Thứ Sáu, 26/4/2024

Kinh nghiệm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Bình Thuận

Bình Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung và có vị trí ảnh hưởng lớn đến vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Diện tích tự nhiên của tỉnh gần 800 km2, trong đó miền núi chiếm 80% diện tích tự nhiên, bờ biển dài 192 km. Toàn tỉnh có 10 đơn vị hành chính, gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 08 huyện; có 127 xã, phường, thị trấn. Dân số toàn tỉnh hơn 1,2 triệu người với 35 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó dân tộc thiểu số chiếm 7% dân số toàn tỉnh, đông nhất là dân tộc Chăm.

Qua 40 năm xây dựng và phát triển, đến nay bộ mặt của tỉnh Bình Thuận đã có nhiều khởi sắc, cả ở nông thôn và thành thị, đời sống nhân dân được nâng cao. Những thành quả đó có được nhờ sự đồng tâm, đồng sức, đồng lòng của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nỗ lực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, từ khi có phong trào thi đua “Dân vận khéo” do Ban Dân vận Trung ương phát động vào năm 2009, sự lãnh đạo, triển khai của Ban Thường vụ và UBND tỉnh Bình Thuận thì tinh thần đó tiếp tục được nhân lên và lan tỏa sâu rộng trên tất cả các vùng miền, các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, 5 năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được các cấp, các ngành và nhân dân triển khai thực hiện sôi nổi gắn với các phong trào thi yêu yêu nước, các cuộc vận động như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”... với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Qua tổng kết, từ 2011 đến nay, toàn tỉnh có 1.728 mô hình tập thể và 1.994 điển hình cá nhân “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.

Trên lĩnh vực kinh tế, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã khơi dậy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân trong lao động, sản xuất, kinh doanh, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế nhất là xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu là mô hình “Tổ, nhóm phụ nữ góp vốn giúp nhau thoát nghèo” của Hội Phụ nữ các cấp; mô hình “Tổ tàu thuyền đánh bắt, khai thác hải sản”, “Nghiệp đoàn nghề cá” của tổ chức Công đoàn; mô hình “Giảm nghèo, làm giàu chính đáng” của Hội Người cao tuổi các cấp với  gần 700 trang trại, doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động…

Đặc biệt, qua triển khai phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương trong tỉnh đã khơi dậy được nội lực trong nhân dân; huy động ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu như: ông Nguyễn Văn Thành (xã Mê Pu, huyện Đức Linh) vận động nhân dân lắp đặt 728 bóng đèn điện thắp sáng đường thôn xóm, xây 18km kè mương và 2.440 trụ cờ; ông Trần Văn Hòe (xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam) hiến 1.800m2 để làm đường giao thông; ông Nguyễn Ngọc Tăng, ông Trần Văn Ngà (xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết) đóng góp và vận động góp 4,4 tỷ đồng xây lắp 2 tuyến đường điện với tổng chiều dài trên 6 km vào khu dân cư và khu sản xuất...

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, các cấp, các ngành và nhân dân đã đóng góp xây dựng 449 công trình dân sinh trị giá 101 tỷ đồng; xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” 27,645 tỷ đồng, Quỹ “Vì người nghèo” trên 86 tỷ đồng, Quỹ “Tiếp bước cho em đến trường” trên 84 tỷ đồng. Qua đó đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.279 căn nhà tình nghĩa, 10.791 căn nhà tình thương, 563 căn nhà cho đoàn viên, hội viên khó khăn; cấp 94.985 suất học bổng cho học sinh, sinh viên gia đình nghèo hiếu học. Đáng chú ý là mô hình “Dòng tộc hiếu học” đã được xây dựng ở nhiều địa phương, qua đó giáo dục, giúp đỡ, động viên con cháu vươn lên học tập để lập thân, lập nghiệp và có ích cho xã hội.

Tiêu biểu trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị có mô hình “Đội dân phòng nữ giữ gìn an ninh trật tự” (xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam); mô hình “Cảm hóa giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư” của Hội Cựu Chiến binh xã Vũ Hòa (huyện Đức Linh) đã giúp 272 người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng; mô hình “Ánh sáng an ninh” được xây dựng từ năm 2010 ở thị trấn Tân Minh (huyện Hàm Tân) đến nay đã nhân rộng ra nhiều địa phương trong toàn tỉnh; mô hình “Chính quyền xin lỗi dân khi trễ hẹn” ở xã Đông Hà (huyện Đức Linh) được nhân dân đánh giá cao và cũng đã được nhân rộng. Ngoài ra, tại các cơ quan, đơn vị phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn liền với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; nhiều cơ quan, đơn vị đã triển khai các biện pháp, hình thức thích hợp để giáo dục, rèn luyện đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ thực hiện tốt phương châm “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

Tuy còn hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, song phong trào thi đua “Dân vận khéo” thu hút được sự tham gia hưởng ứng của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, mang lại những kết quả tích cực. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 6,72%/năm (giai đoạn 2010 - 2015); hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 24 ngàn lao động; đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,64%; những khó khăn, bức xúc ở cơ sở được quan tâm giải quyết kịp thời hơn, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Những thành tích đó đã góp phần quan trọng củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Từ thực tiễn thực hiện phong trào “Dân vận khéo” 5 năm qua trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội phải làm nòng cốt trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Hai là, phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong nhân dân và cả hệ thống chính trị; phải gắn chặt phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; xác định đây là động lực quan trọng để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Phong trào chỉ thành công khi “ý Đảng hợp lòng Dân”.

Ba là, quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào cần tăng cường các hoạt động học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm mô hình mới, cách làm hay giữa các địa phương, đơn vị; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào và các gương điển hình tiêu biểu. Chú trọng sơ kết, tổng kết; thi đua phải gắn liền với khen thưởng; phải bảo đảm sức lan tỏa và tính bền vững của mô hình, điển hình và hiệu quả của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tạo sức mạnh toàn dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh, góp phần xây dựng quê hương Bình Thuận ngày càng phát triển. 

Võ Thị Mùi

TẠP CHÍ IN