Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo được công nhận hoạt động tôn giáo ổn định, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Với phương châm, đường hướng hành đạo đồng hành cùng dân tộc, các tôn giáo đã động viên, khích lệ chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo “dấn thân”, tham gia tích cực các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói nghèo..., góp phần bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
|
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức họp báo phát động
Cuộc thi ‘"Đạo Phật trong trái tim tôi"
|
Ngày nay, với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông đại chúng, phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí, ấn phẩm, internet, mạng xã hội... đã giúp cho các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam mở rộng và thuận lợi hơn trong công tác thông tin, tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động xã hội của các tổ chức tôn giáo... đến với cộng đồng tín đồ và cả xã hội ở trong nước và ngoài nước. Hầu hết các tổ chức tôn giáo đều có các trang thông tin điện tử; một số tổ chức tôn giáo lớn có các báo, tạp chí được cấp phép, như: Báo Giác Ngộ, Văn hóa Phật giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Tập san Hiệp thông của Hội đồng Giám mục Việt Nam; báo Người Công giáo Việt Nam của Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam; Tạp chí Cao Đài của các Hội thánh Cao Đài, Tạp chí Hương Sen của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo..., nhiều ấn phẩm tôn giáo được xuất bản, lưu hành rộng rãi.
Những bài viết của các chức sắc, chức việc, các nhà khoa học… trên các ấn phẩm của tổ chức tôn giáo, báo chí chính thống là kênh thông tin quan trọng phản ánh về thực tế tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Nhiều công trình nghiên cứu, bài viết đã làm sáng tỏ và lan tỏa các giá trị đạo đức tốt đẹp, nhân văn, nhân ái của các tôn giáo; tuyên truyền những tấm gương điển hình, người tốt việc tốt trong tôn giáo; củng cố đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc.
Cùng với quá trình thực hiện các quan điểm, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo, hoạt động tôn giáo của tổ chức, chức sắc, chức việc ngày càng mở rộng, đa dạng hơn. Công tác thông tin, tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo được đẩy mạnh. Trên cơ sở đó tạo sự ủng hộ, đồng thuận của đồng bào, chức sắc tôn giáo cả nước với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Có thể thấy vai trò của các tổ chức, chức sắc, chức việc tôn giáo trong công tác thông tin, tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện trên các mặt:
Trước hết, cung cấp thông tin, phổ biến, tuyên truyền các tri thức về tôn giáo, nâng cao nhận thức, hiểu biết về tôn giáo cho tín đồ và mọi người. Tri thức tôn giáo được phổ cập hơn, góp phần vào quá trình tăng cường sự hiểu biết giữa các tôn giáo. Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, phương tiện truyền thông, báo chí; đặc biệt internet, mạng xã hội là công cụ hữu hiệu giúp cho các tổ chức tôn giáo thông tin, tuyên truyền về kiến thức tôn giáo, những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo được phổ biến, phát huy. Đồng thời cũng góp phần hạn chế những nhận thức lệch lạc, mê tín dị đoan, hoạt động lợi dụng tôn giáo.
Thứ hai, thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đến với cộng đồng tín đồ và xã hội, thông qua các phương tiện truyền thông, các hoạt động của đội ngũ chức sắc, chức việc gắn với quá trình truyền giảng, thực hiện nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo, tổ chức lễ nghi tôn giáo... góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm công dân; truyền thống yêu nước, đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc cho chức sắc, tín đồ.
Thứ ba, thông tin, tuyên truyền về các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện, các hoạt động cộng đồng chung tay cùng với Nhà nước, các tổ chức xã hội ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tệ nạn xã hội... chuyển tải nội dung xã hội tới tín đồ. Nhờ đó, các tổ chức tôn giáo có điều kiện thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ một số gánh nặng xã hội cùng với Nhà nước. Qua đó, thể hiện triết lý hướng thiện, phục vụ “chúng sinh”, yêu thương con người, nâng cao uy tín cho giáo hội. Đồng thời, giúp cho tổ chức, chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo hội nhập với xã hội, gắn kết cộng đồng, củng cố đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc; đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ tư, vai trò của các tổ chức, chức sắc, chức việc tôn giáo trong thông tin, tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo còn thể hiện ở sự phản bác lại những luận điệu xuyên tạc tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam của các thế lực thù địch, đồng thời động viên chức sắc, chức việc và tín đồ phát huy tinh thần yêu nước, tự giác phối hợp đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo gây bất ổn xã hội, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, qua các hoạt động đối ngoại, các diễn đàn đa phương của tổ chức tôn giáo giúp cho cộng đồng thế giới thấy được thực tế tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được đảm bảo, hiểu đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo.
Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của tổ chức, chức sắc, chức việc tôn giáo trong công tác thông tin, tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo vẫn còn một số hạn chế, bất cập, thể hiện: Các tổ chức tôn giáo chủ yếu tập trung thông tin, tuyên truyền về giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo phục vụ cho việc truyền giáo, củng cố đức tin, các hoạt động tôn giáo của tổ chức. Chưa đề cập nhiều thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng... của đất nước; âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ, các hoạt động lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật.
Một số tổ chức, chức sắc, chức việc tôn giáo còn e ngại, dè dặt thông tin phản bác, đấu tranh chống lại các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, các hoạt động vi phạm pháp luật, tuyên truyền mê tín dị đoan, lệch chuẩn đạo đức xã hội. Bên cạnh đó, còn một bộ phận nhỏ chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo có những thông tin không đúng thực tế tình hình, ảnh hưởng đến tổ chức giáo hội, cộng đồng tín đồ, gây mâu thuẫn mất đoàn kết nội bộ, các thế lực thù địch lợi dụng, kích động...
Một số giải pháp chủ yếu phát huy vai trò của các tổ chức, chức sắc, chức việc tôn giáo trong công tác thông tin, tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo
1. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo; các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ sở; các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, những vấn đề xã hội quan tâm... để các chức sắc, chức việc hiểu, đồng tình, ủng hộ, thông qua họ định hướng, tuyên truyền, vận động tín đồ thực hiện. Thông tin kịp thời những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ của các thế lực thù địch; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo lệch chuẩn đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật để họ nắm bắt kịp thời, chủ động tuyên truyền, phối hợp đấu tranh. Cần có quy định cụ thể về việc định kỳ hoặc đột xuất cung cấp thông tin cho các tổ chức tôn giáo về các chủ trương, chính sách, pháp luật, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tình hình chung về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên phạm vi cả nước, ở từng địa phương.
2. Chú trọng công tác vận động các tổ chức tôn giáo đồng hành cùng dân tộc. Xây dựng mối quan hệ gần gũi, thân thiện với chức sắc, chức việc các tôn giáo, quán triệt chủ trương: “Chủ động, tích cực tiếp xúc với các chức sắc để tăng cường sự hiểu biết, cởi mở, chân thành, tạo niềm tin cho tín đồ các tôn giáo hiểu, đồng tình, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia xây dựng khối đoàn kết dân tộc...”(2). Thường xuyên thăm hỏi, động viên, gặp gỡ, đối thoại, xây dựng thái độ quan hệ hợp tác tốt. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước có kế hoạch thăm hỏi, chúc mừng tổ chức, chức sắc cao của các tổ chức tôn giáo nhân các ngày lễ trọng, các sự kiện của tôn giáo và của đất nước; gặp mặt, đối thoại với chức sắc tiêu biểu của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận hằng năm. Định kỳ hàng quý, 6 tháng và 1 năm, lãnh đạo chủ chốt của địa phương tổ chức gặp mặt chức sắc để trao đổi về tình hình kinh tế - xã hội, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chức sắc, nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của họ để giải quyết kịp thời. Trong công tác đối với chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo, cần có các hình thức linh hoạt, tạo nhiều điều kiện để chức sắc, chức việc, nhà tu hành được nêu ý kiến, trao đổi và đối thoại. Đồng thời, cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền cho họ.
3. Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Quan tâm tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo của tổ chức theo hiến chương, điều lệ đã được Nhà nước chấp thuận, đúng quy định của pháp luật. Ứng xử bình đẳng giữa các tổ chức tôn giáo. Tạo điều kiện, hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo tổ chức các sự kiện, hoạt động tôn giáo lớn, hoạt động đối ngoại tôn giáo... Đây là kênh thông tin, tuyên truyền khá hiệu quả về tín ngưỡng, tôn giáo.
4. Phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong đời sống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và cơ sở tôn giáo. Hướng dẫn, tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, tham gia tích cực các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát động, nhằm phát huy nguồn lực của tôn giáo đóng góp cho sự phát triển đất nước. Phối hợp với các tổ chức tôn giáo tham gia tuyên truyền, ứng phó với những vấn đề đang đặt ra: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đại dịch Covid-19, tệ nạn xã hội.... Hệ thống chính trị các cấp cần chủ động tranh thủ, vận động giới thiệu một số chức sắc, chức việc tôn giáo tham gia các cơ quan dân cử: Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận, Ban Chấp hành các đoàn thể, hội quần chúng, tạo thuận lợi cho việc thông tin, tuyên truyền, triển khai các chủ trương, nhiệm vụ của tổ chức đến đông đảo chức sắc, tín đồ. Cần có sự đổi mới nhận thức và sự đột phá về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia rộng rãi và hiệu quả hơn vào các hoạt động xã hội.
5. Thông qua công tác đối với các tổ chức tôn giáo để tăng cường quản lý, định hướng thông tin, tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo đối với các cơ quan truyền thông, báo, tạp chí, trang thông tin điện tử của các tổ chức tôn giáo. Bên cạnh các nội dung, chuyên đề về tri thức tôn giáo, các hoạt động tôn giáo của giáo hội, những giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo được thể hiện trong đời sống xã hội. Cần tăng cường thông tin về các hoạt động xã hội của tổ chức, chức sắc, tín đồ, gương điển hình sống tốt đời, đẹp đạo; thông tin về các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Khuyến khích các tổ chức tôn giáo phát hành các ấn phẩm hướng dẫn tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, đồng hành cùng dân tộc./.
ThS. Lê Đình Nghĩa, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tôn giáo, Ban Dân vận Trung ương
----------------------------------
1. Công văn số 6955 /BNV-TGCP ngày 28/12/2020 của Bộ Nội vụ.
2.Chỉ thị 18-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo trong tình hình mới.