Thứ Ba, 26/11/2024
Tuyên Hóa: Bám sát thực tiễn để "dân vận khéo"
 
Từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Tuyên Hóa đã xuất hiện nhiều mô hình
phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả cao. 


Lâm Hóa là xã miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 50%) của huyện Tuyên Hóa. Đời sống của người dân nơi đây vẫn còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 55% dân số toàn xã. Với phương châm hướng về cơ sở, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nhân dân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, mặt trận xã Lâm Hóa đã cụ thể hóa phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng các phong trào thi đua bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa Trương Tư Thoan chia sẻ, trong công tác dân vận, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định phải chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, các phong trào cần bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương. Vì vậy, nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã ra đời và trở thành các phong trào thi đua. Ví như, qua cuộc vận động hội viên nông dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi, cải tạo vườn tạp của Hội Nông dân xã, 22 hộ dân được hỗ trợ triển khai cải tạo vườn tạp. Trong đó, 21 hộ được hỗ trợ giống bưởi Phúc Trạch; xã đã thành lập 2 tổ hợp tác chăn nuôi gà, 1 hợp tác xã lâm nghiệp và nhiều mô hình bò sinh sản, trồng rừng kinh tế.

Không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong lĩnh vực văn hóa-xã hội đã làm thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số. Mô hình "Vận động giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" của Đoàn Thanh niên xã đã hạn chế được tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mô hình "Sạch nhà, xanh vườn" tại bản Cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã không chỉ góp phần bảo đảm vệ sinh đường làng, ngõ xóm, mà còn hỗ trợ, vận động nhân dân trồng các loại cây, củ, quả ngay tai khu vườn nhà. Mô hình "Vận động và đưa đón học sinh đến trường của các thầy cô giáo Trường TH và THCS Lâm Hóa", đã góp phần tích cực duy trì kết quả phổ cập giáo dục trên địa bàn...

Đồng chí Bùi Thanh Chuyên, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Tuyên Hóa cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy không chỉ tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở cấp huyện, mà còn triển khai ở cấp xã, đồng thời yêu cầu các địa phương, đơn vị đăng ký xây dựng các mô hình cụ thể, để đánh giá, rà soát hàng năm. Qua 4 năm (2016-2019) triển khai, toàn huyện đã xây dựng được 274 mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, an ninh-quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị.

Hầu hết các phong trào thi đua được triển khai trên địa bàn có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, góp phần quan trọng giữ vững sự ổn định chính trị-xã hội, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số cấp ủy, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện và xây dựng các phong trào; một số mô hình hoạt động vẫn còn hình thức, hiệu quả chưa cao.

Để xây dựng phong trào thi đua “Dân vận khéo” đi vào thực chất, hiệu quả trong thời gian tới, theo đồng chí Trưởng ban Dân vận Huyện ủy: “Trách nhiệm này thuộc về cấp ủy, người đứng đầu và hệ thống chính trị ở các địa phương, đơn vị. Đặc biệt, việc xây dựng các phong trào, mô hình, điển hình phải hướng đến giải quyết tốt nhất các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Có như vậy, các phong trào mới đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả”. 

(baoquangbinh.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất