Thứ Năm, 25/4/2024

Thành phố Hồ Chí Minh: Sức sáng tạo của phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Những năm qua, với tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quán triệt, cụ thể hóa và thực hiện sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đều khắp trên tất cả các lĩnh vực, là một trong những địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, phong trào thi đua yêu nước của Thành phố nói chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng đã có bước phát triển vượt bậc, tạo xung lực mới thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Thành phố.

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn Thành phố có 16.216 tập thể và 84.766 cá nhân được bình chọn, công nhận mô hình, điển hình “Dân vận khéo” các cấp. Trong đó, có 7.213 tập thể và 45.128 cá nhân điển hình trong lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị; 2.081 tập thể và 13.829 cá nhân điển hình trong lĩnh vực kinh tế; 4.937 tập thể và 15.672 cá nhân điển hình trong lĩnh vực văn hóa - xã hội; 1.985 tập thể và 10.137 cá nhân điển hình trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng.

Trong lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, điều có thể nhận thấy đầu tiên là cấp ủy các cấp đã từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo; chế độ giao ban, làm việc định kỳ được duy trì, phương thức làm việc linh hoạt hơn; cấp ủy viên tăng cường đi cơ sở, bám sát thực tiễn; định hướng nội dung hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng gần dân, sát dân, khắc phục biểu hiện hành chính, chạy theo thành tích; nhiều mô hình mới được hình thành, vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, vừa đáp ứng nhu cầu, sở thích của hội viên, được nhân rộng ra nhiều nơi. Điển hình như phong trào “3 tiết kiệm, 3 tương trợ” của Mặt trận Tổ quốc, “Đội nhóm tình nguyện” và “Câu lạc bộ sức sống mới” của Đoàn Thanh niên, “Câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ”, “Gia đình tiết kiệm điện” của Hội Liên hiệp Phụ nữ và các mô hình xây dựng chính quyền vì dân như “3 nhà, 4 biết” (nhà nước, nhà đầu tư, nhà dân; biết quy hoạch, biết mục đích, ý nghĩa thu hồi đất, biết chính sách bồi thường, biết quyền lợi và nghĩa vụ); “3 không, 3 đúng” và các mô hình có sự liên kết giữa các tổ chức chính trị - xã hội như mô hình “5+1”, “3 chi”…

Thông qua phong trào, số hội viên ưu tú trưởng thành được giới thiệu kết nạp Đảng tăng đều hàng năm; điển hình như Quận Thủ Đức, Bình Tân, Quận 3 đã kết nạp được 121 hội viên ưu tú trở thành đảng viên là thành viên Câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ; hàng trăm đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng qua các chiến dịch tình nguyện. Vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được nâng lên, từng bước thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên.

Trên lĩnh vực kinh tế, nhiều điển hình có cách làm hay, sáng tạo, mạng lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là những tập thể, cá nhân luôn tìm giải pháp thích hợp để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tổ chức, công dân, như tổ chức kết nối ngân hàng với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về vốn; hỗ trợ lãi suất vốn vay; đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục thuế, hải quan…; “khéo” tuyên truyền, vận động doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện có hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường, chia sẻ khó khăn, cải thiện đời sống với nhân dân; “khéo” phối hợp giữa chính quyền với đoàn thể nên đạt hiệu quả tốt trong việc vận động nhân dân tiết kiệm điện; “khéo” phát huy tinh thần tương trợ trong các tầng lớp nhân dân, kiên trì, nhẫn nại, suy nghĩ các phương thức vận động đa dạng, phong phú, linh hoạt đến từng người, từng nhà nên phong trào chăm lo cho người nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, ủng hộ nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học, đồng bào bị bão lụt, thiên tai… phát triển sâu rộng, được nhân dân đồng thuận và hưởng ứng nhiệt tình. Nổi bật trong phong trào này là việc người dân tự nguyện hiến đất mở đường, mở hẻm, xây dựng đường giao thông nông thôn… với tổng số diện tích đất trên 1,5 triệu m2 ước trị giá trên 34,6 tỷ đồng. Các địa phương, đơn vị kết nghĩa với các xã, huyện để cùng “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất có hiệu quả, giúp nông dân nhận thức tốt vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng thiết thực, sát thực tiễn hơn. Phong trào tình nguyện vì cộng đồng ngày càng lan tỏa, từ những chương trình chung tay bảo vệ môi trường, giúp người khó khăn học chữ, học nghề, chăm sóc sức khỏe nhân dân đến việc bảo tồn đi sản văn hóa lịch sử… được tổ chức khá chu đáo. Ngoài kinh phí Nhà nước, nhiều địa phương đã vận động nhân dân lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao ở các công viên, khu dân cư, hành lang trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm… vừa giúp nhân dân thành phố rèn luyện sức khỏe vừa tạo cảnh quan đẹp của đô thị. Sự “khéo léo” còn được thể hiện qua việc cùng chia sẻ với người khó khăn hơn mình. Đó là “khéo” thuyết phục và kiên trì vận động mỗi năm trên 64 ngàn chủ nhà trọ, cơ sở giữ trẻ không tăng giá hoặc có tăng ở mức hợp lý để hỗ trợ, chăm lo cho gần 1,2 triệu công nhân, người lao động có thu nhập thấp, sinh viên nghèo; “khéo” vận động để xây dựng và nâng cao chất lượng “Gia đình văn hóa”, tạo mối quan hệ gắn bó, yêu thương, quan tâm giữa các thành viên trong gia đình; xây dựng nhiều gương người tốt, việc tốt; xây dựng quỹ học bổng giúp em đến trường, quỹ “Vì người nghèo”, quỹ vì đồng đội, quỹ hỗ trợ công nhân giúp người khó cùng vươn lên; xây dựng quỹ “Vì Biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc”…

Trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng, đó là những tập thể, cá nhân đã khéo léo gắn phong trào thi đua “Dân vận khéo” với thực hiện phong trào “Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Giành 3 đỉnh cao quyết thắng”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “khéo” phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, “khéo” dựa vào nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, tổ chức các hoạt động giúp dân, giao lưu văn hóa, văn nghệ, giáo dục truyền thống; sâu sát địa bàn, tổ chức phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng các mô hình tự quản về an ninh trật tự, khu phố, mô hình “5+1” giáo dục thanh thiếu niên hư hỏng, chậm tiến, vận động cai nghiện ma túy tại cộng đồng dân cư, giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng các mô hình tự quản, tự phòng trong nhân dân; gắn camera tại các khu vực trọng điểm; vận động nhân dân tham gia phòng chống ma túy, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; khéo léo phát huy tinh thần, trách nhiệm của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, thực hiện tốt phong trào “3 giảm”… góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra tình huống bất ngờ trên địa bàn thành phố.

Một số kinh nghiệm rút ra trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, thành phố bước đầu rút ra một số bài học kinh nghiệm quý:

Một là, Ban Thường vụ Thành ủy và cấp ủy các cấp xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là Phong trào thi đua “Dân vận khéo” là một trong những trọng tâm trong công tác vận động nhân dân; chú trọng đẩy mạnh Phong trào trong các cơ quan nhà nước, nhất là những cơ quan thường tiếp xúc trực tiếp và giải quyết các thủ tục hành chính, các nhu cầu của nhân dân. Các cấp ủy chọn nội dung phù hợp; “khéo” đề ra chủ trương hợp lòng dân, “khéo” khơi dậy đúng lúc, lắng nghe ý kiến của nhân dân, dựa vào sức dân để chăm lo cho dân thì chủ trương sẽ đi vào thực chất, tạo được sự đồng thuận cao của xã hội, nhất trí cao từ phía người dân, các tổ chức, các doanh nghiệp.

Hai là, cơ quan tham mưu (ban dân vận các cấp) bám sát cơ sở, chủ động khảo sát, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng nhân dân để tham mưu nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đi vào chiều sâu, thiết thực, xây dựng mô hình bám sát vào chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn. Các tiêu chí đánh giá hiệu quả phong trào phải phù hợp với từng loại hình, từng lĩnh vực, từng đối tượng. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” không tách rời với việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua khác. Tuy nhiên phong trào thi đua “Dân vận khéo” có nét riêng, là cách thức, nghệ thuật, sự khéo léo trong công tác dân vận. Do vậy trong tham mưu, trong tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị cần phải vừa phát huy nét riêng vừa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị và phong trào khác nhằm đạt mục tiêu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị.

Ba là, đi đôi với triển khai, tổ chức thực hiện, cấp ủy phải chú trọng công tác kiểm tra, sơ kết; qua đó, kịp thời giải quyết các vướng mắc cho cơ sở, chấn chỉnh những thiếu sót; đưa nội dung “Dân vận khéo” vào các khóa bồi dưỡng, tập huấn cho cấp ủy, chính quyền, cho cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang...

Bốn là, phương thức triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” vừa lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm vì đây là nơi có đông đảo lực lượng nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động, nơi trực tiếp thực hiện phong trào “Dân vận khéo”; đồng thời vừa kết hợp với triển khai bề rộng như tuyên truyền của cơ quan thông tin đại chúng; tổ chức tuyên dương vừa tại cấp cơ sở vừa với cấp trên cơ sở, cấp thành phố để tạo sự lan tỏa trong xã hội.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào thi đua Dân vận khéo trong thời kỳ mới, Thành phố xác định tập trung làm tốt một số việc như: Tiếp tục quán triệt sâu sắc và nhận thức đúng đắn về tư tưởng, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Kiên trì mục tiêu của phong trào thi đua “Dân vận khéo” tập trung vào việc giải quyết thành công những việc khó, những việc mới nảy sinh trong quá trình CNH, HĐH có liên quan mật thiết đến quyền, lợi ích, tâm tư nguyện vọng chính đáng và đời sống của nhân dân; giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực và vai trò làm chủ của nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phấn đấu xây dựng thành công “Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Việt Hải

TẠP CHÍ IN