóa thôn. Tích cực thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tích cực bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các hiện tượng tôn giáo lạ đi trái với truyền thống dân tộc, phong tục tập quán của địa phương...” .
Nhân dân trên địa bàn huyện nói chung và bà con giáo dân nói riêng đã tích cực hưởng ứng, thực hiện tốt 7 mô hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới. Điển hình như xã Quảng Trường, Quảng Vọng với mô hình “Trồng hoa, cây cảnh thay cỏ dại ven đường”, Quảng Ngọc, Quảng Long với mô hình “Cựu chiến binh phối hợp tham gia chỉnh trang nhà văn hóa thôn và xây dựng tủ sách pháp luật tại nhà văn hóa thôn”, Quảng Ngọc, Quảng Văn với mô hình “Thu gom, xử lý vỏ, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo vệ sinh đồng ruộng và chất lượng an toàn thực phẩm; xã Quảng Trạch, Quảng Thái, Quảng Hợp với mô hình “Môi trường không rác thải tại một số công trình công cộng và dòng sông, bờ biển, di tích...”.
Năm 2017, Quảng Xương là huyện đầu tiên trên toàn quốc đã tổ chức thành công cuộc giao lưu đồng bào công giáo huyện Quảng Xương với phong trào XDNTM. Cuộc giao lưu tổ chức thành công được các ngành chức năng của tỉnh, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đánh giá cao.
“Trong những năm qua, tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Quảng Xương ngày một ổn định và phát triển. 100% số xã của huyện đã đạt xã NTM, trong đó có sự đóng góp đáng kể của đồng bào theo đạo. Các chức sắc, chức việc và tín đồ đã tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do địa phương tổ chức như phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; chung sức xây dựng nông thôn mới với phương châm “Tốt đời - đẹp đạo”, “Nước vinh - đạo sáng”... qua đó mối đoàn kết lương - giáo ngày càng được củng cố hài hòa, khăng khít” - Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Quảng Xương khẳng định./.
Nguồn: vanhoadoisong.vn