Thứ Sáu, 26/4/2024

Một đời tâm huyết với công tác dân vận

Đó là đồng chí Vũ Oanh, sinh năm 1924, tại xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác dân vận.

Tháng 11/1989, trước yêu cầu thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng và Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới thắng lợi đòi hỏi phải đổi mới công tác dân vận để tạo ra phong trào cách mạng mạnh mẽ, sôi nổi của nhân dân thực hiện chủ trương, nhiệm vụ chính trị của Đảng. Đồng chí Vũ Oanh lúc đó đang là Trưởng ban Kinh tế Trung ương được Trung ương Đảng phân công sang phụ trách công tác dân vận.

Những năm trước đó, tuy không làm công tác dân vận, nhưng dù công tác ở Ban Tổ chức Trung ương hay giữ chức vụ Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông đều suy nghĩ, trăn trở về phương pháp dân vận, coi đây là vấn đề phải hiểu rõ, làm thật tốt trong quá trình hoạt động cách mạng. Theo ông, công tác xây dựng Đảng không chỉ dừng lại ở khâu đảng vụ đơn thuần mà phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, gắn chặt với nhiệm vụ chăm lo cải thiện nâng cao đời sống nhân dân. Việc xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải xuất phát từ yêu cầu của nhân dân, đáp ứng được nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân; phải khơi dậy tính chủ động sáng tạo của dân trong thực hiện đường lối của Đảng, trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế - xã hội. Làm tốt công tác dân vận để đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của dân, để lòng dân hợp với ý Đảng là một vấn đề mà mỗi cán bộ đảng viên phải thực hiện cho tốt. Song trên thực tế, nhiều người không nghĩ và thực hiện như vậy và thường quen thực hiện theo ý muốn chủ quan của mình, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh, không làm tốt công tác dân vận, không quan tâm đến công tác dân vận.

Vậy, những căn cứ để đổi mới công tác dân vận là gì? Làm sao nâng cao được hiệu quả công tác dân vận và để cán bộ đảng viên làm công tác dân vận yên tâm công tác? Và, điều đầu tiên ông quan tâm là phải tìm cho ra nguyên nhân vì sao nhiều tổ chức, cá nhân coi nhẹ công tác dân vận. Với kinh nghiệm của mình, ông bắt tay vào nghiên cứu các văn kiện, nghị quyết, quan điểm của Đảng về công tác dân vận. Quá  trình tìm hiểu ông cũng thấy rằng, từ trước đến nay Đảng rất quan tâm đến công tác dân vận, song chưa có một nghị quyết riêng về công tác quan trọng này. Ông đã trao đổi với các đồng chí trong Ban Bí thư về việc cần phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng và Trung ương Đảng cần ra nghị quyết về đổi mới công tác dân vận. Ý kiến của ông đã được các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh hoàn toàn nhất trí. Ông được giao làm Trưởng ban soạn thảo nghị quyết. Bản dự thảo nghị quyết được trình lên Bộ Chính trị, sau khi tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị bản dự thảo được đăng lên các báo để lấy ý kiến góp ý của nhân dân. Ngày 27/3/1990, nghị quyết đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa VI với chủ đề: “Đổi mới công tác quần chúng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân” (được gọi là Nghị quyết 8B). Điều cốt lõi của Nghị quyết được thể hiện ở bốn quan điểm, nhấn mạnh về những vấn đề bản chất, những vấn đề có ý nghĩa chiến lược của công tác dân vận và những giải pháp chủ yếu nhằm đổi mới sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận phù hợp với yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước; đồng thời cũng chỉ ra sự khác biệt của công tác dân vận trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với giai đoạn cách mạng trước đó. 

Theo ông, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền, các đoàn thể, biến đường lối của Đảng,  chính sách, pháp luật của Nhà nước thành hành động sôi nổi, tự giác của nhân dân. Đảng phải đề ra đường lối, chính sách đúng đắn phù hợp với quy luật khách quan, đáp ứng lợi ích, nguyện vọng của người dân. Để định ra đường lối đúng đắn, Đảng phải sâu sát thực tiễn, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng, lợi ích chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân. Phải thực hiện tốt quy trình “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong việc xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất năng lực đảm đương nhiệm vụ, được nhân dân tín nhiệm. Cấp ủy đảng định kỳ kiểm điểm công tác dân vận, kịp thời phát hiện và báo cáo lên cấp trên những vấn đề bức xúc của dân cần giải quyết tại cơ sở. Phân công một ủy viên ban thường vụ cấp ủy phụ trách công tác dân vận. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng nhằm củng cố và tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân; xây dựng tổ chức đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.

Trong giai đoạn cách mạng mới, công tác dân vận có những đặc điểm mới. Nghị quyết 8B đã đánh giá sâu sắc về mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, nêu ra những quan điểm cơ bản nhất về đổi mới công tác dân vận: Công tác dân vận phải kết hợp hài hòa giữa các lợi ích, cần quan tâm đáp ứng lợi ích của từng người; Công tác dân vận là công tác của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, mà trên hết sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân.

Mục tiêu của công tác dân vận là phải bám vào nhiệm vụ chính trị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi sâu vào sản xuất kinh doanh và giải quyết các vấn đề thiết thực của nhân dân. Phong trào phát triển kinh tế gia đình được đẩy mạnh, đời sống nhân dân bớt khó khăn, góp phần làm cho đất nước giàu mạnh. Quyền làm chủ của nhân dân được mở rộng thêm, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Về mặt xã hội, một loạt phong trào của quần chúng nhân dân được phát triển rộng rãi như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói, giảm nghèo”, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm lo giáo dục thế hệ trẻ…

Sau một thời gian thực hiện Nghị quyết 8B của Đảng, công tác dân vận đã được các cấp ủy Đảng quan tâm hơn, điều đó được thể hiện trong việc thực thi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đem lại lợi ích cho nhân dân, cho đất nước. Điểm mới là Đảng đã coi trọng công tác điều tra, nghiên cứu, khảo sát tình hình nhân dân, mở rộng dân chủ, tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia xây dựng đường lối, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các nghị quyết của Đảng, các chính sách của Nhà nước. Các cấp, các ngành, chính quyền có sự chuyển biến tiến bộ trong việc cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng. Vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được đề cao. Mối quan hệ giữa chính quyền với các đoàn thể chính trị - xã hội có chuyển biến tốt, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức đã có tiến bộ. Hệ thống dân vận từ Trung ương đến cơ sở được kiện toàn.

Đã 25 năm trôi qua, nhưng những vấn đề về đổi mới công tác dân vận trong Nghị quyết 8B đến nay vẫn còn tính thời sự nóng bỏng. Những tâm huyết của ông về đổi mới công tác dân vận đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Trong suốt cuộc đời đi theo cách mạng, trên mọi cương vị công tác, ông luôn nêu cao trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, làm việc sâu sát thực tế, tư duy đổi mới, nhạy bén phát hiện tình hình, đóng góp vào sự lãnh đạo của Đảng. Ông sống khiêm tốn, giản dị, đoàn kết thân ái, chan hòa với đồng chí, đồng bào; luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với công lao và sự đóng góp trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất.

Kim Ngân

TẠP CHÍ IN