Thứ Bảy, 27/4/2024

“Dân vận khéo” - cần xây dựng thành một danh hiệu thi đua chuyên ngành dân vận

Nhân kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ viết bài báo “Dân vận” (15/10/1949 - 15/10/2004), Ban Dân vận Trung ương phát động nghiên cứu và học tập tư tưởng Dân vận của Bác qua tác phẩm “Dân vận”. Trong năm này, nhiều địa phương đã phát động những cuộc thi tìm hiểu, những cuộc thi báo chí và nhất là tổ chức thi thuyết trình về “Dân vận khéo”. Nhiều bài thi viết, bài thuyết trình có giá trị nghiên cứu nhất định, nhất là những tiểu phẩm xử lý tình huống dân vận mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, thể hiện tài trí và nghệ thuật của đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng.

Tại Hội nghị tổng kết công tác dân vận toàn quốc đầu năm 2009, Ban Dân vận Trung ương chính thức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đã thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo cán bộ làm công tác dân vận của cả hệ thống chính trị cũng như những người làm công tác xã hội trong các cộng đồng dân cư khác nhau. Theo tiêu chí hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương, hằng nghìn điển hình cá nhân, tập thể gắn liền với những mô hình “Dân vận khéo” đã được bình chọn. Hằng trăm điển hình, mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu được tuyên dương ở các hội nghị cấp tỉnh, thành phố. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, Ban Dân vận Trung ương đã trang trọng tuyên dương 80 điển hình “Dân vận khéo” có ý nghĩa toàn quốc. Năm nay, kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, Ban Dân vận Trung ương đã xét chọn tuyên dương 85 điển hình “Dân vận khéo” với chất dân vận và tính tiêu biểu thuyết phục hơn.

Có thể nói, 85 năm qua, không một thành quả cách mạng nào không mang yếu tố thành công của công tác dân vận. Bởi vì, đó là đặc trưng của mọi cuộc vận động cách mạng. Bản chất của công tác dân vận luôn đòi hỏi phải “khéo”, vì đối tượng tác động của nó là con người, mà con người thì đa dạng và phong phú. Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát trong dân có ba hạng người: tiên tiến, trung bình và lạc hậu, tất cả đều là đối tượng của công tác dân vận. Nội dung của “Dân vận khéo” là lấy công việc để thuyết phục con người, làm cho người dân thấy được ý nghĩa và sự hài hòa của các lợi ích trong công việc. Kết quả của nó phải vừa được việc, vừa được người.

“Dân vận khéo” không phải là những thủ thuật nhất thời, là cái lối khéo bề ngoài cho được việc. Cái khéo của người làm công tác dân vận là cả một nghệ thuật, xuất phát từ cái tâm, tức là từ tấm lòng, sự chân thành, tôn trọng, thương yêu, tin tưởng nhân dân. Cái tâm tuyệt đối trung thành với Đảng, cái tâm tận trung với nước, tận hiếu với dân. Cái tâm ấy truyền cho họ sức cảm hóa lòng người.

Bác Hồ không dùng thuật ngữ “Dân vận giỏi” hay “Dân vận tốt” mà dùng “Dân vận khéo”. Đây là cách dùng từ rất độc đáo của Bác. Từ “khéo” Bác dùng ở đây vừa mang tính quần chúng, ai đọc cũng hiểu, đồng thời cũng mang nội dung vô cùng phong phú bởi nó bao hàm cả “giỏi” và “tốt”.

Khéo là tài nghệ trong công việc. Khéo là biết tính toán vừa vặn, hợp lý. Khéo là biết làm vừa lòng người khác. Nói chung, khéo là rất tinh tế trong cách làm, cách ứng xử trước những việc rất khó, rất phức tạp. Vậy khéo chính là vấn đề thuộc về năng lực thực hành, chứa đựng phẩm chất và tài nghệ của người cán bộ dân vận. Bởi trong thực tế, người cán bộ dân vận thường phải đứng trước những tình huống ban đầu rất khó, rất phức tạp, đòi hỏi phải có một quy trình dân vận khéo thì mới chuyển biến được đối tượng, khi đó hiệu quả được người, được việc sẽ rất cao.

Từ những điển hình “Dân vận khéo” được chọn tuyên dương giai đoạn 2011 – 2015 này, chúng ta thấy rõ mức độ đạt được của những yêu cầu, nội dung, mục tiêu, cách làm “Dân vận khéo”. Đó là một hoạt động đặc trưng của người làm công tác vận động quần chúng; là một nghề đặc biệt phải được đào tạo công phu, thử thách trong thực tiễn khó khăn, phức tạp; phải có một quá trình tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng “Dân vận khéo”.

Vì vậy, “Dân vận khéo” phải trở thành một danh hiệu thi đua của ngành Dân vận, nó phải được thể chế hóa, cụ thể hóa và hoàn thiện các tiêu chí, chuẩn mực của một danh hiệu thi đua chuyên ngành, với những thang bậc thi đua phù hợp với Luật Thi đua, Khen thưởng của Nhà nước. Có được một danh hiệu thi đua chuyên ngành Dân vận là nguyện vọng và lòng mong mỏi của những người làm công tác dân vận cả nước.

Hy vọng rằng, những người làm công tác dân vận luôn thực sự là những người “Dân vận khéo” và danh hiệu “Dân vận khéo” sẽ được trao cho nhiều cán bộ làm công tác dân vận của hệ thống chính trị.

Hồ Minh Tâm

TẠP CHÍ IN