Thứ Bảy, 20/4/2024
Văn Chấn: “Dân vận khéo” thiết thực với nhân dân
 
Người dân Văn Chấn đã phát triển mạnh vùng cây ăn quả có múi trở thành thế mạnh của huyện 

 

Mô hình DVK phát triển cây ăn quả có múi tại xã Sơn Thịnh được thực hiện từ năm 2016 đã góp phần thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún sang mở rộng quy mô, sản xuất hàng hóa, nâng diện tích trồng cây ăn quả có múi tại xã từ 10 ha lên 60 ha. 

Đồng chí Lê Trung Đính - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sơn Thịnh cho biết: "Người dân ở Sơn Thịnh trồng cam, quýt từ những năm 2006 song với số lượng rất ít. Phải đến năm 2016, khi mô hình DVK phát triển cây ăn quả có múi được đăng ký triển khai, việc mở rộng vùng sản xuất cây ăn quả có múi được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ xã; nhân dân các thôn bước đầu đưa cam, quýt, bưởi từ vườn nhà lên các đồi trống và đất trồng màu kém hiệu quả. Từ bắt đầu thôn Hồng Sơn nay đã có thêm 6 thôn phát triển mạnh vùng cây ăn quả có múi. Nhiều hộ ở xã đã có thu nhập tiền tỷ và vài trăm triệu mỗi năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đến nay là 6,66%, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên 34 triệu đồng/người/năm”.

Mô hình cá nhân DVK của ông Giàng A Phử - người có uy tín thôn Sài Lương, xã An Lương cũng đã tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực đối với người dân tộc Mông ở Sài Lương. Bằng cách lấy mình làm gương, nói trước, làm trước, ông Phử đã gương mẫu đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, vận động bà con xây dựng chuồng trại, nhà vệ sinh kiên cố; vận động hiến đất, đóng góp ngày công, chi phí làm đường giao thông nông thôn từ thôn Sài Lương đến trung tâm xã. 

Ông còn vận động bà con trong thôn tăng gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình như: trồng quế, trồng thảo quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm tốt công tác bảo vệ rừng, không di dân tự do, không trồng cây thuốc phiện, không tham gia các hoạt động tôn giáo trái pháp luật; tích cực xây dựng hội khuyến học của dòng họ Giàng, từ đó trở thành một tấm gương để vận động trẻ em đến độ tuổi đi học đến trường đầy đủ, không bỏ học, không lấy vợ, lấy chồng sớm... 

Đây mới chỉ là 2 trong hàng trăm mô hình tập thể và cá nhân DVK mà huyện Văn Chấn đã thực hiện trong 10 năm qua. Từ năm 2009 - 2019, huyện Văn Chấn đã xây dựng được 837 mô hình trên lĩnh vực kinh tế, 331 mô hình trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, 35 mô hình trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, 54 mô hình trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị. 

Việc thực hiện các mô hình đã tạo phong trào thi đua mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân, huy động được sức mạnh và quyết tâm cao của hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân, đồng thời, nâng cao sự hiểu biết, đồng thuận trong mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của nhân dân. 

Đồng chí Hoàng Thị Phóng - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Văn Chấn cho biết: "Từ khi Ban Dân vận Trung ương phát động phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình  DVK vào năm 2009, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã triển khai thực hiện phong trào gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiệu quả công tác dân vận theo hướng vì dân, chăm lo, nâng cao mọi mặt đời sống cho nhân dân, từ đó phát huy trách nhiệm nêu gương, tự giác của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. 

Cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước thực hiện chế độ "Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân”, thực hiện phong cách "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, quan tâm giải quyết kịp thời những bức xúc của dân ngay tại cơ sở. Phát triển bền vững các mô hình DVK, phổ biến các cách làm hay, sáng tạo, gương người tốt, việc tốt, nhân rộng các mô hình điển hình, có sức lan tỏa và tác động tích cực chính là cách mà huyện Văn Chấn tiếp tục thực hiện phong trào thi đua này”.

(baoyenbai.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất