Thứ Năm, 25/4/2024

Đồng Nai: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” là động lực phát triển kinh tế - xã hội

Quán triệt các quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận; thực hiện Kế hoạch số 70 ngày 26/02/2009 của Ban Dân vận Trung ương, đồng thời xác định tầm quan trọng của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, ngày 15/4/2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai ban hành Chỉ thị số 06-CT/TU về đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh.

Phong trào đã làm chuyển biến về nhận thức và thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, lực lượng đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân tích cực tham gia, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Qua 05 năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh có hơn 13.926 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị. Phong trào thi đua đã đem lại hiệu quả kinh tế với gần 265,7 tỷ đồng, xây dựng 5.411 căn nhà tình thương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 1%; thu nhập bình quân đầu người 59,6 triệu đồng/năm; có 63/136 xã và 02 đơn vị cấp huyện đầu tiên trong cả nước được công nhận là huyện nông thôn mới (là huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh). Nhiều điển hình đã được nhân rộng và phát huy hiệu quả thiết thực.

Thông qua các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã phát huy tính tích cực, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong tham gia các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật là mô hình “Tổ Phụ nữ liên kết nuôi trồng nấm mèo năng suất cao” của Chi hội Phụ nữ Khu phố 3, phường Xuân Thanh (thị xã Long Khánh); các mô hình “Câu lạc bộ chăn nuôi năng suất cao”, “Chuyển đổi mô hình chăn nuôi heo sang nuôi ếch công nghiệp” ở phường Tam Hiệp (thành phố Biên Hòa); mô hình “Vận động nông dân tham gia Câu lạc bộ rau sạch” của xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc); mô hình “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, “Áo trắng và sách giáo khoa tặng bạn” của Nhà thiếu nhi Đồng Nai; mô hình “Giúp học sinh bỏ học trở lại trường” của Công đoàn cơ sở Tổng Công ty Cao su Đồng Nai; mô hình “Mỗi cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu 1-2 hộ nghèo vượt nghèo” của xã Sông Ray, Xuân Đường (Cẩm Mỹ); mô hình vận động nhân dân đóng góp xây dựng đường điện, hiến đất xây dựng đường giao thông, xây dựng trường học, xây dựng trụ sở ấp ở xã Trung Hòa, Bắc Sơn (huyện Trảng Bom)...

Hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các tổ chức tôn giáo, cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh với phương châm “Sống tốt đời, đẹp đạo” đã tích cực vận động tăng ni, Phật tử, giáo dân tham gia thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; vận động tín đồ các tôn giáo hiến đất xây trường học, làm đường, ủng hộ tiền, quà, xây dựng nhà tình thương...

Lực lượng vũ trang tỉnh tổ chức nhiều đợt ra quân làm công tác dân vận gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các xã vùng đồng bào dân tộc, vùng tôn giáo, vùng sâu, vùng xa. Qua đó có các hoạt động thiết thực, hiệu quả như: diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến của nhân dân”, phong trào “Nụ cười cảnh sát giao thông”; giúp nhân dân các địa phương sửa chữa đường liên thôn, nạo vét khơi thông kênh mương nội đồng, thăm và tặng quà cho gia đình nghèo, gia đình chính sách, xây dựng nhà tình nghĩa....

Qua thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng cao tinh thần, thái độ, phong cách dân vận “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” và xây dựng, thực hành có hiệu quả phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Phong trào đã động viên và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ, tính tích cực của nhân dân, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế  - xã hội; củng cố an ninh - quốc phòng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đi đôi với quan tâm giải quyết những vấn đề bức thiết, chính đáng của nhân dân nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.

Qua quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau:

Một là, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần đẩy mạnh công tác triển khai, quán triệt, nâng cao nhận thức về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân vận nói chung và phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng; xem đây là trách nhiệm, là nhiệm vụ thường xuyên trong công tác vận động nhân dân; quan tâm giải quyết những vấn đề có liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân.

Hai là, trong quá trình tổ chức phong trào phải quán triệt và thực hiện tốt quan điểm: Động lực thúc đẩy phong trào nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; tạo sự đồng thuận trong xã hội, chú trọng kết hợp hài hòa các lợi ích, huy động nguồn lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị gắn với lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân.

Ba là, xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phải cụ thể, thiết thực, mang lại hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của quần chúng nhân dân, có tính xã hội sâu sắc, lan tỏa tạo thành phong trào quần chúng mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Lấy hiệu quả về kinh tế - xã hội làm thước đo đánh giá phong trào.

Bốn là, phát huy vai trò nòng cốt của Ban Dân vận, Khối Dân vận cấp ủy trong việc tham mưu cho cấp ủy, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. Thường xuyên quan tâm bố trí phân công đúng người đúng việc, xây dựng đội ngũ cán bộ Dân vận, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội có đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phát huy tốt vai trò lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, các chức sắc tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào ngay từ cơ sở.

Năm là, quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào cần tăng cường các hoạt động học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm mô hình mới, cách làm hay giữa các địa phương, đơn vị; đồng thời phối hợp chắt chẽ với các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự lan tỏa trong xã hội; định kỳ hàng năm sơ kết, tổng kết phong trào để nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua, phát huy tinh thần thi đua yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân, ngày 14/2/2015 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020. Trong đó tập trung tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác dân vận nói chung và phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng; xây dựng và nhân rộng nhiều hơn những mô hình “Dân vận khéo”, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thắt chặt mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Viên Hồng Tiến

TẠP CHÍ IN